- Quá khứ của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước hào hùng đã lùi vào dĩ vãng. 40 năm qua, những người lính một thời của chiến trường Quảng Trị vẫn không thôi suy nghĩ về đồng đội, về chiến trường, về những người anh em đã nằm xuống, hóa thân vào đất mẹ…

Nghìn người viếng nghĩa trang Trường Sơn ngày thống nhất

Những ngày cuối tháng Tư, hàng ngàn người dân khắp mọi miền Tổ quốc đang tìm về với nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 (Quảng Trị) để dâng nén hương tri ân, tưởng niệm những anh hùng liệt sĩ.

“Dùng nước mắt để lau báng súng…”

Trong những ngày này, tại nghĩa trang liệt sỹ (NTLS) quốc gia Đường 9 và NTLS quốc gia Trường Sơn, chúng tôi có dịp chứng kiến hàng ngàn lượt người đến viếng mộ các liệt sỹ. Không ai bảo ai, tất cả đều nghiêng mình kính cẩn trước anh linh những chiến sĩ đã hòa trong lòng đất mẹ bởi sự hy sinh cao cả để bảo vệ Tổ quốc, thống nhất non sông.

{keywords}
Những cựu chiến binh lặng lẽ, xúc động khi nhìn vào những mộ phần của đồng đội. (Ảnh: Quang Thành)

Từng là chiến sĩ của đơn vị biệt động Quảng Hà (nay là thành đội Đông Hà), bác Đinh Văn Tòng (đến từ Hà Nội) bồi hồi nhớ lại: “Khi chúng tôi vác ba lô lên đường, vào chiến trường Quảng Trị đều là những thanh niên tuổi đời còn rất trẻ, có những anh em, đồng đội chỉ mới 18, đôi mươi.

Đầu năm 1972, khi chúng tôi vào đây, bom đạn giặc Mỹ đã tàn phá dường như cả tỉnh Quảng Trị. Tuổi trẻ và lòng quyết tâm là động lực để anh em chiến sĩ chiến đấu để bảo vệ từng mảnh đất của Tổ quốc”.

Cũng trong những dịp như thế này, chúng tôi bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ dân tộc thiểu số đến thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Những cựu chiến binh trong Binh đoàn 27 cho biết, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, họ cùng với buôn làng trở thành các “căn cứ địa” để nuôi nấng và che chở cho các đồng chí bộ đội. Thời bình, vẫn khăn cũ, váy liền, họ tìm về với nơi an nghỉ của những đồng đội xưa để thắp nén hương tri ân, tưởng nhớ.

{keywords}
Với những đứa trẻ mới lớn, chiến tranh và sự hi sinh của các chiến sĩ chỉ được tái hiện qua những lời kể của ông bà, cha mẹ. (Ảnh: Quang Thành)

Cùng chung tâm trạng như bao người cựu chiến binh khác, hai bác Nguyễn Anh Bơ và Nguyễn Huy Lam (cùng trú tại Hà Tĩnh) bùi ngùi kể lại: “Trong số 100 người lính của đại đội 1, tiểu đoàn 3, E 27 tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị những năm 1967 – 1973, hai bác là những người lính may mắn nhất còn sống sót”.

Cầm súng chiến đấu tại mảnh đất mà “mỗi tấc đất là một tấn bom đạn”, chưa bao giờ những người bạn, người đồng đội, đồng chí của chúng tôi xem nặng việc sống – chết. Đã có thời điểm, khi những đợt rải bom của máy bay Mỹ qua đi, tôi phải gượng dậy đi gom nhặt những mảnh thi thể của đồng đội.

Lúc ấy, nước mắt tôi cứ lăn dài từ khuôn mặt xuống báng súng. Nhưng với quyết tâm của những người lính, chúng tôi không cho phép mình yếu mềm mà luôn phải vững chắc tay súng, tạm quên đi nỗi đau mất mát để tiếp tục chiến đấu…” - nói xong, những cựu chiến binh này không kìm nổi sự xúc động, nước mắt chực tuôn trào.

Nghẹn ngào những cảm xúc khó tả

Cũng theo lời bác Đinh Văn Tòng, bác cảm thấy có lỗi xen lẫn sự ân hận khi năm nay, bác và một số cựu chiến binh mới chỉ đến “thăm” đồng đội cũ được một lần.

Tôi tìm về với những đồng đội đã nằm xuống, không phải vì kỉ niệm 40 năm ngày giải phóng, cũng không phải để có dịp hàn huyên với đồng đội xưa mà xuất phát từ cái tâm của một người lính. Tất cả anh em nằm xuống đều là đồng đội, đồng chí của chúng tôi” - bác Tòng tâm sự.

{keywords}
Pha ấm trà xanh thơm mát để dâng lên những người đã nằm xuống, trong lòng người cựu binh dồn nén nhiều cảm xúc khó tả. (Ảnh: Quang Thành)

Một số thân nhân liệt sĩ, các cựu chiến binh có mặt tại NTLS Đường 9 thổ lộ, họ cảm thấy may mắn và biết ơn những người đồng đội đã ngã xuống để bảo vệ nền độc lập của dân tộc. Trong số hàng triệu người lính anh dũng hy sinh, có những người tìm lại được hài cốt, có người không. Thời thế của cuộc chiến tranh khốc liệt những năm cuối cuộc chiến khiến cho những đồng đội phải “vơ” vội nắm đất để chôn cất người đồng chí. Khi hòa bình lặp lại, những nấm mộ của các anh theo đó cũng bị thời gian làm thất lạc, đổi thay.

Khi đứng trước những ngôi mộ liệt sĩ khuyết danh tại NTLS Đường 9, những người cựu binh cảm thấy nghẹn ngào. Hơn 7.000 liệt sĩ chưa xác định tên tuổi, địa chỉ. Có lẽ, khi họ cầm súng, chiến đấu và anh dũng hy sinh, họ không nghĩ nhiều hơn đến việc được ghi danh vào lịch sử dân tộc mà chỉ vì suy nghĩ, “khi nào còn giặc Mỹ xâm chiếm Tổ quốc thì các anh còn phải cầm súng chiến đấu…”.

Thật vậy, chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng, Quảng Trị cũng đang đổi thay từng ngày. Thế nhưng đâu đó trên dòng sông Thạch Hãn, trên các nghĩa trang liệt sĩ, thân nhân và các đồng đội xưa vẫn ngày đêm không nguôi thương nhớ, thổn thức về các Anh.

Quang Thành