- Gần 5 thế kỉ tồn tại, rừng trâm bầu đã ngăn cát bay, cát nhảy, là “lá phổi xanh” điều hòa không khí, duy trì nguồn nước mát lành cho mảnh làng nhỏ bên bờ biển lớn.

Hình ảnh đầu tiên khi về làng Thanh Bình, xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) là một dải trâm bầu xanh tươi ôm trọn dải cát dài từ đầu thôn đến cuối làng.

{keywords}
Khu rừng trâm bầu giữ nước cho bà con nơi đây trồng trọt, sản xuất.

Trâm bầu có trước, làng mới có sau

Người làng không biết trâm bầu có từ bao giờ, chỉ biết từ khi ông tổ Dương Phúc Thái cùng 11 vị khai canh khác lấy mạch nước từ rừng trâm bầu cổ làm nguồn sinh sống, xây dựng các lân nóc (xóm) để lập nghiệp thì trâm bầu đã có từ tước đó.

Khu rừng trâm bầu của làng dài khoảng 4km, chiếm hơn 100 ha kéo theo chiều dài của làng, lan sang làng Xuân Kiều bên cạnh, những cây trâm bầu mọc dày trên cát, gốc cây to khỏe, chắc mập găm sâu xuống cát, bảo vệ cuộc sống của dân làng.

Có rất nhiều mảnh làng ven biển khác ở Quảng Bình bị biến dạng vì nạn cát bay, cát nhảy nhưng ở đây tuyệt nhiên không, gần 500 năm làng vẫn vậy, làng chỉ thay da đổi thịt cho ngày một giàu đẹp hơn.

{keywords}

Người dân nơi đây vào rừng không mang theo dao rựa, ai cũng rất có ý thức trong việc bảo vệ rừng.

Lịch sử của làng hơn 460 thì trâm bầu có tuổi nhiều hơn thế, trong rừng trâm bầu, còn có những loài cây khác như mà ca, lộc vừng, quần thể sâm Mã Lai có tác dụng chữa bệnh, rồi những loại chim muông như chào mào, vành khuyên, cu gáy..., nhông cát và nhiều loài bò sát cũng kéo nhau về đây “sum họp”.

Tạo thành một quần thể độc nhất vô nhị về tính thuần chủng trên cát ven biển, cần bảo tồn nguyên trạng như các chuyên gia của tổ chức bảo tồn động vật và thực vật quốc gia đã nói.

Những năm kháng chiến, rừng trở thành lá chắn để du kích ẩn náu, là những ụ pháo ngụy trang dưới tán trâm bầu phun lửa đối đầu với tàu chiến của kẻ thù.

Thời bình, rừng giúp người dân địa phương giữ được mạch nguồn, cung cấp nước cho đất sản xuất cũng như sinh hoạt, tưới tiêu, nuôi sống hơn 2000 nhân khẩu của làng.

Chỉ cần đào xuống vào tấc vục tay xuống là lớp cát đã ướt nước, mát rượi. Cũng vì thế mà đất trồng cây lương thực của làng nằm sát cạnh đồi chưa bao giờ phải bỏ hoang, người làng Thanh Bình chưa mấy khi đói vì hạn hán.

Thế mới thấy được rừng trâm bầu đã làm phên giậu cho đất và người làng này tốt đến thế nào suốt hàng trăm năm qua trên vùng cát biển nắng chang chang và luôn nổi tiếng khô cằn này.

56 năm giữ rừng

Biết làng mình không thể vững vàng trước cát trắng, đã 56 năm nay người làng vẫn tự nguyện góp lúa để trả công cho đội bảo vệ rừng.

Đội gồm 11 người, được thành lập từ năm 1959. Trải qua nhiều biến đổi, hiện nay số người giữ rừng chỉ còn 10.

{keywords}
Mùa hạn nhưng những cây trầm bầu vẫn xanh tốt trên cát trắng.

Trước đây, đội giữ rừng được dân làng trả công bằng cách góp lúa, hiện nay họ quy lúa ra tiền, mỗi tháng đóng góp một khoản nhỏ để duy trì hoạt động của đội.

Ông Dương Minh Huy, đội trưởng đội giữ rừng cho biết, ông đã gắn bó với rừng trâm bầu từ ngày xuất ngũ, ngày nào không lên với rừng là nhớ không chịu nổi. “Chắc tôi phải trèo động cát lên với rừng đến lúc mỏi gối mới thôi”.

Làng có 516 hộ thì có chừng đó cái giếng khoan, đó là chưa kể đến giếng đào trước đó mà nhiều hộ vẫn giữ lại để dùng. Dòng nức mạch từ rừng trâm bầu trong sạch và mát lành cũng chính là lí do người dân ở đây không dùng đến nước được cung cấp từ dự án như những làng bạn kế bên.

{keywords}
Một góc rừng trâm bầu.

Trước đây, khi chưa dùng bếp ga, dân làng vẫn vào rừng quét lá trâm bầu về nấu bếp. Lá còn được dùng ủ phân bón lúa. Cho đến bây giờ, quy định của làng vẫn là khi vào rừng trâm bầu không được mang theo dao rựa, ai bị phát hiện bẻ cành sẽ bị phạt 50.000 đồng, ai chặt cây sẽ bị phạt từ 500.000 đến 1.000.000 đồng.

“Nếu phát hiện vi phạm, không chỉ người đó bị phạt tiền mà còn bị thôn đọc tên trên hệ thống loa phát thanh, và chỉ một lần vi phạm là cuối năm gia đình đó không còn được bầu là gia đình văn hóa.

Năm 2011, thôn Thanh Bình và mười một thành viên của đội giữ rừng đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì những gì đã đóng góp cho việc giữ gìn, bảo vệ rừng phòng hộ”, ông Đậu Thanh Minh, trưởng thôn Thanh Bình chia sẻ.

Hải Sâm