- Hàng cây xà cừ cổ thụ ở Hà Nội đang bị "xẻo thịt" một cách bất thường trên nhiều tuyến phố thủ đô. Dư luận râm ran về tin đồn kẻ xấu đã tận dụng vỏ cây cổ thụ này để làm thuốc chữa bệnh ngoài da tuy nhiên, nguyên chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam đã phủ nhận thông tin trên.
Hà Nội: Nhiều phố có hàng cổ thụ bị vết 'chém' lạ Sáng 16/4, Công ty Công viên Cây Xanh Hà Nội đã có báo cáo gửi UBND Thành phố và các ban ngành về việc hàng xà cừ cổ thụ bị đẽo vỏ, ứa nhựa. Hàng cổ thụ Thủ đô ứa nhựa sau những vết chém lạ Thời gian vừa qua, đường dây nóng của VietNamNet nhận được thông tin người dân cung cấp về hàng cây xà cừ ở Hà Nội bị những vết chém lạ, ứa nhựa. |
Cây xà cừ bị "xà xẻo" ở nhiều phố
Người dân Hà Nội đang lo ngại khi hàng cây xà cừ cổ thụ bỗng nhiên nham nhở, trầy xước với những vết chém mạnh tay. Về chuyện lạ này, một số độc giả VietNamNet cho rằng, có thể cây xà cừ đã bị đẽo vỏ nhằm phục vụ mục đích làm thuốc chữa bệnh ngoài da.
Theo đó, trong dân gian vẫn truyền nhau kinh nghiệm khi sắc vỏ cây, lá cây xà cừ với nước dùng tắm rửa sẽ trị được bệnh ghẻ do một loại ký sinh trùng gây ra.
Bệnh thường xuất hiện ở những vùng đông dân cư, nhà chật hẹp, thiếu vệ sinh, thiếu nước sinh hoạt. Đặc biệt, kinh nghiệm dân gian còn cho rằng, đối với xà cừ càng lâu năm thì chữa bệnh càng tốt.
Một trong những cây xà cừ bị xà xẻo (Ảnh: VietNamNet) |
Theo độc giả Dương Văn Hùng: "Bị hắc lào mà lấy vỏ xà cừ đun nước ngâm sẽ khỏi; bên cạnh đó, lấy thứ này nhuộm vó kéo cá cũng rất tốt".
Bạn Trang A Pao cũng nhấn mạnh: "Vỏ xà cừ sao lên, đun lấy nước hãm là một bài thuốc dân gian chữa bệnh ngứa rất hiệu nghiệm. Ở đâu cũng vậy, thân cây xà cừ thường bị đẽo lấy vỏ làm thuốc, cây rất to, chỉ đẽo một phần nhỏ, sau đó vỏ cây sẽ tự sùi lên tạo u bướu khá đẹp, sang năm lại đẽo tiếp vào chính nơi đó cũng được, giống như người ta cạo mủ cao su, không ảnh hưởng gì".
Ngoài ra, người đọc ở địa chỉ email Khiemsao...@gmail.com cũng cung cấp thêm thông tin: "Hàng xà cừ chỗ mình huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội cũng bị những vết chém như thế này chỉ mới khoảng tuần nay".
Đồng thời, một số độc giả khẳng định, ở tuyến phố Lê Duẩn, họ nhìn thấy một cặp nam nữ, đi xe máy và dùng dao lột vỏ cây rồi cho vào bao tải chở đi và không chỉ ở Lê Duẩn, các phố như Kim Mã, Phạm Văn Đồng...cũng có nhiều cây "bị thương".
Ngoài tác dụng trên, hành vi đục vỏ cây xà cừ cũng được nhiều độc giả cho rằng có kẻ xấu đang cố tình phá hoại hàng cây xanh thủ đô.
Độc giả Dũng Nhất phản hồi: "Không cần biết vỏ cây xà cừ tốt đến đâu nhưng hành động bất thường như này cũng phải xem xét? Lí do vì sao từ trước đến giờ không thấy mà thời gian gần đây lại xuất hiện việc đục vỏ cây. Cần điều tra và ngăn chăn ngay khi mọi việc chưa muộn".
Nhiều bạn đọc khác cũng lo ngại về sự an toàn cho các hàng cây, bạn đọc có email Minhduc...@yahoo.com: "Cây xà cừ nếu đẽo vỏ vào tận thân gỗ theo vòng tròn quanh cây theo kiểu cắt khoanh, thì cây sẽ không cung cấp được dưỡng chất lên phía trên và cây sẽ chết phần trên".
Một số chuyên gia thực vật cũng cho rằng sau khi bị lột vỏ, cây bị cắt đứt đường vận chuyển chất hữu cơ và nước nên dễ lâm vào trạng thái chết khô.
Không có tác dụng làm thuốc
Tuy nhiên, trao đổi cùng PV VietNamNet, ông Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam cho biết, từ trước tới nay chưa có sách hoặc tài liệu nghiên cứu nào khẳng định vỏ cây xà cừ dùng để chữa các bệnh ngoài da như ghẻ lở, hắc lào...
Ông khẳng định: "Vỏ xà cừ hoàn toàn không có tác dụng làm thuốc".
Đồng thời, nguyên Chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam cho rằng, thậm chí, trong thuốc nam chưa có bài thuốc nào sử dụng loại vỏ cây này.
Tương tự, bách khoa toàn thư mở Wikipedia khi viết về cây xà cừ cũng không dẫn tác dụng của vỏ cây này.
Cụ thể, theo bách khoa toàn thư mở: "Xà cừ là cây đại mộc có thể cao từ 35–40 m, đường kính cây có khi đạt đến 2m (ở Thảo cầm viên TP Hồ Chí Minh). Cây thường xanh, tán lá rậm, cành nhiều, cành non cong xuống.
Lá kép lông chim một lần chẵn, cụm hoa chùm tán, hoa nhỏ màu trắng có 4 cánh nhỏ màu trắng dính nhau, mùa hoa tháng 4-5.Quả nang nhỏ, chín tháng 10, khi chín bung thành 4 mảnh. Vỏ cây màu xám nâu, vỏ nứt đồng tiền khoanh tròn như cái sọ nên cây còn có tên là sọ khỉ.
Xà Cừ có thể được gây trồng rộng rãi để làm cây xanh đường phố, cảnh quan công viên. Trong tự nhiên, không gian phát triển bộ rễ của cây rất lớn đủ đáp ứng điều kiện bám giữ chống chịu gió bão, tuy nhiên trong phát triển cây xanh vỉa hè, cần giới hạn đường kính thân cây không vượt quá 400mm để tránh hiện tượng cây bị gãy đổ gây ách tắc giao thông và thiệt hại kinh tế".
Sáng 16/4, liên quan đến vụ việc, Công ty Công viên Cây Xanh Hà Nội đã có báo cáo gửi UBND Thành phố và các ban ngành.
Trong công văn, Công ty Công viên Cây xanh cũng đề nghị UBND Hà Nội, Công an Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, phát hiện người xâm hại cây xanh và xử lý theo quy định.
N.Trang - Lan Phương