- Chuyển về sống tại khu tái định cư (TĐC) xã Kỳ Thượng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) được gần 1 năm nay nhưng hàng chục hộ dân xóm 10, thôn Phúc Lập khốn đốn vì tiếng bom, mìn nổ khi thi công dự án hồ chứa nước Rào Trổ khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn.
Để phục vụ dự án xây dựng hồ chứa nước Rào Trổ (hạng mục quan trọng trong DA cấp nước KKT Vũng Áng gần 4.500 tỷ đồng do Tập đoàn Hoành Sơn quản lý, thi công), có tất cả 90 hộ dân xóm 10, thôn Phúc Lập, xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh phải di dời.
Trong số này có 49 hộ về khu TĐC xã Kỳ Thượng (rộng 11 ha, có vốn đầu tư hạ tầng khoảng 24 tỷ đồng).
Thiếu nước sạch, mìn nổ nứt nhà
Dẫn PV đi ra phía sau nhà, chỉ tay lên vết nứt trên tường, anh Hoàng Văn Hảo (SN 1984, xóm 10, thôn Phúc Lập) cho biết, nhà anh vừa xây được ít tháng (tháng 2/2014) thì đã xuất hiện vết nứt.
Ban đầu vết nứt còn nhỏ rồi từ từ lớn hơn và còn xuất hiện nhiều nơi.
Các hộ dân xóm 10, thôn Phúc Lập, xã Kỳ Thượng trình bày những bức xúc với PV. |
Theo anh Hảo, nguyên nhân dẫn tới hiện trượng nứt nhà là do chấn động của tiếng bom, mìn nổ khi thi công dự án hồ chứa nước Rào Trổ (chỉ cách khu TĐC chừng 300 mét).
Mìn thường nổ vào buổi trưa hoặc buổi chiều, cứ khoảng 7-8 ngày lại nổ một lần.
"Những lúc đang ăn cơm mà đúng lúc mìn nổ, không chỉ chén bát mà cả căn nhà rung chuyển. Đứa con trai 2 tuổi hoảng sợ lại khóc thét lên, tôi phải ôm cháu chạy ra khỏi nhà, khi nào hết tiếng mìn mới dám vào lại", anh Hảo nói.
Còn bà Phan Thị Chiền, dù đã 70 tuổi nhưng ngày nào cũng phải mang can sang nhà hàng xóm xin nước về dùng.
"Mảnh đất mà gia đình tôi đang ở toàn đá, dù đã khoan giếng 5 lần nhưng đều không được. Nước ăn uống thì cả năm nay, tôi phải đi xin hàng xóm. Còn muốn tắm giặt phải ra sông suối chứ không dám xin nhiều bởi nước sạch ở đây cũng hiếm lắm", bà Chiền ngậm ngùi.
Công trình hồ chức nước Rào Trổ chỉ cách căn nhà của anh Hoàng Văn Hảo khoảng 300 mét. Không chỉ làm nứt tường nhà, tiếng bom, mìn nổ khi thi công khiến cuộc sống gia đình vợ chồng anh Hảo đảo lộn. |
Ông Phạm Bá Đắc (SN 1943, ngụ cùng thôn) phản ánh, họ bảo cứ làm nhà đi rồi sẽ có tiền hỗ trợ làm giếng (7 triệu đồng/giếng), 5 tháng tiền điện thắp sáng (1 triệu đồng), thưởng tiến độ (5 triệu đồng) nhưng chờ mãi cũng không thấy đâu.
Không chỉ vậy, theo đơn gửi báo VietNamNet, các hộ dân còn phản ánh việc khu TĐC hiện giờ đang sống không đúng như "thỏa thuận" ban đầu, ít nhất phải cách đó 500 mét, khi ấy sẽ không bị ảnh hưởng của việc thi công dự án mà dân không được bàn bạc.
Nếu nguy hiểm phải di dời tiếp
PV VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Trung Tiến, Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng và ông Lê Văn Trọng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Kỳ Anh về những vấn đề nêu trên.
