- Lợn vẫn nuôi khỏe, rồi đùng cái, suốt một tháng nay, cả làng điêu đứng vì hàng loạt biển sơn chữ đỏ choe choét "thu mua lợn ốm, lợn phế" trên khắp tường làng, khu chuồng nuôi của các hộ.

Trưởng thôn Thượng - làng Bèo (xã Tiên Ngoại, huyện Duy Tiên, Hà Nam) Nguyễn Tiến Giang chỉ tay vào khu chuồng chăn nuôi lợn của gia đình, nhìn đàn lợn đông đúc ụt ịt háu ăn mà vẫn không hết bực mình.

Gần một tháng nay, không chỉ gia đình ông, mà 180/190 hộ làng Bèo làm nghề nuôi lợn bỗng dưng bị "ám quẻ" bởi những biển rao vặt "thu mua lợn ốm, lợn phế" dán đầy làng.

{keywords}
Trưởng thôn Thượng bên chiếc biển thu mua lợn ốm vừa được những kẻ lạ mặt "tương" lên các bức tường ở làng nghề.

"Sáng dậy, nhìn cái biển đó bực hết cả mình. Người chăn nuôi tâm lý chung lúc nào chẳng mong mọi việc thuận lợi, suôn sẻ. Nó dán biển đấy khác gì trù yếm người chăn nuôi" - bà Chiên, một hộ chăn nuôi với số lượng đàn 40-50 con bị 'kẻ lạ mặt' sơn biển thu mua ngay trên chuồng nuôi bực tức.

Ở làng nghề nuôi lợn một năm xuất chuồng cả vạn tấn lợn hơi, cung cấp cho cả nước này, biển quảng cáo trên không phải là dạng thông tin giao thương mà làm hại bà con chăn nuôi nhiều hơn.

Là xã thuần nông, Tiên Ngoại có 9 thôn với nghề chính là nông nghiệp, nuôi lợn và nấu rượu. Trong đó, thôn Thượng - làng Bèo là thôn chăn nuôi tập trung với số hộ và số đàn lợn nhiều nhất xã, nhất huyện.

Hộ nuôi ít nhất cũng có 30-40 con, hộ nuôi nhiều nhất lên đến hàng trăm con.

Hiện cả làng có 400 lợn nái sinh đẻ để tự cung cấp giống nuôi. Số lượng đàn lợn thịt dao động trung bình từ 3 đến 4.000 con, lúc cao điểm lên tới 6.000 con lợn thịt.

"Làng Bèo được công nhận là làng nghề nuôi lợn lớn nhất huyện. Nghề tay trái nấu rượu ở làng này cũng chỉ để phục vụ việc chăn nuôi. 180 hộ nuôi lợn cũng là ngần ấy hộ nấu rượu, lấy bã rượu, bỗng rượu cho lợn ăn" - trưởng thông Thượng cho biết.

{keywords}
Những tấm biển thu mua lợn ốm như thế này "khủng bố tinh thần" khiến người chăn nuôi uất ức.

Ông Giang bảo, khu chuồng chăn nuôi của mình mỗi năm xuất chuồng từ 150 đến 200 con, tương đương vài tấn lợn hơi. Ngoài việc trông coi mấy sào ruộng, vợ chồng ông còn tất bật với lò rượu nếp vừa xuất vào miền Nam mỗi tháng vài trăm lít, lấy bã rượu nuôi lợn.

"Việc luôn chân tay, làm không xuể. Đi làm công ty dù công việc không lấm láp nhưng thu nhập giỏi lắm chỉ tròm trèm vài triệu đồng/tháng" - ông khoát tay kể.

Lợn vẫn nuôi khỏe, rồi đùng cái, suốt một tháng nay, cả làng điêu đứng vì hàng loạt biển sơn chữ đỏ choe choét "thu mua lợn ốm, lợn phế". Những dòng chữ này tương thẳng lên khắp tường làng, khu chuồng nuôi của các hộ chăn nuôi, không khác nào "khủng bố" tinh thần bà con.

{keywords}
 

Biển rao vặt thu mua lợn ốm còn xuất hiện sang cả làng khác. Cách Tiên Ngoại một cánh đồng là làng Ngô Thượng có con đường cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình chạy xuyên cánh đồng khiến nó bỗng dưng trở thành xã mặt đường.

Có nhiều cầu chui dân sinh được bắc ngang đường cao tốc để thông làng này với làng khác. Những 'kẻ lạ mặt' không tha không gian ấy. Chúng dán chi chít biển rao vặt thu mua lợn ốm, lợn phế trên đầy thành cầu.

Trưởng thôn phục kích kẻ "thu mua lợn ốm"

Lúc đầu khi phát hiện biển rao vặt thu mua lợn ốm chi chít, trưởng thôn Ngô Thượng Nguyễn Viết Thuấn báo cáo lãnh đạo xã để tìm cách xử lý.

