- "Tịch thu phương tiện có thể áp dụng với trường hợp tái vi phạm lần 2 hoặc 3 với nồng độ cồn quá mức cho phép, có nồng độ cồn quá cao gấp trên 3 lần mức cho phép lần 1 hoặc 2, chống người thi hành công vụ khi kiểm tra nồng độ cồn ngay lần đầu tiên" - TS Trần Hữu Minh đã đưa ra các giải pháp cho Việt Nam trong việc xử lý người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn.
Uống rượu bia lái xe, thế giới xử lý thế nào? "Phần lớn các nước trên thế giới coi việc điều khiển phương tiện trong khi uống rượu bia quá mức cho phép là loại tội phạm, do đó có thể áp dụng các giải pháp đối với tội phạm để xử lý (phạt/tịch thu/tù giam) với mức phạt rất nặng". |
Say xỉn lái xe, cho đi lao động công ích?
Có thể thấy sự cần thiết kiểm soát chặt chẽ nồng độ cồn đối với lái xe đã quá rõ ràng, với đầy đủ các căn cứ về khoa học cũng như thực tế. Do nồng độ cồn có mối quan hệ với tốc độ nên đây là một giải pháp trúng hai đích, xử lý được cả vấn đề nồng độ cồn và một phần vấn đề chạy quá tốc độ - là hai nguyên nhân chính gây nên tai nạn giao thông trên thế giới và cũng như tại Việt Nam.
Mức giới hạn nồng độ cồn: có thể thấy xu hướng rất nhiều nước tiên tiến kể cả các nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines, Campuchia đã chuyển sang mức 50 mg/100 ml. Việt Nam nên cân nhắc áp dụng mức này đối với tất cả lái xe, cấm tuyệt đối nồng độ cồn với lái xe chuyên nghiệp.
Nên nhanh chóng sửa đổi hệ thống pháp luật, bao gồm cả bộ luật hình sự, đưa thêm loại hình vi phạm lái xe có nồng độ cồn quá mức cho phép vào một loại phạm tội, đồng thời bổ sung các chế tài nghiêm khắc cho vi phạm này nếu tái phạm, làm căn cứ cho việc cưỡng chế thực thi.
Pháp luật suy cho cùng là quy định do chúng ta tự đặt ra, trong quá trình quản lý, đảm bảo trật tự kỷ cương của xã hội nếu thấy quy định nào chưa phù hợp, cần nhanh chóng sửa đổi để phục vụ yêu cầu thực tế.
Việc Australia hoặc Scotland liên tục sửa đổi bộ luật giao thông đường bộ để xử lý các hiện tượng lái xe ẩu (trong đó có uống rượu bia) vào các năm 2004 và 2009 cho thấy sự cần thiết của điều này.
Đo nồng độ cồn. (Ảnh minh họa) |
Nhanh chóng xây dựng một hệ thống các giải pháp đa dạng phục vụ cho việc xử lý theo mức độ vi phạm, cho người dân cơ hội sửa chữa lỗi lầm nếu thành tâm cải hối, phạt lũy tiến và phạt nặng với những hành vi tái phạm nghiêm trọng và mức độ nguy hiểm cao là một hướng đi đúng.
Một số giải pháp có thể áp dụng bao gồm:
Phạt tiền, dựa trên thu nhập bình quân của nhóm đối tượng sử dụng phương tiện, với xe máy, có thể ở mức 1 tháng lương 3-6 triệu đồng cho vi phạm lần đầu, với xe ô tô, có thể từ 10-20 triệu cho vi phạm lần đầu.
Phạt điểm trên bằng lái, có thể phân ba loại vi phạm nhẹ 2 điểm/trung bình 4/nặng 6 điểm, nếu có trên 10 điểm phạt sẽ bị tước bằng 1-2 năm...
Phạt lũy tiến, với xe máy, có thể nâng mức phạt lên 6-15 triệu cho vi phạm lần 2, và 15-30 triệu cho vi phạm lần 3. Với ô tô, có thể từ 20-40 triệu cho lần 2 và có thể tăng lên 40-200 triệu thậm chí hơn cho vi phạm lần 3 (tùy theo mức vi phạm). Các mức phạt tiền nên được cập nhật 3-5 năm một lần theo mức độ tăng thu nhập của người dân, và mức độ lạm phát.