Ông Vũ Trung Tiến, Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng trao đổi với PV |
Về việc thay đổi khu TĐC, ông Tiến cho biết, đầu tiên chính quyền khảo sát, lập dự toán ở khu vực cách khu TĐC hiện giờ chừng 500 mét, nhưng sau đó khu vực không nằm trong quy hoạch 193 về di dời dân của chính phủ.
"Chúng tôi đã nhiều lần họp xóm, họp dân và phía huyện (chủ đầu tư) cũng đã lên giải thích phải dời điểm TĐC. Đa số các hộ dân đã đồng ý về nơi mới", ông Tiến nói.
Dù vậy, xã Kỳ Thượng không đưa ra được văn bản họp dân cho báo chí với lý do "xóm giữ, xã không giữ". Còn Phòng Nông nghiệp huyện Kỳ Anh lại đang giao các giấy tờ liên quan tới khu TĐC cho một công ty kiểm toán độc lập kiểm tra.
Theo ông Tiến, sau khi thu hồi đất sản xuất của người dân ở khu vực nằm trong dự án, tỉnh cũng đồng ý cắt 60 ha đất phòng hộ để những hộ nào có nhu cầu thì đăng ký sẽ có đất.
Tuy nhiên, không có hộ nào làm thủ tục đăng ký. Còn việc người dân mua đất thì do họ tự thỏa thuận với nhau, xã không nắm được.
Về số tiền hỗ trợ làm giếng, tiền điện thắp sáng, cả ông Tiến và ông Trọng cho hay, đã được tỉnh đồng ý. Nhưng số tiền này tỉnh chưa "rót" về.
"Việc nổ mìn ảnh hưởng tới nhà các hộ dân là có, như hộ ông Nguyễn Văn Tiếp đã được "đền" 70 triệu. Khi xã làm việc thì đơn vị thi công cũng đã khắc phục", ông Vũ Trung Tiến cho biết.
Chính quyền cũng đồng ý với những lo lắng của người dân khi sống quá gần chân hồ chứa nước Rào Trổ (cách chừng 300 mét), nhất là khi công trình này đưa vào sử dụng (có dung tích 162,4 triệu m3 nước).
"Khi đập đắp rồi thì phải đề nghị phải xem các nhà khoa học nghiên cứu đập có ảnh hưởng tới khu TĐC hay không? Nếu cần thiết thì phải di dời tiếp", ông Trọng nhận định.
Đã khoan giếng tới 5 lần nhưng không thành công, hàng ngày bà Chiền phải qua nhà hàng xóm xin nước |
Về số tiền "thưởng tiến độ" 5 triệu đồng, anh Nguyễn Tiến Dũng, cán bộ phụ trách GPMB (UBND huyện Kỳ Anh) thông tin, đơn vị sẽ phối hợp với xã kiểm tra lại rồi sẽ có trả lời cụ thể cho người dân.
"Nếu có phản ánh thì các hộ dân xóm 10, thôn Phúc Lập phải làm việc với xã để lập ra danh sách cụ thể. Huyện sẽ cùng với xã rà soát lại hồ sơ xem thời điểm họ nhận tiền bồi thường và thời điểm bàn giao mặt bằng. Nếu đúng thì để có thưởng tiến độ còn hiện tại không có hồ sơ nào", anh Dũng nói.
Ông Trần Lộc, Chỉ huy công trường Cty CP đầu tư và xây dựng 24 - đơn vị thi công dự án hồ chứa nước Rào Trổ cho biết, về quy định thì khoảng cách từ chân công trình tới khu TĐC xã Kỳ Thượng là đảm bảo tiêu chuẩn (khoảng 200 mét đối với cơ sở hạ tầng và 500 mét với người dân). Tuy nhiên, ông Lộc cũng thừa nhận việc nổ mìn có ảnh hưởng tới đời sống, nhà cửa của những hộ dân sống trong khu TĐC. "Thỉnh thoảng việc nổ mìn làm đá bay bất thường hay việc tiếng động từ nổ bom mìn chắc chắn có những cái ảnh hưởng. Đơn vị cũng cố gắng khắc phục việc này", ông Lộc nói. |
Văn Đức - Duy Quang