- 24 con dê, 1.250 con gà, số tiền hỗ trợ người dân mua bò, lợn...đã không đến tay người dân mà lần lượt theo nhau vào nhà cán bộ hoặc anh em, họ hàng của các cán bộ. Những câu chuyện thật như bịa này đã khiến không ít người dân bức xúc, bất bình.

Đàn dê "đi nhầm địa chỉ"

Chỉ một nửa trong số 24 con dê của TX Bỉm Sơn (Thanh Hóa) dành hỗ trợ các hộ nghèo xã Thành Yên (huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) đến tay đúng đối tượng. 12 con còn lại được đưa thẳng vào trang trại của... Bí thư Huyện uỷ huyện Thạch Thành.

Theo chương trình kết nghĩa, vào tháng 3/2014, TX Bỉm Sơn đã hỗ trợ các hộ nghèo của huyện Thạch Thành 24 con dê để phát triển chăn nuôi. Xã Thành Yên là xã được chọn làm nơi cấp phát dê đợt 1 và các đối tượng được thụ hưởng là hộ nghèo.

{keywords}
Dê hộ nghèo "đi lạc" vào nhà Bí thư huyện (Ảnh: Dân trí)

Có 6 hộ ở xã Thành Yên được nhận dê. Tuy nhiên, chỉ có 3 hộ là đúng đối tượng được trao còn 3 hộ còn lại không phải là hộ nghèo trong xã nhưng vẫn được ký nhận số dê.

Thực chất 3 hộ trên cũng chỉ ký nhận bởi 12 con dê còn lại đã được đưa vào trang trại của ông Đỗ Minh Quý, Bí thư Huyện ủy Thạch Thành ở xã Thành Yên.

Sau khi sự việc được phanh phui, ông Quý đã “khắc phục” bằng cách chỉ đạo lãnh đạo xã Thành Yên bắt dê trong trang trại của mình trao lại cho 3 hộ nghèo khác.

Gà cấp cho người nghèo “chạy” vào nhà Bí thư, Chủ tịch xã

1.250 con gà đáng lẽ cấp cho người nghèo trong chương trình hỗ trợ "Nông thôn mới” nhưng từ Bí thư đến Chủ tịch cùng cán cán bộ xã đã nhận số gà này về nuôi.

Cụ thể, theo phản ánh của người dân xã Quế An (huyện Quế Sơn, Quảng Nam), tháng 11/2014, huyện Quế Sơn phê duyệt kinh phí mua 1.250 con gà hỗ trợ cho người dân nghèo trong xã.

{keywords}

Chủ tịch xã Quế An – ông Hoàng Kim Minh (ảnh trái) trao đổi với PV (Ảnh: Dân trí)

Tuy nhiên, số gà này đã "chạy" vào nhà các cán bộ. Trong số đó, Chủ tịch xã Quế An– ông Hoàng Kim Minh - được nhận nhiều nhất là 200 con, ông Trần Văn Quyên – Bí thư xã và Chủ tịch Hội nông dân xã và ông Trần Ngọc cùng 17 cán bộ khác của xã mỗi người được nhận 50 con gà về nuôi.

Với hành vi trên, ông Hoàng Kim Minh đã thừa nhận sai và khẳng định sẽ trả lại cho dân đồng thời họp rút kinh nghiệm, sửa đổi.

Cán bộ "ăn" ớt

Để hợp thức hóa việc "ăn tiền" của người dân, các cán bộ dưới đây lại khéo léo lập danh sách khống cùng nhiều chữ ký giả.

Theo đó, để thực hiện mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” vụ Đông năm 2013, UBND TP. Hải Phòng  đã có kế hoạch hỗ trợ người dân. Với 1 sào trồng ớt, tính ra bằng tiền người dân được hưởng 500.000 đồng tiền con giống và 214.000 đồng tiền phân, lân, đạm, kali.

Tuy nhiên, khi trồng gần 439 sào ớt trên địa bàn 6 thôn (5, 6, 7, 8, 9, 10)  người dân xã Việt Tiến, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải phòng hầu như không hay biết về kế hoạch này.