Buộc tham gia chương trình huấn luyện đặc biệt cho người có hành vi lái xe nguy hiểm: Bất cứ người vi phạm nào đều phải tham gia và thi đạt mới được nhận lại bằng lái.
Phạt lao động công ích phục vụ cộng đồng cũng có thể được sử dụng với người vi phạm lần đầu.
Treo hoặc tịch thu bằng lái: Có thể tước giấy phép lái xe từ 3-6-12 tháng đến 2 năm tùy theo mức độ vi phạm.
Buộc lắp đặt thiết bị kiểm soát nồng độ cồn trên xe và chỉ kích hoạt khi người lái có nồng độ cồn dưới mức cho phép: Có thể áp dụng với người lái xe ô tô vi phạm lần 2, với chi phí do người vi phạm trả.
Tạm giữ: Có thể áp dụng với tất cả các trường hợp có nồng độ cồn quá mức cho phép, cũng có thể áp dụng hình phạt này với các trường hợp vi phạm như lái nhanh hơn tốc độ giới hạn tới 30 km, đua xe trên đường phố, cố tình lái ẩu tại các đường ngang, được cảnh sát yêu cầu dừng lại nhưng không tuân thủ, chở quá số người quy định, tái phạm lỗi về bằng lái, và sử dụng ma túy khi lái xe, không đóng bảo hiểm và không đóng phí bảo trì đường bộ. Cho phép người dân chuộc lại phương tiện khi nộp phạt đầy đủ và trả toàn bộ các chi phí có liên quan.
Tịch thu phương tiện: có thể áp dụng với trường hợp tái vi phạm lần 2 hoặc 3 với nồng độ cồn quá mức cho phép, có nồng độ cồn quá cao gấp trên 3 lần mức cho phép lần 1 hoặc 2, chống người thi hành công vụ khi kiểm tra nồng độ cồn ngay lần đầu tiên; không đóng bảo hiểm, không đóng phí bảo trì đường bộ và không tuân thủ quy định xử phạt (dư luận có thể yên tâm vì sẽ không có chuyện phạt tịch thu phương tiện ngay lần vi phạm đầu tiên với những lỗi không nghiêm trọng).
Phạt tù: Với những trường hợp đã bị xử lý ở trên nhưng không chấp hành, hoặc tái vi phạm lần 4 với nồng độ cồn quá mức cho phép, hoặc có nồng độ cồn quá cao gấp trên 4 lần mức cho phép lần 1 hoặc 2, hoặc chống người thi hành công vụ khi kiểm tra nồng độ cồn ngay lần đầu tiên.
Phân trách nhiệm cho lực lượng cảnh sát làm đúng chức năng của họ là kiểm tra giám sát cưỡng chế thực thi và để tòa án ra các quyết định liên quan đến tịch thu/phạt tù. Đảm bảo có sự phân công chức năng rõ ràng giữa hành pháp và tư pháp.
Đây là những tổng hợp nhanh từ kinh nghiệm thế giới, các giải pháp này cần được nghiên cứu chi tiết hơn trong quá trình xây dựng quy định pháp luật.
Nguyên tắc quan trọng là đảm bảo tính bình đẳng, tuy nhiên cần phải hiểu sâu xa mục tiêu cuối cùng của pháp luật là đảm bảo an toàn cho người dân, phát triển xã hội một cách bền vững. Bởi vậy, với loại vi phạm thông thường lần đầu, bình đẳng được hiểu là ai cũng sẽ bị phạt như nhau. Nhưng khi cố tình lặp lại vi phạm ở mức độ nghiêm trọng có thể dẫn tới thiệt mạng, lúc đó bình đẳng cần được hiểu (và phải đẳng hiểu) là ai vi phạm như vậy cũng bị xử phạt nặng (tịch thu thậm chí tù giam) dù họ là ai và đi phương tiện gì.
Những bài học như cấm đốt pháo 1995 hay bắt buộc đội mũ bảo hiểm 2008 cho thấy có một số trường hợp trước khi thực hiện gặp khá nhiều khó khăn, nhưng vẫn cần quyết tâm làm vì không thể nhân nhượng với sự an toàn của người dân.
