- Chủ trương của Bộ GTVT về sửa đổi quy định pháp lý để cấp thêm giấy phép lái ôtô số tự động nhanh chóng thu hút sự quan tâm của dư luận. Đa số ý kiến độc giả đều cho rằng, việc cấp riêng GPLX số tự động sẽ gây tốn kém, rườm rà và thực sự không cần thiết.

"Khoét lỗ cho chó, mèo đi riêng"

Trên VietNamNet, độc giả gửi ý kiến từ email Chinhdang...@yahoo.com cho biết: "Việc cấp riêng giấy phép lái xe số tự động giống như cùng một bức tường mà khoét 2 lỗ to nhỏ khác nhau cho chó và mèo đi riêng".

Bằng lý lẽ riêng của mình, nhiều độc giả phân tích rất xác đáng. Cụ thể, bạn đọc ở email Dacphim...@yahoo.com cho biết: "Tôi đồng tình với ý kiến của nhiều bạn là chỉ cấp 1 giấy phép lái xe ô tô trong đó qui định người lái xe phải được học và thi đậu với 2 kỹ năng xe số tay và số tự động. Xe ô tô thì cũng tương tự xe gắn máy thôi, chỉ cần thông hiểu cơ chế hộp số tay và tự động là dễ dàng điều khiển cả 2 loại xe".

{keywords}

Một số độc giả cho rằng, việc cấp riêng bằng lái sẽ gây tốn kém, cồng kềnh và đi ngược với tiêu chí "tinh gọn thủ tục hành chính" (Ảnh minh họa)

"Thực tế, kĩ năng lái xe không khác nhau, chỉ khác nhau một chút ở việc sử dụng phương tiện. Tạo thêm loại bằng mới vừa gây tốn kém cho người dân vừa phức tạp trong quản lý. Như xe máy cũng đâu cần 3 bằng lái cho 3 loại xe côn tay, xe côn tự động, xe tay ga" - bạn đọc có email Dovietanh.th@gmail.com bổ sung.

Một số độc giả cũng cho rằng, việc cấp riêng bằng lái sẽ gây tốn kém, cồng kềnh và đi ngược với tiêu chí "tinh gọn thủ tục hành chính" mà nhà nước đang hướng tới.

“Một người đã được đào tạo bài bản bằng xe số sàn thì không có lý do gì mà không lái được xe số tự động. Dù rằng hiện nay, xe ô tô đa phần là số tự động, nhưng đào tạo cấp GPLX có liên quan đến ATGT, đến tính mạng của hàng chục triệu người tham gia giao thông, nên thi càng khó càng hạn chế tai nạn”, chị Lê Hà (Kim Mã, Hà Nội) có ý kiến.

Tương tự, bạn đọc Nguyễn Huy phản bác: "Nếu tôi có bằng lái xe số tự động, nhưng vì lí do nào đó phải đi mượn xe số sàn của bạn bè để đi công việc, thì như vậy tôi không lái được à?".

Trên báo Tuổi trẻ, độc giả tên Thắng nhận định: "Theo tôi nghĩ, do đi ẩu hoặc kỹ năng lái xe còn yếu nên gây tai nạn chứ một khi đã hình thành kỹ năng vững và tập trung khi lái xe thì xe số sàn hay số tự động đều như nhau cả. Một khi đã lái tốt xe số sàn thì cũng sẽ lái tốt xe số tự động, còn chuyện đạp nhầm chân phanh và ga thì xe nào cũng có thể nhầm được cả".

"Những tai nạn do đi số tự động trong thời gian vừa qua không phải do không học lái xe tự số tự động mà do khâu đào tạo còn nhiều vướng mắc và do không lái xe thường xuyên (có bằng để túi, mỗi năm chỉ lái xe một vài lần)", anh Lê Long cũng đồng tình.

Giải pháp

Một số độc giả cũng đề xuất nhiều giải pháp đào tạo sử dụng và lái cả hai loại xe số sàn và số tự động nhưng chỉ dùng một tấm bằng duy nhất.

