- Không chỉ khiến cho hàng trăm hộ dân tại khu phố Hưng Hòa và Hưng Lợi "sống khổ" suốt nhiều năm qua, bãi rác "khổng lồ" ở thị trấn Kỳ Anh (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) còn "tấn công" nghĩa trang Cồn Chùa - nơi hàng nghìn người đang "yên nghỉ".
Bãi rác thị trấn Kỳ Anh được hình thành từ những năm 1998, có diện tích chừng 7.000 m2. Ban đầu, bãi rác này chỉ "tiếp nhận" lượng rác thải chừng 2 tấn/ngày của người dân tại thị trấn. Tuy nhiên, từ khi khu kinh tế Vũng Áng bắt đầu được xây dựng, bãi rác này còn phải "chứa" thêm cả chục tấn rác thải từ đây chuyển lên.
Theo tính toán của Phòng tài nguyên môi trường huyện Kỳ Anh, mỗi ngày, có khoảng 10 tấn rác thải đổ về bãi rác này.
Những núi rác khổng lồ nối tiếp nhau cao như núi. Bao quanh là một màn khói đặc quánh bởi việc đốt rác gây ra. Mùi hôi thối từ bãi rác kết hợp với khói khiến cho ai đi qua cũng thấy buồn nôn, khó chịu vô cùng.
Với lượng rác khổng lồ như vậy, nhưng cách xử lý rác thì hết sức đơn giản: đốt quanh năm. Những lúc trời mưa, người ta đổ thêm dầu để đốt. Và bãi rác cứ thế, cháy âm ỉ quanh năm. Chính khói bụi của đám cháy từ bãi rác lại lan tỏa khắp nơi gây ngột ngạt cho cả thị trấn.
Đối với những loại rác không thể đốt cháy được, cơ quan chức năng huyện Kỳ Anh lại chôn lấp. Tuy nhiên, theo ông Phạm Huy Tường, Trưởng phòng tài nguyên môi trường huyện Kỳ Anh, số lượng rác được xử lý "không ăn thua" so với số lượng rác được tập trung về đây.
Suốt nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân thuộc khu phố Hưng Lợi và Hưng Hòa phải chấp nhận sống với sự ô nhiễm từ bãi rác gây ra. Không chỉ hứng chịu mùi hôi thối nồng nặc từ rác và cách đốt rác mà ruồi nhặng cũng "tấn công", khiến cuộc sống nhiều hộ dân bị đảo lộn.
Cách bãi rác chừng vài trăm mét, gia đình ông Nguyễn Văn Sơn (tiểu khu 10, khu phố Hưng Lợi) có 3 có thế hệ sinh sống trong nhà. Hằng ngày, từ người lớn tới trẻ nhỏ đều phải hít không khí độc hại từ bãi rác gây ra. Và để tránh ruồi, nhặng, gia đình ông Sơn phải dùng bạt phủ kín ngôi nhà.
"Rất nhiều lần, chúng tôi đã phản ánh tình trạng ô nhiễm do bãi rác gây ra lên chính quyền nhưng đã nhiều năm rồi, mà vẫn không được giải quyết. Chúng tôi chỉ còn biết chấp nhận "sống chung với rác", ông Sơn bức xúc phản ánh.
Không chỉ "làm khổ" người sống, với lượng rác lớn đổ về mỗi ngày, bãi rác thị trấn Kỳ Anh đã quá tải. Không còn cách nào khác là phải "tấn công" sang nghĩa trang Cồn Chùa ngay cạnh đó. Người dân ở đây lắc đầu chán nản, người sống đã khổ, "người chết cũng không được yên". Ngoài ra, bãi rác này nằm cạnh sông Trí nên nước thải từ bãi rác tràn xuống đã gây ô nhiễm nặng nguồn nước sông.
Cô Nguyễn Thị Lệ Thủy, Hiệu trưởng trường THPT Kỳ Anh cho hay, mùi hôi thối nồng nặc từ bãi rác (cách chừng 200 mét) xộc thẳng vào các phòng học của hơn 1.800 học sinh. Mỗi khi tới giờ học, các phòng phải đóng hết cửa để tránh khói bụi bay vào.
Theo ông Nguyễn Huy Tường, hiện tỉnh đang cho xây dựng một bãi xử lý rác tại xã Kỳ Tân do Sở TN&MT làm chủ đầu tư. Việc xây dựng đã được khoảng 1 năm nay. Theo kế hoạch, tới cuối năm, bãi xử lý rác sẽ đi vào hoạt động. Tuy nhiên, nhiều khả năng vẫn chưa thể đưa vào xử lý rác được.
|
Như vậy, dường như hàng trăm hộ dân khu phố Hưng Hòa, Hưng Lợi, hàng nghìn học sinh trường THPT Kỳ Anh và cả khu nghĩa trang Cồn Chùa còn phải "chịu đựng" bãi rác khổng lồ này thêm thời gian dài nữa. |
Xem clip:
Văn Đức