- Công an tỉnh Bình Dương gia hạn tạm giữ lần 2 đối với 2 người của Công ty Dìn Ký và xác định ban đầu tài công điều khiển con tàu BD-0394 khi gặp nạn chỉ là một... nhân viên tạp vụ.

Toàn cảnh vụ chìm tàu
Vụ tai nạn chìm tàu kinh hoàng xảy ra vào chiều tối 20/5 đã làm 16 người thiệt mạng, trong đó có nhiều trẻ em, người nước ngoài.

Đang chờ khởi tố bị can

Liên quan đến vụ chìm tàu nhà hàng nổi của Dìn Ký làm 16 người tử vong như VietNamNet đã thông tin, chiều 24/5, trao đổi với PV VietNamNet qua điện thoại, Thượng tá Nguyễn Hoàng Thao – Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương xác nhận, cơ quan CSĐT công an tỉnh này đã gia hạn tạm giam lần 2 (thêm 3 ngày) đối với 2 người của công ty Du lịch xanh Dìn Ký.

2 người bị bắt giữ để điều tra về hành vi “Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy gây hậu quả nghiêm trọng" là Lê Văn Đức (người làm nhiệm vụ tài công điều khiển tàu khi tàu gặp nạn) và Lao Văn Quang (quản lý tàu).

Liên quan đến vụ chìm tàu làm 16 người chết, có 2 người của Dìn Ký đang bị xem xét khởi tố bị can.
Trong một diễn biến khác, ông Đinh Văn Quân (quản lý chung của nhà hàng Dìn Ký chi nhánh tại xã Bình Nhâm, TX. Thuận An, tỉnh Bình Dương) cũng đã bị cơ quan công an mời làm việc.

Điều đáng nói là Lê Văn Đức chỉ là nhân viên tạp vụ của Công ty du lịch xanh Dìn Ký. Tuy nhiên, thời điểm đêm 20/5, ông Đức điều Quân điều động làm tài công điều khiển tàu, thay thế cho một tài công khác

“Chúng tôi đã gửi toàn bộ hồ sơ sang Viện KSND tỉnh và đang chờ phía cơ quan này phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với Đức và Quân. Chúng tôi đang tiến hành điều tra và tiến hành các bước tố tụng theo quy trình của pháp luật” – Thượng tá Thao khẳng định.

Được biết, trong ngày 24/5, đã có một số người vào bên trong con tàu BD-0394 thu dọn đồ đạc. Một cán bộ của cơ quan điều tra xác nhận: “Chuyện này không ảnh hưởng đến việc điều tra, tìm hiểu các thông số kỹ thuật của con tàu. Cơ quan chức năng tại hiện trường cho phép thực hiện điều đó”.

Một số người vào con tàu tử thần trưa 24/5 để dọn dẹp
Một nguồn tin của VietNamNet cho hay, con tàu tử thần BD-0394 có nhiều vi phạm về yếu tố an toàn kỹ thuật. Cụ thể, tài BD-0394 hết niên hạn sử dụng (hết hạn kiểm định từ 28/1/2011); đáy nông, không thể cân bằng tải trọng 2 tầng của con tàu…. Còn những thông số kỹ thuật cụ thể, vi phạm chi tiết về các yếu tố đảm bảo an toàn… sẽ được cơ quan công an làm rõ trong nay mai.

Và đặc biệt, trong thời điểm xảy ra vụ chìm tàu vào đêm 20/5, phần đáy của con tàu đã bị thủng một lỗ lớn, có thể nước theo đó tràn vào các khoang tàu. Đồng thời cộng với mưa gió vào đêm 20/5 khá lớn có thể làm cho con tàu nghiêng và chìm trong tích tắc, mà các nạn nhân không kịp phản ứng.

“Mất bò lo… làm chuồng”

Được biết cũng chính con tàu này vào cuối năm 2010 khi lưu thông trên đoạn sông Sài Gòn (tiếp giáp giữa xã Bình Nhâm, TX.Thuận An, tỉnh Bình Dương với ấp 4, xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, TP.HCM) đã bị lực lượng thanh tra giao thông đường thủy TP.HCM xử phạt vì không đảm bảo an toàn.

Ngoài ra, người tài công điều khiển phương tiện lúc đó, cũng đã bị lực lượng thanh tra lập biên bản vi phạm, tạm giữ bằng lái trong thời hạn 6 tháng.

Theo Đại tá Nguyễn Đức Thành – Phó chỉ huy, Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Dương thì “đến thời điểm hiện nay, công tác cứu hộ - cứu nạn đã hoàn tất; lực lượng quân đội của chúng tôi đã rút khỏi hiện trường”.

Dự kiến sáng 25/5, ngoài các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương thì Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải… cũng sẽ có mặt tại hiện trường để khám nghiệm hiện trường con tàu

Khi 16 người nằm sâu dưới dòng sông lạnh lẽo thì chính quyền mới có những động thái cụ thể như thế thì liệu có quá muộn màng?
Cũng trong một diễn biến khác, trong chiều 24/5, ông Trần Văn Nam – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã ký văn bản chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, quản lý, đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trên toàn địa bàn tỉnh. Trong văn bản này có nói rõ, trọng tâm mà các cơ quan cần chú ý xử lý là phương tiện, người điều khiển phương tiện, các bến thủy nội địa, các bến khách ngang sông….

Trong ngày 24/5, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Dương đã ra quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành gồm nhiều cơ quan đơn vị ở địa phương nhằm thanh, kiểm tra các bến cảng, bến du lịch, khu du lịch sông nước dọc trên sông Sài Gòn, đoạn chảy qua địa phận tỉnh Bình Dương… Nếu có vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc.

Nhưng dư luận đặt ra vấn đề và bất bình là chính quyền Bình Dương khi “mất bò mới lo… làm chuồng". Khi 16 người nằm sâu dưới dòng sông lạnh lẽo thì chính quyền mới có những động thái cụ thể như thế thì liệu có quá muộn màng?

  • Đàm Đệ
Toàn cảnh vụ chìm tàu
Vụ tai nạn chìm tàu kinh hoàng xảy ra vào chiều tối 20/5 đã làm 16 người thiệt mạng, trong đó có nhiều trẻ em, người nước ngoài.