Nếu thực hiện đúng theo quyết định xử phạt của UBND Q.Liên Chiểu thì toàn bộ biệt thự, biệt phủ xây dựng không phép trên núi Hải Vân phải bị tháo dỡ. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chỉ biệt thự 3 tầng của ông Phan Như Thạch - nguyên Giám đốc CA tỉnh Quảng Nam - bị tháo dỡ, còn biệt phủ nguy nga của ông Ngô Văn Quang vẫn còn đó.
Biệt phủ nguy nga của ông Ngô Văn Quang tại đồi Chim Chim, núi Hải Vân. Ảnh: nhiệt băng |
Tuy nhiên, biệt phủ này vẫn cứ… lừng lững “mọc” lên. Nếu báo chí không vào cuộc, phát hiện thì sự việc xây dựng không phép của hai trường hợp nói trên, đến nay vẫn còn “nằm nguyên trong ngăn kéo”.
Sau ngày ra quyết định xử lý, UBND quận Liên Chiểu cho biết, vẫn thường xuyên giám sát việc thực hiện tháo dỡ. “Nhìn chung hai ông chấp hành tốt” - ông Ông Văn Dũng - Chánh Văn phòng UBND quận Liên Chiểu - khẳng định.
Trong thực tế, dù
đã hết hạn theo quyết định, biệt thự ông Thạch chưa tháo dỡ xong, biệt phủ nguy
nga của ông Quang chỉ tháo dỡ một ngôi nhà đúc nho nhỏ.
Bối rối xác định loại đất
Khi ra quyết định xử phạt, UBND quận Liên Chiểu cũng bối rối, không xác định
đúng loại đất tại khu vực đồi Chim Chim (núi Hải Vân).
Theo Quyết định số 5924/QĐ-UBND ngày 27.8.2013 của UBND TP.Đà Nẵng về việc phê duyệt quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011-2020 thì khu biệt phủ của ông Quang xây không phép tại đồi Chim Chim thuộc đất khác.
Biệt thự của ông Thạch đã được tháo dỡ gần như toàn bộ. Ảnh: N.B |
Tuy nhiên, quyết định xử phạt ông Quang ngày 4.2 của UBND quận Liên Chiểu lại ghi là đất rừng đặc dụng. Hạt kiểm lâm Liên Chiểu cũng đã xác nhận khu vực này thuộc đất khác.
"Đất khác hiển nhiên do UBND P.Hòa Hiệp Bắc quản lý" - ông
Trương Việt - Chủ tịch UBND P.Hòa Hiệp Bắc - nói. Ông Việt cho biết: “Họp hành
kiến nghị, thậm chí có cả văn bản đề nghị nhưng đến nay Chi cục Kiểm lâm vẫn
chưa bàn giao hồ sơ đất thực tế cho địa phương. Việc này thực sự gây khó khăn
cho chúng tôi trong công tác quản lý”.
Trong khi chờ ý kiến của UBND TP.Đà Nẵng về đề xuất “xin” giữ lại khu biệt phủ
của ông Quang thì UBND quận Liên Chiểu đưa ra quan điểm: “Quận xét thấy đề xuất
của ông Quang là hợp lý!”.
Dù xác định "trật trìa" loại đất nhưng ông Văn Dũng
đã phát ngôn: “Nguyên tắc rừng đặc dụng là khi giao khoán cho người dân rồi thì
chỉ được xây nhà tạm, nhà cấp 4 nhỏ, chứa vật dụng công cụ sản xuất. Tuy nhiên,
hiện nay Chính phủ vẫn cho phép được ký kết hợp đồng giao khoán về mặt kinh tế,
vì khu đất này không nằm trong dự án nào cả”.
Ông Trương Việt - Chủ tịch UBND P.Hòa Hiệp Bắc - cũng xuôi theo: “Việc ông Quang
xin giữ lại biệt phủ làm du lịch là… quá hợp lý, vừa tạo cảnh quan môi trường
đẹp, vừa tạo thu nhập cho địa phương. Ông làm du lịch thôi chứ đâu có ở, đất
khác sản xuất cũng được, làm du lịch cũng được, đất không cấn dự án, miễn sao
phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền là được”.
PV đặt câu hỏi, đã hết hạn nhưng ông Quang vẫn chưa tháo dỡ thì xử lý ra sao?
Ông Dũng không trả lời trực tiếp: "Theo luật thì quyết định xử lý hành chính là
có hiệu lực 12 tháng, ông Quang còn thời hạn đến 9 tháng nữa! 35 ngày là chính
quyền ra giới hạn áp dụng với ông Quang để ông có tính tự giác thực hiện trước”.
Từ cung cách quản lý, giám sát lỏng lẻo, đến thái độ xử lý vụ xây biệt thự khá
bất nhất của UBND quận Liên Chiểu, xem chừng việc xử lý các biệt thự, biệt phủ
trên núi Hải Vân e đang có khuynh hướng rẽ sang hướng khác.
Nếu chấp thuận cho "biệt phủ" của ông Quang tồn tại, chuyển sang kinh doanh du lịch thì quả là tính nghiêm minh của pháp luật đang bị thách thức ở Đà Nẵng.
(Theo Lao động)