Chủ tịch xã Tiên Nội Nguyễn Tiến Hương cho mang vôi đi xóa. Nhưng cứ xóa ban ngày, sáng hôm sau lại xuất hiện biển "thu mua lợn ốm" khác xuất hiện.

Ở làng Bèo, ông Giang bực tức đứng ngồi không yên, quyết lên phương án theo dõi, phục kích, giăng bẫy để bắt tại trận kẻ thu mua lợn ốm dám in biển tràn lan khắp làng.

{keywords}
 

"Chúng tôi muốn làm rõ ai là người đứng ra thu mua và để làm gì vì nó liên quan tới công tác chăm sóc, phòng chống bệnh dịch của làng nghề. Chẳng may con lợn ốm, chết chứa mầm dịch, không được tiêu hủy mà bán cho người thu mua để chế biến thành lợn thịt sẽ xảy ra nguy cơ xấu. Và trước tiên thiệt hại kinh tế người làng Bèo phải chịu" - ông Giang bức xúc.

Nghĩ là làm. Ông bốc điện thoại gọi thẳng đến số rao vặt. Người thu mua biết ông là trưởng thôn sau khi hỏi đường, 5 lần 7 lượt hẹn rồi không đến.

Thử bốc điện thoại gọi thử một số máy được dán quảng cáo tại thôn Thượng - làng Bèo, phóng viên cũng được "chào" đủ loại giá mua. Nhưng người thu mua đặt điều kiện phải đến tận nợi xem lợn ốm để định giá.

Nếu lợn ốm, chưa tiêm mũi nào giá cao hơn, nếu lợn ốm mà 'chết đột tử' giá cũng khác. Theo tìm hiểu, một con lợn ốm đã được tiêm thuốc có bán giá cũng chỉ bằng 1/3 so với giá lợn khỏe, thậm chí chỉ bằng ¼.

Quyết giữ chữ tín

Trưởng thôn làng Bèo cho hay, trong chăn nuôi, không ai dám đảm bảo đàn lợn nuôi nhà mình lúc nào cũng khỏe mạnh, không bị ốm đau. Ở làng Bèo, hầu hết việc tiêm phòng bệnh cho đàn nuôi được các hộ chú trọng ngay từ khi lợn nái sinh sản.

Các loại bệnh như uốn ván, dịch tả được tiêm phòng ngừa cho lợn mẹ ngay từ thời điểm mang thai, sau đó, lợn con sinh đẻ xong tiếp tục được tiêm phòng dịch trước khi tách đàn.

"Việc thu mua lợn ốm, lợn phế chưa biết người ta sử dụng vào việc gì. Nhưng đó là việc không được phép vì liên quan đến công tác phòng dịch từ vật nuôi, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Với số lượng hàng ngàn con như ở làng Bèo, nếu không chú trọng, để bệnh lây sang cả đàn, trước tiên người chăn nuôi phải chịu thiệt" - ông Giang nói.

{keywords}
Theo người dân làng nghề, việc chăn nuôi được các hộ triển khai rất bài bản về vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng dịch bệnh...

Có một điều, người trong làng Bèo chắc chắn 'kẻ lạ mặt' tung đầy biển rao vặt thu mua lợn ốm, lợn phế không phải người trong huyện. Ở thôn Hòa Trung, xã Ngoại Tiên có 5-6 hộ thu mua giết mổ, bán thịt lợn trong vùng và gửi xe ô tô bán cho các điểm tiêu thụ trên Hà Nội.

Nhưng những hộ này, theo lời trưởng thôn Giang, họ giữ uy tín nên không bao giờ trà trộn lớn ốm với lợn khỏe, vì làm như vậy sẽ mất ngay mối.

Trong khi đó, phòng thú ý huyện Duy Tiên cũng thường xuyên về tập huấn, phổ biến kiến thức cho người nuôi. Nếu như tin lợn ốm, lợn chết, cán bộ phòng thú y cử ngay cán bộ xuống theo dõi, khoanh vùng, ngăn chặn không cho bệnh phát triển.

"Chúng tôi đảm bảo, làng Bèo không bao giờ bán lợn ốm ra bên ngoài. Chúng tôi gắn bó với nghề chăn nuôi, nấu rượu, làm giàu từ nó nên phải giữ uy tín, giữ nghề của mình. Không dại chỉ vì tiếc một vài con lợn ốm bán rẻ bán tháo gỡ gạc để mất đi uy tín bao nhiêu năm mới có được”, ông Giang khẳng định, dù đến giờ vẫn chưa bắt tại trận kẻ lạ mặt dán biển rao mua lợn ốm.

Kiên Trung