Phạt 'say xỉn lái xe' tới 40 triệu không đủ răn đe với đại gia Đề xuất tịch thu xe vi phạm khiến người dân lo ngại tăng quyền cho CSGT. CSGT vừa đá bóng, vừa thổi còi khi vừa lập biên bản lại vừa ra quyết định tịch thu". |
Để phát huy tối đa hiệu quả của hệ thống các giải pháp
Để giải pháp phát huy tối đa hiệu quả, cần một số điều kiện
- Tuyên truyền giáo dục kết hợp với cương quyết xử lý vi phạm là hai công cụ đã được dùng rất hiệu quả trên thế giới. Hai nhân tố này hòa quyện và tạo thành một vòng lặp hỗ trợ bổ sung cho nhau.
Giáo dục tuyên truyền sẽ chỉ có hiệu quả nếu đi kèm với chế tài xử lý vi phạm nghiêm khắc. Ngược lại sẽ không thể xử lý hết trường hợp vi phạm nếu không làm công tác tuyên truyền giao dục hiệu quả.
Bởi vậy cần một lộ trình triển khai hợp lý, từ việc giáo dục tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn (bao gồm cả việc nhờ người khác lái xe, sử dụng VTHKCC, chọn địa điểm và thời gian uống rượu bia phù hợp)- xử phạt thí điểm- truyền thông – đến bước áp dụng triệt để các giải pháp. Tuyên truyền cần được thực hiện trước tiên ở mức độ sâu rộng đến mọi người dân. Và có thể chắc chắn các cơ quan có liên quan sẽ triển khai tuyên truyền giáo dục trước!
- Để xác định các lỗi tái phạm, cần nhanh chóng phát triển hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về vi phạm an toàn giao thông, chia sẻ hệ dữ liệu này và có sự phối hợp hoạt động giữa các cơ quan có liên quan bao gồm cảnh sát, thanh tra giao thông, bảo hiểm, kiểm định và cơ quan thu phí bảo trì đường bộ.
- Nhanh chóng phát triển hệ thống bảo hiểm theo xu hướng của thế giới, minh bạch hóa thị trường bảo hiểm theo hướng thắt chặt yêu cầu bảo hiểm, có tổ chức chuyên trách định kỳ kiểm tra việc mua bảo hiểm xe cơ giới với toàn bộ ô tô và xe máy, bảo hiểm thay đổi theo hành vi lái xe, tuổi tác nghề nghiệp và hành vi lái xe, những người có kinh nghiệm lái xe an toàn lâu năm sẽ có mức bảo hiểm rất thấp trong khi những người có lịch sử vi phạm sẽ có mức bảo hiểm rất cao, mã hóa các lỗi vi phạm để phục vụ việc khai báo và tính bảo hiểm...dùng mức bảo hiểm hàng năm như một công cụ kinh tế tác động vào hành vi tham gia giao thông của người dân. Đây là một giải pháp đã được áp dụng rất thành công trên thế giới.
- Đơn giản hóa thủ tục tại tòa án, cho phép tòa ra các quyết định nhanh chóng trong mức thời gian nhất định (từ 1-2 ngày làm việc...) trong xử phạt vi phạm ATGT.
Ngoài ra có thể thực hiện thêm một số giải pháp:
- Xã hội hóa các hoạt động có thể làm được (dịch vụ vận chuyển xe vi phạm, kho bãi lưu giữ xe vi phạm...)
- Phát triển hệ thống mã số bưu điện cho phép quản lý người lái và phương tiện, điều này cho phép cảnh sát/tòa án có thể xử lý những người và phương tiện vi phạm một cách hiệu quả nhất.
Tịch thu xe khi say: Lỗi đâu phải ở cái xe? Bên cạnh những ý kiến ủng hộ cũng không ít người lo lắng nghị định mới sẽ khai tử dịch vụ cho thuê xe tự lái, cánh lái xe thuê thất nghiệp thậm chí làm gia tăng các hành vi hối lộ, đút lót để giữ phương tiện. |
Những vấn đề khác
Dư luận cũng nhắc đến một số hiện tượng tiêu cực khi xử phạt hay sự thỏa thuận giữa người bị phạt và người thực thi pháp luật. Mặc dù chưa có số liệu thống kê và báo cáo chính xác về vấn đề này, điều này tương tự như câu châm ngôn ‘Elephant in the living room ‘ để chỉ một vấn đề còn tồn tại ai cũng biết nhưng chưa được giải quyết triệt để. Đây là một thực tế đòi hỏi phải có giải pháp.
