- “Chúng tôi coi bệnh nhân là ân nhân, bởi ít bệnh nhân đồng nghĩa bác sĩ không có lương…”, Bác sĩ Phạm Bảo Lâm, Giám đốc Bệnh viện Quận Bình Thạnh chia sẻ.

Lượng thẻ BHYT tương đương bệnh viện tỉnh

Sáng 13/3, phái đoàn Bộ Y tế do Bộ Trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì đi kiểm tra, ghi nhận về bảo hiểm y tế (BHYT) và quá tải tại Bệnh viện Quận Bình Thạnh TP.HCM. Đây là bệnh viện quận nhưng hoạt động theo mô hình thí điểm không sử dụng ngân sách mà tự chủ thu chi.

Sau khi tận mắt chứng kiến quy trình từ nhận đến khám bệnh, phái đoàn Bộ Y tế rất bất ngờ về những sáng kiến, thành công mà Bệnh viện Quận Bình Thạnh đạt được.

Theo bác sĩ Phạm Bảo Lâm, Giám đốc Bệnh viện Quận Bình Thạnh, là bệnh viện hạng 2, chỉ với quy mô hơn 100 giường nhưng số bệnh nhân khám BHYT ngoại trú tại bệnh viện lại rất đông. Trong năm 2014, bệnh viện khám cho 729.625 lượt, BHYT là 662.948 lượt, chiếm tới 91%. Quý 4/2014, số thẻ BHYT đăng ký tại bệnh viện là 272.084 chiếc.

Trước đây tất cả các khu vực lân cận bệnh viện cũng có thể đến đăng ký BHYT nhưng nay vì quá tải nên bị liệt vào dạng trái tuyến, phải xuống xã, phường đăng ký.

{keywords}
Bộ trưởng Y tế khảo sát độ hài lòng của bệnh nhân sử dụng thẻ BHYT. Ảnh: Thanh Huyền.

Đây chính là khó khăn bệnh viện đang gặp phải. Những bệnh nhân đang khám BHYT ngoại trú ở đây đã quen thầy quen thuốc, không chịu đi nơi khác, lại quay về.

Bộ Trưởng Kim Tiến nhận định: “Là bệnh viện hạng 2, quy mô chỉ hơn 100 giường nhưng số thẻ BHYT lại bằng với bệnh viện quy mô 1000 giường. Rất nhiều bệnh nhân đến khám BHYT tại bệnh viện, khi chuyển bớt đi nơi khác họ vẫn muốn quay về, điều đó chứng tỏ chất lượng, dịch vụ tại bệnh viện tốt. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, vẫn phải chuyển bớt bệnh nhân sang các cơ sở y tế lân cận khác.”

Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê – Cục Trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh nói thêm: “Dù đăng ký BHYT ở phường/xã nhưng quyết toán qua bệnh viện quận thì vẫn là bệnh viện quận quản lý. Những ca nặng khám ở bệnh viện quận, ổn rồi thì chuyển về tuyến dưới đo huyết áp, lấy thuốc. Nếu cứ dồn hết vào một chỗ, bệnh viện không thể xử lý nổi.”

Khám tại nhà rất hay nhưng phải thận trọng

Bên cạnh đó, để việc khám chữa BHYT gần gũi, thiết thực hơn cho người dân, bác sĩ Phạm Bảo Lâm đề nghị: “Có một số bệnh nhân nặng, người già đi lại rất khó khăn. Bộ Y tế cho phép bệnh viện đưa bác sĩ đến khám tại nhà, mà bệnh nhân vẫn được thanh toán BHYT. Bệnh viện đảm bảo hồ sơ, thời gian tái khám 3 – 6 tháng/lần. Nếu được như vậy đây sẽ là sự cứu cánh cho nhiều bệnh nhân…”

{keywords}
BV Quận Bình Thạnh có dịch vụ tốt như bệnh viện tư. Ảnh: Thanh Huyền.

Riêng mô hình khám chữa bệnh tại nhà vẫn được thanh toán BHYT, Bộ Trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng đó là đề xuất hay, nhiều nước tiên tiến đã làm, nhưng cần hết sức thận trọng và xây dựng kỹ về giá.

Khám tại nhà chỉ dành cho những trường hợp bệnh mãn tính, phục hồi chức năng, còn bệnh nặng phải đến bệnh viện nếu không sẽ rất nguy hiểm.

Theo Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Bộ Y tế đã quy định bao nhiêu quy trình từ những kỹ thuật cao như nội soi tới đơn giản nhất là thay băng, cắt chỉ. Sai quy trình dẫn tới tai biến, hậu quả khôn lường.

“Cho toa thuốc tại nhà không phải chuyện đùa, một viên B1 uống vào cũng có thể gây dị ứng, lúc đó làm sao xử lý kịp…”, Tiến sĩ Khuê nhấn mạnh.

Mô hình thí điểm tự chủ không sử dụng ngân sách của Bệnh viện Quận Bình Thạnh cho thấy nhiều hứa hẹn.

Vì tự chủ nên tất cả nhân viên trong bệnh viện đều hết lòng phục vụ, coi bệnh nhân như ân nhân, bởi bệnh nhân quyết định thu nhập của y, bác sĩ. Một bác sĩ giỏi, được nhiều bệnh nhân tin tưởng lựa chọn thì thu nhập cũng sẽ cao hơn, đúng theo quy luật thị trường.

Ngoài phục vụ bệnh nhân BHYT, Bệnh viện Quận Bình Thạnh sắp khánh thành khu dịch vụ tiện nghi như khách sạn với hơn 20 giường bệnh.

Bác sĩ Phạm Bảo Lâm cho biết thu nhập trung bình một bác sĩ tại bệnh viện mình hiện tại từ 20 triệu – 30 triệu đồng, Tết mỗi nhân viên được thưởng 2 – 3 tháng lương.

Thanh Huyền