- Gần đây, Hà Nội có chút niềm vui khi hay tin xuất hiện một nhóm KTS trẻ Hà Nội tình nguyện làm ra những sân chơi miễn phí cho trẻ em ở Thủ đô và nhiều nơi khác, nhóm có tên “Think Playgrounds" (tạm dịch: "nghĩ về sân chơi”).

Hà Nội vốn là một sân chơi lớn cho trẻ em!

Ngày 10/10/1954, các em thiếu nhi Hà Nội với cờ đỏ, sao vàng đón đoàn quân từ 5 cửa ô tiến về tiếp quản Thủ đô. Các em tập trung từ Ấu Trĩ Viên đi đến Nhà Hát Lớn.

Ấu Trĩ Viên (Vườn trẻ em) xây dựng từ 1919, vốn là nơi vui chơi cho con Tây.

Trước trước Cách mạng Tháng 8.1945, nhiều thanh niên Hướng đạo sinh được giao phụ trách thiếu nhi đã tập hợp các em bán báo, đánh giày cùng sinh hoạt văn hóa tại đây.

Từ ngày 1/6/1955, nơi đây trở thành CLB thiếu niên, nơi sinh hoạt vui chơi của hầu hết trẻ em Hà Nội, khi ấy HN có khoảng 40-50 vạn dân.

{keywords}
Thiếu nhi mang cờ hao ra đón Đoàn quân tiếp quản Thủ đô (10/10/1954)

 

{keywords}
Tòa nhà trong Ấu trĩ Viên

Đường phố Hà Nội vốn nhỏ bé, lại có vỉa hè nên rất thuận tiện cho trẻ em sinh hoạt trên đường phố. Nhiều ngôi nhà mở cửa ra phố nên người lớn có thể trò chuyện và trông chừng con trẻ chơi ngoài đường

Tại những làng ven đô (nay thì cũng đã thành nội thành rồi) trẻ em chạy chơi khắp các đường làng ngõ xóm.

Thời chiến trang phá hoại (1965-1972) máy bay Mỹ có tới bắn phá, trên các cây cao đã có chòi canh gác của dân quân để kịp thời “báo động" cho trẻ em vào hầm trú ẩn.

Trẻ em ngày ấy có mặt tại tất cả các nơi trong thành phố, thậm chí khi không có tiền mua vé tầu điện, chúng có thể ngồi ở bên ngoài, mặc dù được cảnh báo nguy hiểm – nhưng chưa có vụ tai nạn nào xảy ra khi trẻ ngồi vị trí này (cũng có thể tốc độ tầu chạy chậm và người đi trên phố cũng chưa hung dữ như hiện nay).

{keywords}
 

 

{keywords}
Phố Ngõ Gạch và ngõ Tô Tịch năm 1980’: vỉa hè , đường phố bình yên, an toàn cho trẻ em vui chơi

Đồ chơi cho trẻ nhỏ thô sơ, nhưng dễ kiếm và tất cả các khoảng trống đều ưu tiên cho trẻ em. Ví dụ, chỉ cần khoảng trống đầu phố Bông Nhuộm là đặt bập bênh, nay đã xây một NVH kín đặc khu đất, nhưng phần lớn thời gian đóng cửa im ỉm.

Hình ảnh ấn tượng du khách và người Hà Nội đấy là thành phố rất nhiều trẻ em, chúng vui chơi hạnh phúc trong hoàn cảnh vật chất eo hẹp.

Vỉa hè, đường phố từ sáng đến tối sẵn tiếng nói cười trẻ em. Có những em bé ham vui ngoài đường, chạy trốn khi người lớn muốn kéo về nhà.

{keywords}
Lớp mẫu giáo trong làng Đại Từ (nay là phường Đại Kim, Q.Hoàng Mai) và đường làng ven đô năm 1970’
{keywords}
Đi lại trên đường phố 1980’
{keywords}
Các bạn nhỏ trò chuyện bên thềm Trấn Ba Đình trong đền Ngọc Sơn 1990.
{keywords}
Đánh vòng trong ngõ nhỏ bên hè phố Bông Nhuộm
{keywords}

{keywords}

Chuẩn bị bữa ăn gia đình kết hợp vui chơi trên hè phố ; Chơi vui tới độ  không muốn về nhà – HN  1980’


Cung văn hóa Thiếu nhi: giấc mơ có thật của thiếu nhi Hà Nội

Hồi tưởng về Hà Nội những năm 1970, nhiều người vừa rưng rưng thương nhớ vừa rùng mình sợ hãi vì thiếu thốn đủ bề "áo chăn chưa ấm thân mình".

Đêm nào, nhà ai cũng phải chăm chăm hứng nước máy, xếp hàng đong gạo sổ... Vậy mà, ngày 10/1/1974, thành phố khởi công xây Nhà văn hóa Thiếu nhi Hà Nội, trong khuôn viên Ấu Trĩ Viên trên phố Lý Thái Tổ.

Tòa nhà chính 6 tầng, 95 phòng ,mỗi ngày có thể tiếp đón 5.000 em đến sinh hoạt đủ các môn: từ múa vẽ, hát nhạc đến làm mô hình máy bay... Rạp Khăn quàng đỏ 2 tầng có 520 chỗ ngồi, âm thanh, ánh sáng, tầm nhìn hoàn hảo... Hơn 60 năm qua, có 30 triệu lượt trẻ em tới đây sinh hoạt.