Không làm được điều này các giải pháp ở trên sẽ không phát huy tối đa được tác dụng. Bởi vậy ngoài việc tăng cường giám sát nội bộ trong ngành cảnh sát, cho phép sự tham gia giám sát của người dân, công khai quy trình ra quyết định, cần phải đảm bảo lực lượng thực thi công vụ có đủ động lực làm việc, nguồn lực để triển khai, có quyền hạn rõ ràng và cũng có trách nhiệm cụ thể.
Có thể ứng dụng thêm công nghệ thông tin trong quá trình xử phạt, trong đó có việc sử dụng các thiết bị ghi âm/ghi hình để chuyển cho bên tư pháp trong quá trình xử phạt, điều này cũng góp phần làm giảm bớt các quyết định mang tính chủ quan của người thi hành công vụ. Hoàn toàn có thể đề nghị chuyển đổi một phần nhất định kinh phí xử phạt để hỗ trợ lực lượng thực thi pháp luật (công an, tòa án) với điều kiện phải công khai minh bạch và làm tốt công việc được giao.
Thực tế cho thấy lượng tiêu thụ rượu bia và việc quy định chặt chẽ về vấn đề này tương đối độc lập. Tại các nước phát triển, sau khi triển khai triệt để thực hiện các quy định về nồng độ cồn, người dân tuân thủ và tình trạng an toàn giao thông được cải thiện đáng kể, nhưng lượng rượu bia tiêu thụ cũng không thay đổi vì người dân sẽ sử dụng rượu bia theo một cách khác phù hợp với quy định (thời gian/địa điểm/phương tiện đi lại...). Cuộc sống luôn tìm được đường đi cho nó!.
Nên có những cuộc khảo sát dư luận rộng rãi về vấn đề này, trong quá trình tiến hành lấy ý kiến người dân cần đảm bảo cuộc khảo sát được tiến hành một cách công bằng và khách quan, do những tổ chức độc lập và chuyên nghiệp tiến hành, hướng tới nhiều đối tượng khác nhau về độ tuổi, nghề nghiệp, nơi sinh sống, thu nhập, phương tiện sử dụng...để đảm bảo tính đại diện, chân thực và khách quan cao của kết quả.
Những cuộc khảo sát với một số đối tượng nhất định trên các diễn đàn hay một tờ báo thường không thỏa mãn được các yêu cầu trên.
Lời kết
Trong giáo dục, không có gì dễ nhớ, dễ hiểu và dễ làm theo bằng những bài học, tình huống và thông tin cụ thể. Về bản chất giải pháp xử lý vi phạm (dù ở mức độ nào) cũng mang tính giáo dục và là một khâu trong quá trình giáo dục công dân.
Nhìn sang nước láng giềng Singapore nơi nổi tiếng thế giới về các quy định pháp luật rõ ràng và xử lý nghiêm minh các vi phạm pháp luật (thậm chí hà khắc), bất kể bạn là ai và đến từ đâu, nếu bạn vứt một mẩu thuốc lá không đúng nơi quy định, ngay lập tức sẽ bị phạt và phạt! Và nếu không nộp phạt thì sẽ tiếp tục bị ra tòa án và nộp phạt cao hơn nữa.
Nếu chỉ nhìn bản thật việc xử phạt thì rõ ràng là chỉ có cưỡng chế, vì tuyệt nhiên không có giáo dục, nhắc nhở hay khiển trách, mà chỉ có phạt, và xử phạt rất nặng. Nhưng nếu nhìn cả quá trình thì chính cách giải quyết vấn đề một cách kiên quyết và rõ ràng như vậy đã giúp giáo dục người Singapore trở thành những công dân có ý thức sống tuân thủ pháp luật thuộc loại tốt nhất thế giới. Đây cũng chính là cách tiếp cận mà Việt Nam nên sử dụng.
TS. Trần Hữu Minh
"Thu phương tiện chỉ nên dùng trong tình huống đặc biệt" "Giải pháp tịch thu phương tiện hay những giải pháp nghiêm khắc hơn luôn tồn tại trong hệ thống pháp luật ở rất nhiều quốc gia. Tuy nhiên, những giải pháp như tịch thu phương tiện chỉ được áp dụng trong những tình huống đặc biệt". |