- Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa bắt tạm giam nguyên giám đốc BQL nước sông Đà. Cùng VietNamNet nhìn lại, từ năm 2008 đến nay, sau gần 7 năm, đường ống Sông Đà đã vỡ đến... 10 lần.
Bắt nguyên Giám đốc Ban quản lý nước sông Đà Cơ quan CSĐT (Bộ CA) đã tống đạt quyết định bắt tạm giam nguyên Giám đốc Ban quản lý nước sông Đà cùng đồng phạm. |
"Mong manh dễ vỡ"
Từ 12/2012 đến nay, đường ống Sông Đà liên tục bị vỡ không dưới 10 lần. Một độc giả đã phải thốt lên: "Ở Việt Nam, chưa thấy gì mong manh dễ vỡ như đường ống nước sông Đà".
Cùng VietNamNet điểm lại 10 lần đường ống gặp sự cố khiến người dân thủ đô phải lao đao.
Đường ống nước sông Đà liên tục bị vỡ |
Lần vỡ thứ nhất vào ngày 3/2/2012. Sau đó lần 2 vào ngày 4/2/2012, khoảng 40.000 hộ dân thuộc các quận, huyện phía Tây Nam Hà Nội đã bị mất nước sinh hoạt do vỡ ống dẫn nước từ sông Đà về trên đại lộ Thăng Long, đoạn qua thôn Yên Lũng, xã An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội), đường ống dẫn nước sạch sông Đà từ Hòa Bình về thủ đô đường kính 1,5 m bị vỡ khiến nước tràn xuống hai cầu chui đường bộ dân sinh.
Sự cố tạo nên một hố sâu ngay sát làn chính đại lộ Thăng Long. Đơn vị thi công đã phải đào ống nước lớn nằm cách mặt đất khoảng 5 m và thay thế ống mới, chi phí ít nhất 3 tỷ đồng.
Lần 3 ngày 21/3/2013, lần 4 ngày 21/11/2013, lần 5 ngày 16/12/2013.
Lần vỡ thứ 6 là vào tối 25/4/2014, đường ống nước sạch Sông Đà tiếp tục gặp sự cố, khiến hàng chục nghìn hộ dân ở thủ đô bị mất nước. Sự cố đường ống dẫn nước xảy ra trên đường Láng - Hòa Lạc. Đường ống nước Sông Đà bị vỡ, gây ảnh hưởng sinh hoạt của 70.000 hộ dân thuộc các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai....
21h ngày 17/6/2014, ống dẫn nước sạch sông Đà tiếp tục vỡ lần thứ 7. 150 người phải xuống hiện trường khắc phục sự cố trong đêm. Điểm vỡ ống xảy ra tại km 25, khu vực cầu Đồng Trúc, đại lộ Thăng Long (Thạch Thất, Hà Nội).
Đường ống cung cấp nước sạch cho 70.000 hộ dân Hà Nội lại vỡ đúng ngày Hội đồng Nhân dân thành phố đang chất vấn nội dung này.
Chiều 10/7/2014, trước khi đăng đàn trả lời HĐND Hà Nội về nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục việc đường ống dẫn nước sông Đà khi đã vỡ đến 7 lần, ảnh hưởng cuộc sống của 70.000 hộ dân, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng thông báo: “Đường ống nước sạch sông Đà về Hà Nội lại vỡ rồi. Như vậy là vỡ đến lần thứ 8".
Vừa khắc phục xong, đường ống nước Sông Đà vỡ tiếp lần thứ 9. Như vậy, chưa đầy một ngày sau sự cố lần thứ 8, đường ống nước Sông Đà lại tiếp tục vỡ.
Vụ việc xảy ra và khoảng 4h sáng 12/7/2014, tại Km15, Đại lộ Thăng Long (Hoài Đức, Hà Nội), khiến việc cấp nước cho hơn 70.000 hộ dân ở các quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Từ Liêm... bị gián đoạn.
Lần gần đây nhất là vào ngày 15/1/2015, đường ống dẫn nước sạch từ Nhà máy nước Sông Đà về Hà Nội bị vỡ làm 70.000 hộ dân ở các quận: Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông… mất nước sinh hoạt. Đường ống nước sạch gặp sự cố tại địa phận huyện Quốc Oai (Hà Nội) và đây là lần thứ 10 đường ống nước gặp sự cố.
"Giải oan ông địa"
Trong các lần vỡ ống nước đầu tiên, nguyên nhân địa hình (đất nền yếu) được Vinaconex đưa ra để lý giải cho chuyện đường ống nước liên tục bị vỡ. Tuy nhiên, trong kết luận gần đây nhất về nguyên nhân vỡ đường ống, trên báo Tuổi trẻ, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng cho biết việc đường ống xảy ra vỡ liên tiếp là do chất lượng của ống không đồng đều.
Tại một số vị trí của ống có hiện tượng bong rộp, tách lớp, một số chỉ tiêu cơ lý không đảm bảo dẫn đến suy giảm khả năng chịu lực cục bộ của đường ống. Thiếu các yêu cầu kỹ thuật đối với việc sản xuất, thi công lắp đặt ống theo tiêu chuẩn áp dụng…
Người dân khốn khổ với "điệp khúc vỡ ống, mất nước" |
Cục khẳng định đơn vị tổng thầu thiết kế còn thiếu kinh nghiệm trong việc lựa chọn các tiêu chuẩn áp dụng trong thiết kế tuyến ống nước sử dụng vật liệu ống composite cốt sợi thủy tinh, không đưa ra đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật trong quá trình sản xuất, thi công, lắp đặt tuyến ống.
Đối với nhà sản xuất ống composite cốt sợi thủy tinh đã lựa chọn công nghệ và kiểm soát quá trình gia công chế tạo chưa chặt chẽ.
Nhà thầu giám sát thi công xây dựng không giám sát chặt chẽ, thiếu trách nhiệm để xảy ra các thiếu sót trong quá trình thi công xây dựng công trình. Riêng chủ đầu tư, ban quản lý dự án buộc phải chịu trách nhiệm trong công tác tổ chức, quản lý chất lượng công trình.
Điều đáng nói với thời điểm vỡ ống nước lần thứ 8, tức là qua 5 năm vận hành song Tổng Công ty Vinaconex “chưa có báo cáo chính thức về nguyên nhân".
Dự án Nhà máy nước sông Đà giai đoạn 1, công suất 300.000 m3 một ngày đêm và đường ống truyền dẫn từ Hòa Bình về đến đường Vành đai 3 do Bộ Xây dựng giao cho Tổng Công ty Vinaconex đầu tư xây dựng. Công trình được đưa vào vận hành, khai thác cung cấp nước sạch cho nhân dân từ năm 2008. Thành phố Hà Nội mua nước sạch của Công ty Nước sạch Vinaconex (VIWASUPCO) tại điểm cuối của tuyến ống truyền dẫn là vành đai 3. |
L.Lan (tổng hợp)