Theo quy định của pháp luật, cơ quan công an lấy lời khai của cô gái sau đó xác minh sự việc và xử lý theo quy định.
Cô gái trẻ bị đám nam thanh niên quây lại trêu ghẹo, mặc cho cô đã van xin không ngớt lời . |
Sáng 19/4, công viên nước Hồ Tây (Hà Nội) mở cửa chào đón người dân Thủ đô vào vui chơi miễn phí. Chỉ sau hơn một giờ đồng hồ, địa điểm này biến thành một "chiến trường" hỗn loạn bởi lượng người đổ về đây quá đông. Bên trong công viên diễn ra cảnh người người xô đẩy, chen lấn nhau, rất nhiều cô gái trẻ đã trở thành nạn nhân bị sàm sỡ.
Nhiều người cho rằng, hành vi trên là "quấy rối tình dục" cần phải xử lý theo pháp luật. Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên có cuộc trao đổi với luật sư Triệu Trung Dũng – Trưởng văn phòng luật sư Triệu Dũng và cộng sự (Hà Nội) để làm rõ vấn đề này.
- Thưa ông, vừa qua dư luận quan tâm đến hình ảnh một số thiếu nữ mặc đồ tắm bị đám trai trẻ sàm sỡ tập thể. Vậy hành vi này có phạm luật không?
Hành vi thực hiện nơi công cộng bị coi là vi phạm pháp luật gồm những hành vi sau: “Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác”.
Qua hình ảnh một số thiếu nữ mặc đồ tắm bị đám trai trẻ sàm sỡ tập thể đăng trên 1 số báo, tôi thấy rằng hành vi này là đã vi phạm pháp luật. Cụ thể hành vi của các nam thanh niên này đã vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.
Điều gì xảy ra nếu một cô gái xinh đẹp đến đồn công an tố cáo bị một nhóm ở công viên nước quấy rối tình dục?
Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì cơ quan công an phải lấy lời khai của cô gái sau đó xác minh sự việc và xử lý theo quy định của pháp luật.
Luật sư Triệu Trung Dũng. |
Nhiều người cho rằng, hành vi trên là "quấy rối tình dục", ông nhận định thế nào? Pháp luật xử lý hành vi trên ra sao, thưa ông?
Thực tế ở nước ta chưa có định nghĩa cụ thể thế nào là hành vi "quấy rối tình dục" tại nơi làm việc, nơi công cộng. Thậm chí, tại một buổi tọa đàm về nạn quấy rối tình dục công sở do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức với hơn 100 đối tượng đại diện cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, người lao động và học sinh, sinh viên, hầu hết mọi người đều nhận thức rất mơ hồ về hành vi quấy rối tình dục.
Các đối tượng được hỏi còn cho rằng quấy rối tình dục là chỉ khi có xảy ra quan hệ tình dục, sờ soạng,… còn với những hành vi gọi điện, nhắn tin, gửi hình khiêu dâm lại chưa được coi là “quấy rối”.
Theo Giám đốc một tổ chức phi chính phủ của Thụy Điển tại Việt Nam - một người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giải quyết những vấn đề về bình đẳng giới cho rằng: “Quấy rối tình dục là một hình thức quấy nhiễu hướng về giới tính của người có liên can, thể hiện ở hình thức có từ ngữ, không từ ngữ hay bằng cơ thể có mục đích hay có tác động làm tổn thương đến phẩm giá của một người hay tạo nên một môi trường mang nhiều dọa dẫm, thù địch, hạ thấp, lăng nhục, xúc phạm hay bối rối... ”.
Hiệp định Loại trừ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ của Liên Hiệp Quốc (LHQ) định nghĩa quấy rối tình dục như sau: “có lời nói hay hành động khiêu dâm và thể hiện nhu cầu tình dục, đụng chạm thân thể, có bình luận mang màu sắc tình dục…”.
Tôi thấy rằng quan điểm của vị giám đốc này và Hiệp định Loại trừ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ của Liên Hiệp Quốc là rất chuẩn xác do vậy các hành vi của các nam thanh niên tại công viên nước hồ tây vừa qua là một dạng của hành vi quấy rối tình dục.
Những hành vi này sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại nghị định nêu trên với mức: “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng”.
Có khó để bắt giữ đối tượng quấy rối tình dục không, thưa ông?
Việc bắt giữ các đối tượng quấy rối tình dục thực sự là việc khó khăn nếu chỉ có người có hành vi quấy rối và đối tượng bị quấy rối nhưng nếu có đầy đủ nhân chứng hoặc các hình ảnh, băng ghi hình và các quy định pháp luật cụ thể thì vẫn có thể bắt giữ được.
Như vậy, cũng tránh việc tố cáo trái pháp luật khi mà họ có mâu thuẫn và sự việc xảy ra chỉ có hai người biết.
Ở các nước tiên tiến xử lý hành vi trên như thế nào?
Ở Mỹ, quấy rối tình dục được xem là một dạng của tội kỳ thị giới tính, khoản phạt thường rất cao, có thể lên đến vài trăm triệu USD cộng thêm mức tù giam từ vài tháng tới vài năm.
Tại Pháp, hình phạt dành cho tội quấy rối tình dục thông thường là một năm tù cộng với khoản phạt 15.000 euro (hơn 400 triệu đồng VN). Mức phạt tại Tây Ban Nha là từ ba tháng đến một năm tù giam.
Để ngăn chặn các hành vi tương tự, theo ông luật pháp nước ta có nên quy định rõ và xử lý hành vi "quấy rối tình dục" không?
Xử lý hành chính về hành vi quấy rối tình dục thì lại nhẹ. Tuy trong Bộ luật Hình sự của nước ta hiện có “Tội làm nhục người khác” được quy định tại điều 121. Những hành vi để cấu thành tội này là hành vi như: lăng mạ, chửi rủa thậm tệ, lột quần áo giữa đám đông người, thỏa mãn thú vui xác thịt… để làm nhục người khác.
Người phạm tội có thể có những hành vi vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực như bắt trói, tra khảo, vật lộn, đấm đá hoặc dùng phương tiện nguy hiểm khống chế, đe dọa buộc người bị hại phải làm theo ý muốn của mình nhưng tất cả các hành vi, thủ đoạn đó chỉ nhằm mục đích làm nhục chứ không nhằm mục đích khác.
Tuy nhiên, điều luật này chỉ quy định chung chung chứ không quy định rõ về những hành vi quấy rối tình dục. Như vậy, theo tôi nước ta cần quy định rõ những hành vi quấy rối tình dục là gì và có điều luật xử lý cụ thể.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
(Theo Dân Việt)