- Như mạch ngầm thiêng liêng nối đất liền với Trường Sa, nối thế hệ trẻ tiếp bước những người đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước, tình yêu biển đảo lại thôi thúc những người con của những liệt sỹ Trường Sa đưa họ tiếp bước dấu ra với biển đảo.

Lá đơn tình nguyện

Chiều muộn, con đường dẫn về xã Duy Ninh vương đầy khói lam chiều khi những căn bếp đã đỏ lửa chuẩn bị cho bữa cơm tối. Chúng tôi rẽ vào ngõ nhà chị Trần Thị Liễu (thôn Hiển Lộc - xã Duy Ninh - Quảng Ninh - Quảng Bình), vợ liệt sỹ Trường Sa Nguyễn Mậu Phong.

Chị Liễu khoe rằng, con chị là Nguyễn Tiến Xuân sắp được ra đảo Trường Sa để thực tập. Đối với chị, đó là niềm vui lớn, lớn như cái ngày cách đây 3 năm trước (tháng 1/2008), Nguyễn Mậu Trường - anh trai của Xuân viết thư kể lại là đã ra đến vùng biển đảo Gạc-ma, Collin, được nói với cha rằng "mẹ và chúng con nhớ cha lắm".




HTML clipboard Chị Liễu, vợ liệt sỹ Nguyễn Mậu Phong luôn tự hào về sự hy sinh của chồng mình đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Nay những người con của chị và liệt sỹ Phong lại tiếp bước người cha, ra với Trường Sa để tiếp tục được cống hiến.
Trong câu chuyện kể, không ít lần chị nhắc tới hai anh em Trường và Xuân những ngày còn thơ bé. Ấy là lúc hai anh em chỉ cách nhau hơn 2 tuổi đều giành nhau lớn lên sẽ làm lính hải quân để ra Trường Sa với cha, để thay cha cầm súng bảo vệ biển đảo của Tổ quốc.

Niềm ước ao ấy lớn đến nỗi, cứ mỗi ngày cuối tuần, cậu bé Xuân lại mặc bộ đồ lính thuỷ, đeo chiếc ba lô kỷ vật của cha để lại và ôm khẩu súng của ông nội đòi được đi Trường Sa...

Tháng 1/2007, cả Trường và Xuân đều tình nguyện viết đơn gửi cho đơn vị của bố để xin nhập ngũ, xin được trở thành người lính hải quân. Trong đơn, Trường và Xuân đã viết: "Chúng cháu muốn được trở thành người lính như ba cháu, được xung phong nơi đầu sóng ngọn gió để bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc...".

Niềm ước ao thành sự thực khi cuối năm 2007, Nguyễn Mậu Trường đã trở thành người lính hải quân Việt Nam và tháng 1/2008 có mặt tại đảo Nam Yết để nhận nhiệm vụ.


HTML clipboard Liệt sỹ Nguyễn Mậu Phong

HTML clipboard Nguyễn Tiến Xuân, con trai liệt sỹ Nguyễn Mậu Phong trong những ngày còn học ở Học viện Hải quân.
Còn Nguyễn Tiến Xuân tháng 9/2007 đã trở thành sinh viên năm thứ nhất của Học viện Hải quân. Hành trang ngày ra đi, ngoài những lời dặn dò của mẹ, Trường và Xuân đều mang theo những bức ảnh ố vàng, những lá thư của bố với niềm tin vững vàng tiếp bước người cha anh hùng.

Sau gần 4 năm học tập, cuối tháng 4/2011, Nguyễn Tiến Xuân lên đường ra đảo Trường Sa thực tập. Chuyến đi đầu tiên này Xuân chờ đợi đã lâu lắm rồi. Khi nghe con trai báo tin, chị Liễu nôn nao như chính mình cũng sẽ được đi Trường Sa, được tận mắt nhìn thấy biển đảo nơi người chồng thân yêu đã nằm lại.

Chị đã dặn Xuân những việc cần phải làm, những lời phải nói với cha. Nhưng chị biết, sẽ không có lời nói nào kể hết được niềm vui "đoàn tụ" của gia đình...

Còn Xuân thì hồ hởi nói: Em chờ đợi chuyến đi này đã lâu lắm, từ những ngày còn thơ bé, khi biết Trường Sa là nơi cha và những đồng đội của cha đã không tiếc tính mạng để bảo vệ chủ quyền. Ra đảo, em sẽ mang theo một bó huệ trắng cho cha và đồng đội của cha. Em sẽ nói với cha rằng: "Con là Nguyễn Tiến Xuân, con đã ra với cha rồi. Con đã trở thành người lính hải quân và sẽ tiếp nối ước nguyện của cha".

