- “Ngày mai, cả huyện Càng Long sẽ ra đây xem lễ khánh thành cây cầu Cổ Chiên. Cây cầu này, con đường này là niềm mơ ước bao đời nay…” – ông Trần Văn Mông chia sẻ.

Vã mồ hôi trên công trường cầu Cổ Chiên

Hàng chục công nhân vẫn miệt mài, cố gắng hoàn tất những khâu cuối cùng trước thời khắc cắt băng khánh thành cầu Cổ Chiên nối đôi bờ 2 tỉnh Trà Vinh và Bến Tre.

Rặng dừa tít tắp, dòng sông Cổ Chiên đỏ nặng phù sa. Cầu Cổ Chiên vượt sông trên QL60, cách bến phà khoảng 3,6km về phía hạ lưu, thuộc địa phận huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre và huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh khánh đúng dịp kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2015”.

Qua sông không còn lụy đò

Những người dân mà chúng tôi gặp đều rất vui, phấn chấn trước giờ cầu Cổ Chiên được khánh thành.

Vui, vì bao đời nay, người dân xứ dừa 2 bờ Trà Vinh và Bến Tre muốn gặp nhau chỉ có đường duy nhất là qua phà Cổ Chiên. Hoặc tự lái thuyền, ghe từ bờ này sang bờ bên kia.

Có cầu, đường nối đường, liền mạch một dải, rút ngắn khoảng cách. Ai cũng mong, nhưng đến nay mới thành hiện thực. 

{keywords}

Ông Phạm Văn Nị niềm vui khôn tả trước thời khắc khánh thành cầu Cổ Chiên.

Ông Phạm Văn Nị (Sáu Nị, 62 tuổi), ấp Lạch Sen, xã Đại Phước (huyện Càng Long, Trà Vinh) vui mừng kể chuyện, gia đình có 6 người con, quanh năm làm việc với ruộng và vườn dừa.

“Đêm qua đèn cầu Cổ Chiên sáng rực cả vùng. Ai cũng thích thú, chạy ra chân cầu hò reo. Có cầu nối liền với tỉnh Bến Tre vui sướng vô cùng. Tôi sống cả đời ở đây nhưng chưa bao giờ vui như những ngày này. Làm gì thì làm, sáng và gần trưa là tui chạy lên đường nhìn anh em công nhân thi công lúc rồi về. Lên nói chuyện chơi chút, vì công nhân làm cả ngày, cả đêm không nghỉ” – ông Sáu Nị tâm sự.

Có lẽ, chỉ có người dân sông nước mới thấm hiểu và trân quý khi bước chân qua cây cầu vĩnh cửu này. Bởi, trước đây, mỗi lần muốn qua sông phải chờ đò cả tiếng đồng hồ…

Còn ông Trần Văn Mông (62 tuổi, ấp Lạch Dừa, xã Đại Phước, huyện Càng Long) cho biết, làm đường dẫn đi vào cầu Cổ Chiên, gia đình ông Mông phải cắt gần 50m2 đất thổ cư. Nhưng ông vẫn rất vui, vì từ nay có đường đi qua nhà.

Các con ông Mông đi làm ăn xa ở Bình Dương thi thoảng điện về hỏi thăm ba, má. Đứa nào cũng không quên hỏi: “Cầu Cổ Chiên sắp xong chưa ba ơi”.

Ông bảo: “Cầu sắp xong rồi, mấy đứa bây giờ đi về chạy qua tận nhà luôn. Không còn để ba phải đón cách xa gần 7km như năm xưa nữa”. Vừa nói, ông vừa cười.

 

{keywords}

Ông Trần Văn Mông: Có đường và có cầu nên thương lái không ép giá bán cây lác.

Niềm vui không chỉ dừng lại ở việc rút ngắn khoảng cách thời gian đi lại từ Trà Vinh lên TP.HCM hay Bình Dương đối với các con của ông Mông. Ông còn chia sẻ, ngày trước trồng cây cỏ lác (dùng làm chiếu - PV) do vận chuyển ra ngoài đường cái xa, phải đi đò nên thường bị thương lái ép giá.

“Từ ngày có đường lớn, thương lái không còn ép giá. Bây giờ, cỏ lác khô bán được giá gấp đôi mấy năm trước. Mỗi năm gia đình bán được hơn 100 triệu. Vui và mừng lắm…” – ông Mông nói.

Nghĩ mình đang ngủ mơ

Khi chúng tôi đang ghi lại khoảnh khắc hoàn thành công đoạn cuối cùng thì vợ chồng anh Nguyễn Văn Khởi (xã Đại Phước) gọi vào quán, mời dùng nước.

Hỏi chuyện, vợ chồng anh Khởi cho biết, sống ở quanh vùng đất Càng Long mà hiếm khi đi ra ngoài tỉnh. Nay có cầu ai cũng phấn khởi, vui vẻ với cả người khách lạ.

{keywords}

Toàn cảnh cây cầu nhìn từ trên cao như một vệt sáng làm thay đổi xứ dừa, rút ngắn khoảng cách giữa các tỉnh với nhau.

“Bao đời nay toàn đi thuyền, ghe qua bên bờ Bến Tre, nay có cầu thì ai cũng vui. Sướng vì được đi bộ trên cầu chứ không còn đi trên sông như xưa nữa. Nhiều đêm ngủ dậy đôi lúc cứ nghĩ mình đang nằm mơ hay sao” – anh Khởi vui vẻ kể.

Vừa ở TP.HCM về thăm nhà, anh Nguyễn Văn Tình đang ngồi uống nước trong quán cũng nói: “Bao năm làm ăn ở Sài Gòn, đi về lại khó khăn, qua phà cách trở. Nay có cầu ai cũng vui, đi lại thuận tiện”.

{keywords}

Bà Sen và cháu Bin vui mừng lên cầu xem đèn trước giờ thông xe.

Bà Sen (59 tuổi, cùng ở xã Đại Phước) bế cháu ngoại 8 tháng tuổi ra cầu Cổ Chiên lúc đèn cầu vừa đỏ. Ai cũng rôm rả, ngồi ngắm dàn đèn sáng 2 bên cầu mà ngỡ như là một giấc mơ...

Quốc Huy