Trao đổi vào chiều 1-5, trung tướng Võ Văn Tuấn - phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam - đã thông tin như trên sau 16 ngày tìm kiếm hai máy bay SU 22.

{keywords}
Người thân, đồng nghiệp viếng tang đại úy phi công Nguyễn Anh Tú tại tư gia chiều 1-5 - Ảnh: M.Trân

Trung tướng Võ Văn Tuấn nói: “Sẽ phải có thời gian để giải mã hộp đen, tuy nhiên đến thời điểm này cơ bản có thể khẳng định hai máy bay SU 22 rơi trên biển Phú Quý (Bình Thuận) không xuất phát từ nguyên nhân kỹ thuật mà thuộc vấn đề thao tác, dẫn đến va chạm nhau trên không”.

Theo trung tướng Võ Văn Tuấn, hai máy bay đã va chạm nhau ở độ cao vừa phải và đang trong quá trình bay lên.

Ông Tuấn cho rằng tai nạn trên không phải là hi hữu trong quá trình luyện tập, biểu diễn. Ở một số nước, thời gian gần đây cũng từng xảy ra tai nạn máy bay ở những tình huống tương tự khi các máy bay bay quá gần nhau.

Ví dụ cụ thể là tại Triển lãm hàng không và biển quốc tế Langkawi (LIMA) diễn ra ở Malaysia tháng 3-2015, hai chiếc máy bay thuộc đội máy bay nhào lộn Jupiter của Indonesia cũng bất ngờ va chạm khi đang luyện tập chuẩn bị trình diễn.

“Đây cũng giống như việc đi điều khiển xe cộ, thỉnh thoảng vẫn xảy ra va chạm do quá trình điều khiển thao tác” - trung tướng Võ Văn Tuấn nói.

Việc giải mã hộp đen trong thời gian tới, theo trung tướng Võ Văn Tuấn, sẽ giúp đưa hai máy bay về “tình trạng ban đầu”, có nghĩa là xác định rõ thời điểm hai máy bay va chạm, độ cao, vận tốc bay... để làm rõ hơn nguyên nhân tai nạn.

Do đã tìm được hai hộp đen và thi thể hai phi công nên quá trình tìm kiếm hai máy bay SU 22 của lực lượng tìm kiếm hỗn hợp sẽ kết thúc.

Trung tướng Võ Văn Tuấn cũng thông tin lễ truy điệu và lễ viếng hai phi công Lê Văn Nghĩa và Nguyễn Anh Tú sẽ diễn ra sáng 3-5 ở nhà tang lễ Bộ Quốc phòng tại TP.HCM.

Sau đó, thi thể các chiến sĩ hi sinh được đưa đi hỏa táng và theo nguyện vọng của gia đình, tro cốt các phi công được đưa về mai táng tại quê nhà.

Theo nguồn tin của PV, Bộ Quốc phòng sẽ nâng một bậc quân hàm trước thời hạn cho hai phi công trong vụ tai nạn máy bay SU 22 vì đã hi sinh trong tình huống thực hiện nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu.

Cụ thể, trung tá Lê Văn Nghĩa - trung đoàn phó trung đoàn không quân 937 - được nâng lên quân hàm thượng tá. Còn đại úy Nguyễn Anh Tú - phi đội phó phi đội 1 trung đoàn không quân 937 - được nâng lên quân hàm thiếu tá.

Nhiều người viếng đại úy Tú tại tư gia

Chiều 1-5, nghi thức viếng tang đại úy Nguyễn Anh Tú - phi công trung đoàn 937 sư đoàn 370 Quân chủng Phòng không - không quân, tử nạn trong sự cố hai máy bay SU 22 gặp nạn - được cử hành tại tư gia của anh ở tầng 4 chung cư C5, TP Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận).

Đông đảo người dân, người thân, đồng nghiệp, thân hữu đã đến viếng, chia buồn cùng gia đình anh.

Bàn hương vị được gia đình lập cho anh Tú vào trưa 1-5, khi trung đoàn không quân 937 đưa linh cữu anh từ đảo Phú Quý về sân bay Thành Sơn (Ninh Thuận) bằng máy bay trực thăng, sau khi thi thể anh được tìm thấy vào tối 30-4.

Từ sân bay Thành Sơn, linh cữu anh Tú được trung đoàn không quân 937 đưa về tư gia ở chung cư C5 bằng xe cứu thương chuyên dùng, sau đó đưa vào TP.HCM để chuẩn bị các nghi thức lễ truy điệu vào sáng 3-5.

Ông Nguyễn Văn Thi - cha anh Tú - cho hay: “Tối 1-5, cả gia đình chúng tôi vào TP.HCM để cùng các đơn vị không quân làm lễ truy điệu, hỏa táng cho Tú. Sau đó gia đình sẽ đưa tro cốt của Tú về quê nội Hải Phòng”.

(Theo Tuổi trẻ)