- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, cán bộ y tế cần chấm dứt ngay chữa bệnh kiểu ban ơn, phải lấy người bệnh làm trung tâm.

Ngày 22/4, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến về đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh với hơn 700 điểm cầu cả nước.

Chấm dứt chữa bệnh kiểu ban ơn

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, đến giai đoạn này mà vẫn không đổi mới thái độ phục vụ bệnh nhân thì không được. Cán bộ y tế cần chấm dứt ngay chữa bệnh kiểu ban ơn, phải lấy người bệnh làm trung tâm.

"Trong tương lai gần, giá dịch vụ sẽ dần tính đúng, tính đủ, nhà nước tiến tới không cung cấp ngân sách thường xuyên cho các bệnh viện, các bệnh viện phải tự chủ. Nếu làm không tốt, bảo hiểm không kí với mình, bệnh nhân dịch vụ không đến sẽ không có tiền. Hiện tại, một số bệnh viện không có nhiều số thẻ bảo hiểm y tế thì đã thấy thế nào rồi. Vậy tại sao giờ bệnh nhân đến với mình lại không tươi cười, niềm nở?", bà Tiến nói.

{keywords}
Các bệnh viện phải lấy sự hài lòng của người bệnh là số 1. Ảnh: T.Hạnh

Theo bà Tiến, ngành y tế đã đột phá về hạ tầng, tài chính, chuyên môn, chuyển giao công nghệ, giờ phải là thái độ phục vụ. Đây là nghề nhạy cảm, đụng chạm đến vốn quý con người. Nếu không đổi mới là chậm tiến, gây tác dụng ngược đến chính ngành y.

Bộ trưởng chỉ đạo, 100% các cơ sở khám chữa bệnh phải tập huấn về kỹ năng giao tiếp. Các bệnh viện phải ký cam kết, đây là nhiệm vụ chính trị, chuyên môn chứ không phải chỉ phát động phong trào.

Theo đó từng cán bộ y tế phải ký cam kết với trưởng khoa, với thủ trưởng đơn vị. Các bệnh viện phải kí cam kết với Sở Y tế, Bộ Y tế. Hệ thống thanh tra ngành y tế sẽ làm đầu mối chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát.

Bệnh viện phải có bộ phận chăm sóc khách hàng

Theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, khi kí cam kết, các bệnh viện sẽ phải lấy sự hài lòng của người bệnh là số 1, coi bệnh nhân là khách hàng.

Do đó, mỗi bệnh viện phải có đơn vị chăm sóc khách hàng, có vai trò đón tiếp, chỉ dẫn, cung cấp thông tin, hỗ trợ, tư vấn cho người bệnh và người nhà bệnh nhân về các quy định của bệnh viện, bảo hiểm...

Tương tự, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, chính sự thiếu hụt bộ phận chăm sóc khách hàng đã khiến nhiều vụ việc bị rắc rối kéo dài không đáng có.

"Nhiều tai biến y khoa không tránh khỏi, chúng ta không có bộ phận chăm sóc khách hàng, dẫn đến kiện cáo kéo dài, cả ban giám đốc phải vào cuộc, rất mất thời gian. Tôi chia sẻ với các đồng chí trong ngành nhưng nếu không giải thích từ đầu thì rất dễ khiến người nhà bức xúc", Bộ trưởng dẫn chứng.

Bà Tiến cũng yêu cầu mỗi bệnh viện phải có người phát ngôn, có bộ phận truyền thông.

Đồng tình với quan điểm của ngành y tế, TS Dương Đức Hùng, trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai nêu so sánh: "Tại sao các bệnh viện tư họ lại phục tốt thế, vì nếu không đúng họ sẵn sàng đuổi việc nhân viên. Họ đánh vào "bát cơm" của cán bộ nhân viên y tế, từ đó mới thay đổi được".

Ông Hùng cho rằng, lâu nay nhiều cán bộ y tế tại các bệnh viện công có tâm lý chỉ coi trọng, nhẹ nhàng với 'mấy ông đi ô tô đen'. Nhưng họ có chụp cái phim cũng chỉ thu được 10 ngàn đồng, nông dân chụp phim cũng chỉ 10 ngàn trong khi họ là số đông. Bệnh viện phải nhắm tới phục vụ số đông!.

"Chúng ta phải coi bệnh nhân là khách hàng, nhiều khách hàng thì mới có thu nhập được. Chỉ khi cán bộ y tế hiểu được việc nhẹ nhàng với bệnh nhân chính là mang lại thu nhập cho mình thì khi đó bộ mặt ngành y tế sẽ thay đổi", ông Hùng nêu quan điểm.

Thúy Hạnh