Trên diễn đàn của một tờ báo mạng, độc giả Lê Tuấn nói: "Nên áp dụng như cũ, tức là những ai đã và đang có bằng lái ôtô hạng B1, B2 như hiện nay vẫn được sử dụng và lái cả hai loại xe số sàn và số tự động. Còn lại các Trung tâm đào tạo lái xe nên tiếp tục đào tạo cho học viên thành thạo và thi đồng thời cả hai loại xe trên và vẫn cấp bằng lái xe như cũ, để học viên khi ra trường chỉ vẫn tấm bằng trên đều đi được cả hai xe".

"Giấy phép lái xe không quyết định đến việc an toàn giao thông quan trọng là chương trình đào tạo lái xe như thế nào. Theo tôi, vẫn cấp một bằng duy nhất để tránh phiền phức cho người dân cũng như cơ quan quản lý. Vấn đề quan trọng nhất là phải đào tạo và sát hạch cả xe số tự động cũng như số sàn, tăng thêm thời gian sát hạch thực tế đường trường", một độc giả khác nói.

{keywords}

Thay vì tranh cãi về bằng chung, riêng, đa số độc giả đều nhận định rằng, nâng cao chất lượng giảng dạy là việc cần thiết hơn

Thay vì tranh cãi về bằng chung, riêng, đa số độc giả đều nhận định rằng, không cần phải "sáng tạo" thêm một loại bằng nữa làm gì, hãy nâng cao chất lượng giảng dạy. Bên cạnh đó, nơi đào tạo lái xe cần có hai loại xe, số sàn vào số tự động. Nên việc dạy cho người học lái được cả hai loại số sàn và số tự động mới là điều bộ GTVT nên làm.

"Tại sao không đưa vào giảng dạy 50% số buổi học thực hành bằng xe số sàn, 50% số buổi bằng xe số tự động. Bằng thì được lái cả 2 loại xe, thế có phải vừa đơn giản, vừa dễ quản lý hơn không", một người đọc khác góp ý. Độc giả này cũng cho rằng, với bất kỳ đối tượng nào, muốn học và thi lấy GPLX thì bắt buộc phải học số sàn trước, sau đó sẽ bổ túc thêm thời gian học số tự động.

Tuy nhiên, chủ trương cấp riêng giấy phép lái xe này cũng rất được lòng một bộ phận độc giả, nhất là nữ giới đang có nhu cầu lấy bằng lái xe.

"Tôi thấy việc chia bằng này là rất hợp lý,  điều khiển 1 ô tô chạy số tự động đơn giản hơn rất nhiều 1 chiếc ô tô chạy số sàn (giống như xe máy phổ thông và xe máy phân khối lớn tay côn). Việc phân chia này phải đi cùng việc giảm các khâu trong thi cử lấy bằng lái xe. 

Tôi học bằng B2 nhưng từ lúc lấy bằng đến nay tôi chưa lái lại bất kì 1 xe số sàn nào. Tôi nghĩ việc này là nên làm, các nước phát triển họ cũng làm như vậy mà. Song song với việc này nên chia cấp bằng ra, VD bằng số tự động chỉ có giá trị 1 năm, sau khi được cấp chứng chỉ đã có bao nhiêu giờ lái xe thì mới được lên bằng có thời hạn lâu năm hơn", độc giả Lân Trần chia sẻ.

Đồng tình, một độc giả khác nói: "Vợ tôi học lái xe sàn rất vất vả, thi mấy lần mới đỗ, nhà lại có xe số tự động. Nên nếu học, thực hành và thi bằng xe số tự động thì sẽ dễ dàng. Sau này lái xe tự động của gia đình. 

Theo tôi hiểu thì ý của ngành giao thông là: Có 2 loại bằng lái xe, một là bằng lái xe thông thường như hiện nay đang sử dụng(được phép điều khiển cả số sàn và số tự động) và một là bằng lái xe tự động(chỉ điều khiển xe tự động). Như vậy các bằng lái cấp rồi sẽ không cần cấp lại, vẫn sử dụng bình thường cho cả 2 loại xe".

Lê Lan (tổng hợp)