Chỉ riêng thôn 7, xã Việt Tiến đã có trên 30 hộ không trồng ớt, nhưng lại có tên trong danh sách nhận hỗ trợ trồng ớt. Nhiều hộ còn bị khai khống tăng thêm diện tích. Điều đáng nói là trong bản danh sách toàn bộ chữ ký người nhận hỗ trợ đều là giả mạo, nhưng lại có xác nhận của lãnh đạo xã, thôn.

Bằng sự chỉ đạo khai khống số hộ, số phân bón, cây giống tại nhiều thôn trong xã, thì các quan xã ở đây đã thu về bất chính hàng trăm triệu đồng. Thế nhưng, những người này vẫn không quên xin Nhà nước 15 triệu đồng cho... công chỉ đạo.

"Ăn chặn" bò của dân

{keywords}
Người dân thôn Xóm Mới (xã Ninh Tây, huyện Ninh Hòa) bức xúc về chuyện quan xã chia nhau “ăn” bò NTM (Ảnh: Dân Việt)

Tương tự, đầu năm nay (2015), hàng chục hộ dân tại xã Ninh Tây (TX Ninh Hòa, Khánh Hòa) rất bức xúc trước việc họ được Nhà nước hỗ trợ 70% giá giống cây trồng, vật nuôi trong quá trình xây dựng Nông thôn mới tuy nhiên, tại một số nơi số kinh phí hỗ trợ này lại đến với gia đình các cán bộ thôn, xã thay vì đến với các hộ dân.

Thôn Xóm Mới (xã miền núi Ninh Tây, TX Ninh Hòa)  có gần 500 hộ dân, được Ngân sách hỗ trợ kinh phí để mua 10 con bò. Mỗi con bò trị giá 15 triệu đồng, Nhà nước hỗ trợ 10 triệu, dân đối ứng 5 triệu đồng/con.

Theo quy định, trước khi đưa bò về cho các hộ gia đình, trưởng thôn tổ chức họp dân để lựa chọn các hộ được nhận hỗ trợ. Tuy nhiên, Trưởng thôn đã không tổ chức họp nhân dân mà tự ý, âm thầm lên danh sách. Đặc biệt, danh sách này... toàn là người nhà của cán bộ xã, thôn.

Theo tìm hiểu, trong số 10 con bò được cấp phát thì có đến 7 con được cấp cho gia đình là cán bộ thôn hoặc người nhà của những vị này.

Lợn nái thành ...lợn con

Cùng ở tỉnh Khánh Hòa, việc cán bộ xã “ăn bớt” vật nuôi của người dân còn diễn ra tại ba xã Khánh Trung, Cầu Bà và Giang Ly (huyện Khánh Vĩnh). 

3 xã trên được đầu tư nguồn vốn ngân sách nhà nước cho chương trình hỗ trợ giống, vật nuôi tuy nhiên, khi số vật nuôi này đến tay người dân thì bò trưởng thành biến thành bò con, lợn nái thành lợn con.

Theo đó, UBND huyện Khánh Vĩnh đã phê duyệt phương án thực hiện chương trình hỗ trợ 70% chi phí giống sản xuất cấp kinh phí mua 35 con bò giống (tỷ lệ lai 50%), 6 con lợn nái giống Yorkshire (48kg/con) hỗ trợ cho các hộ dân tại 3 xã.

Sau khi làm việc với HTX Nông nghiệp Suối Tiên, quyền Chủ tịch UBND xã Giang Ly đã giới thiệu cho vợ tới “môi giới” ký kết hợp đồng với HTX này để mua lợn, bò “thấp bé nhẹ cân” cung cấp cho cả 3 xã này để hưởng chênh lệch.

Kiểm tra danh sách nhận bò, Thanh tra huyện Khánh Vĩnh phát hiện, nhiều hộ dân có tên trong danh sách thậm chí không hề biết gì về chương trình này. 

Tại xã Giang Ly, số bò này được nâng khống thêm 4 con bằng cách cấp “bò ảo” cho các hộ có tên mà chẳng có bò, tiền chênh lệch một số cán bộ xã chủ chốt chia nhau. Các cán bộ xã khác thì thuê, nhờ người đứng tên ký, nhận bò giúp để che giấu việc đưa bò về chuồng nhà mình.

Còn ở 2 xã Khánh Trung và Cầu Bà thì hợp đồng ghi cấp lợn nái giống Yorkshire (48kg/con) nhưng thực tế dân chỉ được nhận lợn con...

L.Lam (tổng hợp)