{keywords}
Lớp học vẽ trong Đền Bạch Mã – phố Hàng Buồm  1980’

Chúng tôi là lứa đầu tiên được sinh hoạt tại đó, thực sự coi đây là thiên đường có thật của mình. Người lớn đưa con em đến cũng tranh thủ chiêm ngưỡng, họ tin rằng công trình do nước ngoài xây dựng.

Ngờ đâu, tác giả thiết kế là KTS Lê Văn Lân (hiện là Phó chủ tịch Hội KTS Hà Nội). Toàn bộ do Việt Nam làm (Tiệp Khắc chỉ tặng thang máy, số ít thiết bị). Cả Hà Nội dành dụm từng viên gạch, miếng kính, cân sắt để làm quà cho thiếu nhi.

Mấy chục năm sau, thu nhập đầu người tăng biết mấy lần, nhiều công trình kỳ vĩ đã xong và sẽ làm... nhưng không chỉ Hà Nội mà có lẽ cả nước chưa có công trình nào dành cho thiếu nhi nhiều hơn, lớn hơn, sang hơn nơi này.

{keywords}
Cung Văn hóa Thiếu nhi Hà Nội 1990

Đây cũng là một biểu tượng của văn hóa Hà Nội: Thành phố có thể yêu thương con trẻ rất nhiều ngay trong khi còn rất khó khăn. Nó cũng cho thấy tầm nhìn của Thành phố không chỉ đo lường bằng độ lớn không gian mà còn được ghi nhận bởi những việc làm cụ thể nhằm tạo ra môi trường nuôi dưỡng tinh thần sáng tạo cho thế hệ tương lai.

Điều bất thường khi thành phố vắng bóng trẻ con

Nhận xét của bạn bè đã từng đến HN vào thập kỷ 1980-1990 và thường xuyên quay lại đây làm chúng ta ái ngại, nhưng khi xem lại những bức ảnh cũ và với hiện tại thì nhận định đó là có cơ sở.

{keywords}

{keywords}

Đánh vòng bằng lốp xe đạp cũ - Mê cung bằng bao bì gỗ thông: 2 trong những tác phẩm của nhóm

"Think  Playgrounds"

Làm thế nào để thay đổi điều ấy, thay vì nghiên cứu tốn kém vô bổ, phong trào khẩu hiểu trống rỗng... Nhóm tình nguyện “Think Playgrounds" đã xắn tay vào làm những sân chơi với chi phí thấp tại Hà Nội, Hội An, Lý Sơn và các nơi khác.

Các bạn là Kiến trúc sư, phóng viên, nhà làm phim, chuyên gia thiết kế... làm ra sân chơi bằng các vật liệu tái sử dụng: lốp xe cũ, bao bì giấy gỗ, các chi tiết cơ khí...

Không chỉ tạo ra những đồ chơi hấp dẫn, an toàn cho trẻ em mà còn truyền đi thông điệp tới các em và người lớn: có thể tạo ra không gian vui chơi thú vị, những cảm xúc hạnh phúc bằng sáng tạo, tiết kiệm từ đó mà biết phê phán sự lãng phí tài nguyên vật chất một cách vô bổ/vô tâm.

Sân chơi các bạn làm ra là bãi đất rộng hàng trăm mét vuông, nhưng có chỗ chỉ là một khoảnh sân vài mét, thậm chí chỉ là một gốc cây đủ treo một cái xích đu hay kê một chiếc ghế.

Hà Nội dạo này thế nào?

Trước khi trả lời câu hỏi của bạn phương xa, tôi băn khoăn không biết bạn hỏi Hà Nội nào, vì có hai Hà Nội – một Hà Nội đang vươn cao, nới rộng với trùng trùng cao ốc chói lòa kính chớp, đường xá tầng lớp vun vút xe cộ; đô thị sinh thái hối hả nhổ cây to trong rừng sâu, bê đá lớn trên núi cao về bầy biện cho hào nhoáng... nó đang hừng hực tiến về phía Tây, quay sang phía Đông để loay hoay định hình những giá trị mới ... không chỉ riêng tôi còn chưa rõ biết cái “giá trị mới ấy “định dạng thế nào?".

Còn cái Hà Nội mà tôi biết thì vẫn thế: nem nép khiêm nhường, vẫn có những người già lo lắng cho cái đẹp cũ kỹ dai dẳng như tháng ngày trôi đi, có những bạn trẻ lặng lẽ nhặt từng mảnh ván, lốp xe cũ, đoạn dây thừng để chắp lại niềm vui, thắp lên tia nắng hạnh phúc trong đôi mắt trẻ thơ, rồi mai này các bạn ấy sẽ lớn lên với sự tự tin và kiêu hãnh kể rằng: "Chúng tôi đã từng được chơi trong những sân chơi của Hà Nội, được làm ra bởi những người giàu lòng trắc ẩn, thương quý trẻ em một cách chắt chiu mà sang trọng – cái kiểu Hà Nội vốn vẫn thế xưa nay."

KTS Trần Huy Ánh

Ảnh minh họa của John Ramsden (Triển lãm Mảnh đất hóa tâm hồn), Hans-Peter Grumpe, NHK , Hanoidata ST&BT).