- Bước vào tuổi “xưa nay hiếm”, cụ ông 78 tuổi một mực đòi ly hôn với người vợ đã gần 60 năm gắn bó.

Cuối tháng 4/2015, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa dân sự phúc thẩm để xem xét đơn xin ly hôn của cụ M., 78 tuổi.

Đơn ly hôn trước đó của cụ ông đã bị TAND quận Hoàng Mai, Hà Nội bác, bởi vậy cụ M. đã phải gửi đơn lên cấp phúc thẩm.

Theo bản án sơ thẩm, cụ M. và vợ kết hôn theo nghi thức truyền thống từ năm 1959. Cụ ông khi đó là giáo viên, còn cụ bà là nhân viên tạp vụ.

Trải qua biết bao khó khăn thời bao cấp, họ vẫn thương yêu và đã có chung 4 người con.

Khi đã “con đàn cháu đống”, cũng là lúc cụ bà cho rằng chồng mình ngoại tình, dẫn đến việc hai cụ sống ly thân.

{keywords}
 
Dù vẫn sống chung dưới một mái nhà, nhưng cụ ông và cụ bà nhất định không chung mâm. Họ ăn riêng và thường xuyên xảy ra mâu thuẫn.

Cuối cùng, sau gần 60 năm sống đời vợ chồng, cụ ông làm đơn xin ly hôn với cụ bà. Cụ ông đưa ra lý do đòi ly hôn vì hai người có nhiều mâu thuẫn và vợ mình xúc phạm đến bố mẹ chồng.

Thụ lý đơn ly hôn của cụ ông 78 tuổi, TAND quận Hoàng Mai xác nhận, hai vợ chồng cụ M. có xô xát, tổ dân phố đã phải đứng ra hòa giải cho hai cụ.

Tại phiên toà sơ thẩm, cụ ông trình bày, trong hàng chục năm sống chung, vợ chồng cụ không có mâu thuẫn gì lớn. Thậm chí nghĩa vợ chồng của họ còn gắn bó hơn bởi những lần cụ ông chăm cụ bà đau ốm trong bệnh viện...

Cuối tháng 4, ôm theo chiếc túi đựng hồ sơ liên quan đến vụ ly hôn, cụ M. một mình đến tòa. Cụ thuê luật sư riêng cho mình để giải quyết vụ việc.

Đã ở vào tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng nom cụ M. vẫn khoẻ mạnh, hoạt bát. Vợ cụ M. vì lý do sức khoẻ yếu đã vắng mặt trong phiên xử. Các con cháu cụ cũng không ai có mặt.

Phiên tòa được coi là đặc biệt hiếm gặp, bởi tòa thường chỉ giải quyết đơn ly hôn của các cặp vợ chồng trẻ hoặc trung niên. Họ đưa nhau ra tòa ly hôn khi không tìm được hướng giải quyết chuyện tình cảm.

Tại phiên phúc thẩm, khi được vị chủ toạ hỏi 'còn giữ nguyên ý định ly hôn với người phụ nữ gần 60 năm chung sống hay không?', không chút đắn đo, ông cụ nói: “Không thay đổi”.

HĐXX đã dành thời gian để khuyên giải cụ ông thay đổi ý định, bởi hơn bao giờ hết, các cụ cần có sự chăm sóc lẫn nhau. Tuy nhiên, những lời hòa giải của tòa là vô nghĩa với cụ, bởi theo cụ M., cụ mong muốn được tự do và không phải chịu những lời chì chiết của người vợ đau yếu.

Cũng như phiên tòa sơ thẩm, tại cấp phúc thẩm lần này, cụ ông không đưa ra được mâu thuẫn gì lớn giữa hai vợ chồng.

“Bà ấy nghĩ tôi ngoại tình vì thấy tôi thường đi giao lưu với các cụ hưu trí, thể dục thể thao, tham gia các hoạt động văn nghệ…”, cụ M. cho biết.

Cũng vì không đưa ra được các chứng cứ mới nên HĐXX cấp phúc thẩm đã giữ nguyên các quyết định của TAND cấp sơ thẩm, không chấp nhận để cụ M. được ly hôn với vợ, bất kể cụ mong ly hôn bằng được.

Không đồng tình với quyết định của TAND cấp phúc thẩm, cụ M. bảo, sẽ đợi đến một năm để tiếp tục đưa đơn ly hôn, theo quy định của pháp luật.

 T.Nhung