Lúc đó chắc em sẽ khóc, khóc vì niềm vui được nhìn thấy nơi cha đã chiến đấu và hi sinh anh dũng. Đối với em, được ra Trường Sa là mơ ước lớn, cũng giống như các bạn em đều mong sớm được ra trường để cùng nhau bảo vệ mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc”.

Tiếp bước dấu chân người cha anh hùng

Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam ghi lại sự hy sinh của liệt sỹ Trần Văn Phương: "Sáng ngày 14/3/1988, đồng chí Nguyễn Văn Lanh trong khi cùng đơn vị vận chuyển vật liệu từ tàu HQ604 lên đảo thì tàu địch đến bao vây, uy hiếp.

Tình thế rất căng thẳng. Khi địch đổ quân xuống đảo, ép bộ đội, giật cờ của ta hòng chiếm đảo, theo lệnh của đồng chí Trần Đức Thông, chỉ huy cụm đảo: "Đồng chí nào bơi ngay vào đảo hỗ trợ cho các đồng chí trên đảo bảo vệ cờ", Nguyễn Văn Lanh cùng 11 anh em khác nhảy ngay xuống biển và bơi vào đảo.

HTML clipboard Vợ và hai con gái của liệt sỹ Trần Văn Phương. Con gái đầu của liệt sỹ Phương, em Trần Thị Thủy (bìa phải) cũng đã tiếp bước người cha anh hùng, góp chút sức nhỏ bé với vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Khi đó trên đảo, địch đã nổ súng, đồng chí Trần Văn Phương, người giữ cờ đã hi sinh".

Sau hơn bốn năm “ở lại” với đồng đội ngoài đảo xa, tháng 5/1992, liệt sỹ Trần Văn Phương "trở về" quê nhà, mãi mãi yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ xã Quảng Phúc. Cách đấy không xa, ngôi nhà hạnh phúc của anh chị cùng với con gái Trần Thị Thuỷ đang mở rộng cửa đón ánh sáng...

Sinh ra không biết mặt cha, Trần Thị Thuỷ lớn lên trong tình yêu thương của mẹ - chị Mai Thị Hoa. Qua những câu chuyện kể của mẹ, Thuỷ chỉ có một niềm ước ao là được đến Trường Sa, được tiếp nối truyền thống anh hùng của cha.

Thế rồi, như một cơ duyên hiếm có, cách đây gần hai năm, em đã bày tỏ nguyện vọng và được nhận vào làm việc ở UBND huyện Trường Sa. Niềm vui như được nhân lên gấp bội vì Thủy được làm việc ở gần nơi ngày xưa cha em công tác.

Tháng 10/2009, Thủy đã được nhận vào làm việc tại UBND huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà.

Thuỷ xúc động kể: Được đặt chân lên hòn đảo thiêng liêng của Tổ quốc, em thấy mình như sống lại những ngày xưa hào hùng mà cha em đã sống. Trong chuyến hành trình ấy, lúc tàu đi qua đảo Gạc-ma, em bị say sóng li bì, nhưng khi các chú trong đoàn gọi em và chỉ tay ra phía một hòn đảo xa, bảo đấy là đảo Gạc-ma, em như hồi tỉnh. Đó là hòn đảo nơi mà cha em đã hi sinh để bảo vệ lá cờ tổ quốc, nơi cha em đã nằm lại với đồng đội...

Hành trình tiếp nối dấu chân người cha anh hùng của Trần Thị Thuỷ vẫn còn dài. Bây giờ Thuỷ đã có một gia đình nhỏ với một bé gái xinh xắn ở Trường Sa. Và tin rằng, Thuỷ sẽ tiếp tục truyền lại niềm tin của em cho con gái, để hai mươi năm sau, đất nước lại có thêm một tấm lòng ở đất liền hướng về biển đảo Trường Sa thân yêu.

Mối “duyên kỳ ngộ” của những người con của hai liệt sỹ đã làm nên tình bạn đẹp đẽ, tình đồng đội thắm thiết của thế hệ trẻ khi ra với Trường Sa. Trong câu chuyện kể của đôi bạn trẻ, bao giờ Nguyễn Tiến Xuân và Trần Thị Thuỷ cũng nhắc đến hai người cha anh hùng, nhắc đến biển đảo Trường Sa - là mạch ngầm thiêng liêng kết nối quá khứ và hiện tại, kết nối đất liền và Trường Sa, và kết nối hai thế hệ nhưng đều có chung một niềm tin khát khao cống hiến.

Ngọc Lan - Duy Tuấn