- “Mỗi năm, thợ bẫy chim ở xóm Trung (thôn Tăng Cấu, xã Đồng Thái, Ba Vì, Hà Nội) đã săn được hàng hàng trăm ngàn con chim các loại”. Khi nghe xong câu nói ấy, ắt hẳn nhiều người sẽ không tin, cho rằng đây là thông tin bịa đặt. Tuy nhiên, đó là một thực tế đang diễn ra tại xóm nghèo này...
Nghề sát chim
Cách đây không lâu, chúng tôi được nghe câu chuyện về một xóm nhỏ có hàng chục hộ dân chuyên hành nghề bẫy chim.
Mỗi năm, những “kẻ sát chim” này đã “kết liễu sinh mạng” của hàng trăm ngàn con chim, trong đó có những loài đặc biệt quý hiếm như cu gáy, yểng.
Chúng tôi quyết tìm đến cái xóm “khát máu chim” ấy. Vượt 60km từ nội thành Hà Nội theo quốc lộ 32 tới ngã ba Đồng Bảng, xã Đồng Thái, chúng tôi dừng lại hỏi một thanh niên đường vào xóm Trung, thôn Tăng Cấu.
Một loại bẫy chim |
Người thanh niên nhanh nhảu đáp: “À, anh muốn hỏi cái xóm có nhiều thợ bẫy chim chứ gì? Người dân quanh đây quen gọi đó là xóm… bẫy chim từ lâu rồi”.
Trên đường đến “xóm bẫy chim”, gặp một người phụ nữ chừng 40 tuổi đang xách một túi lưới bên trong có hai con cò mang ra chợ Nhông bán. Tiến lại gần và ngỏ ý muốn mua, người phụ nữ cười toe toét, hồ hởi chào hàng với khách: “Chú mua chim đi, chỉ 25 ngàn một con thôi. Mùa này cò béo lắm. Chú ăn miếng là nhớ liền. Khi ở nhà, cái túi lưới của chị chứa 10 con, nhưng chỉ rời khỏi xóm vài bước là bán vèo vèo. Hàng này không bao giờ ế chú ạ”.
“Ngoài cò ra chị còn bán chim gì nữa?". Người phụ nữ vừa cười vừa nói: “Nhà tôi chuyên đi bẫy cò, chỉ thỉnh thoảng mới bẫy các loại chim khác như sẻ, cuốc… thôi. Nếu chú muốn mua mấy loại ấy thì cứ vào xóm tôi mà hỏi. Có hàng “đống” chim cho chú tha về”.
Tìm đến nhà ông Hà (64 tuổi), người được mệnh danh là “sát chim” nhất trong những người... sát chim.
Đã ngoài lục tuần nhưng mà ông vẫn chưa thôi cái nghề “bẫy của rừng, của trời” này.
Ông nói: “Vì sức hút ma lực của đồng tiền thôi
cháu ạ. Cái làng này hầu hết là làm nông nghiệp. Mà trông ngóng vào mấy sào
ruộng thì đói rã họng. Cho nên những lúc nông nhàn phải đi bẫy chim bán lấy
tiền. Cái nghề này tuy lúc được lúc không nhưng nếu may mắn thì một buổi cũng
được cả triệu bạc chứ ít gì. Có người giàu lên vì bẫy chim đấy. Đồng tiền làm
cho người ta ham lắm. Thấy bẫy chim được nhiều tiền là người ta đua nhau đi đánh
thôi”.
Ông cho biết thêm, trong những loài chim mà “xóm bẫy chim” thường bắt, thì cu
gáy là loại có giá trị nhất. Loại này được bán cho những “tay chơi chim” thứ
thiệt trên thành phố với giá cao.
Nếu là chim non thì rẻ nhất cũng có 500 ngàn, loại biết gáy giá từ 1,5 triệu đồng trở lên, 'đào tạo; chút ít nếu biết gù theo hiệu lệnh của chủ thì lên đến vài triệu đồng một con.
