- Đại lộ nghìn tỷ Mai Chí Thọ, đường Nguyễn Thị Định (Q.2, TP.HCM), 2 tuyến đường dẫn vào cảng Cát Lái tiếp tục xuất hiện tình trạng trồi nhựa, bong tróc tạo thành những vết lún sâu, kéo dài thành “sống trâu” gây mất an toàn và là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông.
Xem Clip:
Kẹt xe suốt 10 tiếng, 'không thể nhúc nhích' ở TP.HCM Vụ kẹt xe xảy ra trên các tuyến đường dẫn vào cảng Cát Lái từ mờ sáng. Đến trưa cùng ngày vẫn tiếp diễn, khiến dòng xe cộ rồng rặn nối đuôi nhau hơn 10km để nhích từng mét vào cảng Cát Lái. |
Kẹt xe... vì đường xuống cấp
Thời gian qua, tại cửa ngõ vào cảng Cát Lái thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài nhiều giờ. Điển hình là vụ kẹt xe hơn nửa ngày trên các tuyến đường dẫn vào cảng Cát Lái ngày 9/5.
Hiện trạng sụp lún nghiêm trọng trên đại lộ Mai Chí Thọ |
Bánh xe kênh cao so với mặt đường. |
Nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng kẹt xe tại cửa ngõ vào cảng Cát Lái: do hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, dừng chờ đèn đỏ quá lâu, xung đột giao thông tại vòng xoay Mỹ Thủy; lượng phương tiện vận tải tăng đột biến vào cảng sau kỳ nghỉ lễ dài ngày.
Tuy nhiên, hiện trạng mặt đường xuống cấp tại 2 tuyến đường cũng là nguyên nhân gây cảnh kẹt xe kéo dài…
Ghi nhận của VietNamNet chiều 13/5 trên đại lộ nghìn tỷ Mai Chí Thọ, đoạn giao cắt với đường nhánh dẫn lên cầu vượt Cát Lái kéo dài về hướng cầu Rạch Chiếc (dài khoảng 300m) đang xuống cấp nghiêm trọng. Khắp bề mặt đường tình trạng trồi nhựa, lún sâu tạo rãnh sâu có nơi hơn 10 cm. Dọc theo mép 2 đường rãnh này, nhựa đường bị trồi lên, gồ ghề, tạo “sống trâu” gây mất an toàn giao thông.
Tương tự, tuyến đường Nguyễn Thị Định, đoạn từ vòng xoay Mỹ Thủy đến khu vực cảng Cát Lái (dài gần 1km) cũng trong tình trạng xuống cấp, trồi nhựa, bong tróc, lún sâu từ 5-7 cm tạo thành những rãnh kéo dài.
Quan sát của P.V, đại lộ Mai Chí Thọ và đường Nguyễn Thị Định có mật độ giao thông dày đặc với các loại xe container, xe tải nặng liên tục ra vào cảng Cát Lái.
Do đường xuống cấp, lượn sóng, ảnh hưởng không nhỏ đến việc lưu thông. Nhiều phương tiện di chuyển qua khu vực này đều ì ạch di chuyển với tốc độ “rùa bò” vào cảng.
Các phương tiện di chuyển chậm do mặt đường lồi lõm |
"Ruộng bậc thang" ở Sài Gòn |
Cả đoàn xe chậm chạp di chuyển qua đoạn đường "lượn sóng" |
“Mỗi lần cho xe vào cảng Cát Lái lấy hàng, tôi luôn trong cảm giác bất an, lo lắng. Cho xe chạy nhanh là có thể bị lật, tai nạn như chơi…Do đó, tôi phải cho xe chạy chậm, giữ vững tay lái. Thế nhưng nếu xe chạy chậm thì lại gây dồn ứ giao thông gây ra tình trạng kẹt xe” - tài xế xe container tên Tuấn cho biết.
Các tài xế thì họ cho biết thêm: Thời gian qua, tuyến đường vào cảng liên tục xảy ra kẹt xe, một phần là do mặt đường xuống cấp. Bất cập này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động vận chuyển hàng hóa. Đặc biệt, đây là 2 tuyến đường huyết mạch vận chuyển hàng hóa xuất, nhập qua cảng Cát Lái.
Bao giờ hết cảnh đường lún, kẹt xe ?
Đại lộ Mai Chí Thọ là tuyến đại lộ lớn nhất TP.HCM, được đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng, xây dựng trong nhiều năm mới hoàn tất.
Vào tháng 8/2010 tuyến đường này chính thức được đưa vào sử dụng, thế nhưng chỉ vài tháng sau đã xuất hiện tình trạng lún, nứt tại 1 số vị trí; đặc biệt là tình trạng lún mặt đường (các chuyên gia gọi là tình trạng trồi nhựa mặt đường). Mặc dù cơ quan chức năng đã tổ chức khắc phục nhiều lần, song bề mặt đường Mai Chí Thọ - tuyến đại lộ nghìn tỷ này vẫn tiếp tục xảy ra sụt lún nặng.
Đến khoảng cuối tháng 8/2014, sau nhiều thời gian đưa lên "bàn giấy" để mổ xẻ nguyên nhân và tìm giải pháp khắc phục, đơn vị thi công triển khai khắc phục tình trạng lún mặt đường.
Lần này, đơn vị thi công không cạo lớp nhựa bị biến dạng trên mặt đường như những lần sửa chữa trước. Thay vào đó, Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông - đô thị TP HCM (đơn vị chủ đầu tư) cho xới lớp nhựa trên mặt đường lên để thay thế bằng bê-tông xi-măng cho làn đường chính; đồng thời kết hợp sử dụng bê-tông nhựa polymer cho các vị trí còn lại.
Hiện trạng sụp lún gây ùn xe trên đường Nguyễn Thị Định |
|
Đến nay, hiện trạng lún tại các điểm lún cũ gần giao lộ Nguyễn Thị Định đến khu vực giao với đường Đồng Văn Cống đã được khắc phục. Tuy nhiên, chỗ này mới được khắc phục xong thì lập tức xuất hiện điểm lún mới tại đoạn cuối đại lộ giao với nút giao thông cầu vượt Cát Lái- cầu Rạch Chiếc.
Tương tự, đường Nguyễn Thị Định là huyết mạch cuối cùng để dẫn phương tiện ra vào cảng Cát Lái. Trong những năm qua, điệp khúc lún đường và khắc phục vẫn cứ liên tục xảy ra. Đoạn này được dăm vá xong thì đoạn khác lại trồi nhựa, sụp lún.
Như vậy, hàng ngày xe cộ lưu thông ra vào cảng vẫn phải ì ạch, đối diện với những tai nạn tiềm ẩn...
Tuấn Kiệt