Thông qua ông Hà , được biết nhiều hộ gia đình có 2-3 đời bẫy chim kiếm sống như gia đình anh A, anh T, anh B, anh B anh N, anh T, anh T, anh M và ông T… Trong đó, gia đình ông Hà hiện đang có 6 “tay lưới” (người bẫy chim) thiện nghệ.
Có một điều đặc biệt khi mà chim trời càng ngày càng ít đi thì số lượng người săn chim trong “xóm bẫy chim” càng tăng lên. Những thợ bẫy chim ra sức truyền nghề cho những đứa con còn nhỏ xíu của mình.
Thế mới có chuyện nhiều “siêu nhân diệt chim” tí hon tuổi đời chỉ 13-14 đã ham vác lưới đánh chim kiếm tiền như 2 anh em L và V (con anh A) và em Tý (con anh B).
Hàng trăm ngàn con chim sa bẫy
Cả xóm Trung có hơn 100 nóc nhà thì có tới gần 20 hộ lấy bẫy chim là nghề chính của gia đình. Nếu tính cả những thợ bẫy chim không chuyên (chỉ đánh vào mùa vụ) thì số những người làm nghề này ở đây phải lên tới 50-60.
Vậy một năm, “đội quân” hùng hậu này đã “kết liễu” sinh mạng của bao nhiêu chú chim vô tội?
Để giải đáp cho câu hỏi này, chúng tôi đã tìm đến một số nhân vật 'có số má' khác trong giới săn chim của xóm để hỏi về “sản lượng” mà họ “thu hoạch” được sau mỗi buổi hành nghề.
Anh T. chỉ cho PV cách bẫy chim |
Từ những loại chim sống ở đồng bằng như: sẻ, cuốc, cò, chào mào … đến những loài quý chim quý hiếm trong rừng như cu gáy, ngói… anh chẳng xa lạ loại nào.
Anh T. tâm sự: “Làm cái nghề bắt “chim trời – cá nước này” thì vô cùng lắm, bữa đực bữa cái chẳng biết thế nào mà lần. Nhưng may sao trời cho tôi cái số “sát chim” nên hầu như không buổi nào đi mà không mang về ít nhất chục con chim (trừ chim cu gáy). Vào mùa vụ bẫy chim (từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch), chuyện đánh được 200-300 con chim sẻ hoặc chục con cò, chào mào, cuốc là chuyện bình thường. Tính ra, mỗi buổi ít nhất cũng được 200-300 ngàn đồng đấy”.
Anh T. kể tiếp, vào khoảng từ tháng 2 đến tháng 6 âm lịch, ở quê ít chim nên anh phải đi xe máy vượt hơn 40km xuống tận thị trấn Phùng, Diễn để đánh bắt. Số tiền bán chim, trừ tiền xăng và ăn uống rồi vẫn lãi nhiều hơn đi làm thợ.
Nói đến những người thợ bẫy chim trong xóm thì không thể không nhắc tới anh Phùng Văn A. Anh A nổi tiếng là người có kỹ nghệ siêu đẳng trong việc bẫy 2 loại chim cu gáy và ngói. Đây là những loại chim rất khó bắt. Vậy mà cứ lần nào đi là anh lại mang về cả bu chim ngói và thỉnh thoảng anh cũng bẫy được một con chim cu gáy.
Vào thăm nhà anh, chúng tôi đã được chiêm ngưỡng “bộ sưu tập” nhiều loài chim mà anh đánh bẫy được, trong đó có đến 5 con cu gáy.
Theo như những gì anh T nói, nếu làm một phép toán đơn giản thì có thể thấy, mỗi năm, những người thợ bẫy chim trong xóm đã tước đoạt của thiên nhiên hàng trăm ngàn con chim là không oan chút nào.
- Minh Phúc
(còn nữa)