- Sau 5 năm với những lời hứa suông, chủ đầu tư đã chính thức thừa nhận không còn khả năng phục hồi dự án. Nhìn lại, dự án thép nghìn tỷ đã 'gieo' cho địa phương này nhiều trái đắng. Từ chỗ biểu tượng thu hút đầu tư, nay trở thành nỗi ám ảnh.

Dự án nghìn tỷ 'chết', ngân hàng chia đống sắt vụn

“Cái quan trọng nhất là xử lý hệ lụy. Giờ đã thu hồi thì phải thanh lý, có là sắt vụn cũng phải thanh lý... ”, GĐ Vietcombank Hà Tĩnh chia sẻ.

Nhà máy thép nghìn tỷ thành nơi chăn bò

Những hình ảnh mới nhất khi tỉnh Hà Tĩnh đã chính thức thông báo chấm dứt hoạt động Nhà máy liên hợp gang thép Vạn Lợi (Vũng Áng, Hà Tĩnh).

Rầm rập đầu tư rồi im bặt

Đến bây giờ ông Võ Tá Nam, PGĐ Ngân hàng phát triển chi nhánh Hà Tĩnh vẫn nhớ như in những ngày đầu khi mới triển khai dự án. Sau khi triển khai dự án, Cty CP gang thép Hà Tĩnh đã mời Tổng thầu ECP Trung Quốc triển khai nhập máy móc, thiết bị để tiến hành lắp đặt, xây dựng.

“Lúc đó vào trong nhà máy là 1 đại công trường nhộn nhịp, phía tổng thầu TQ đưa hàng trăm người sang lắp đặt, rất nhộn nhịp. Ai cũng nghĩ dự án sẽ thành công như tính toán ban đầu và cam kết của chủ đầu tư. Thời điểm đó nhà máy thép này được xem là biểu tượng đầu tư của Hà Tĩnh”, ông Nam nói.

{keywords}

Có dư luận cho rằng sở dĩ các nhà đầu tư mới khi vào đánh giá DA để mua lại đã quay đầu, họ không tin rằng DA đã đầu tư hơn 1000 tỷ đồng. Cần có 1 cuộc kiểm toán để biết được DA này đã thực sự đầu tư bao nhiêu.

Có thể nói, DA này nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh. Tại thông báo số 133 ngày 4.6.2007 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đánh giá: DA này thành công sẽ khai thác tối đa tiềm năng khoáng sản của tỉnh, góp phần tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm cho người lao động.

Số lượng lao động sẽ được nhận làm việc trong nhà máy sẽ là 1.200 người, và hàng nghìn lao động phụ trợ ngoài hàng rào nhà máy.

Thậm chí, lúc đó tỉnh còn rất lạc quan khi cho rằng “nhà máy luyện phôi thép quy mô 500.000 tấn/năm (gian đoạn 1 là 250.000) bắt đầu khởi công và xây dựng từ tháng 6/2007, phấn đấu chậm nhất đến cuối 2008 có sản phẩm nhằm góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển công nghiệp của tỉnh trong kế hoạch 2006-2010”.

Ngoài việc khuyến khích các ngân hàng tham gia góp vốn cho DA, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã “hết sức tạo điều kiện” cho dự án này, với mong muốn thành công sớm.

Đặc biệt là việc ưu tiên cho Cty Gang thép HT sỡ hữu nhiều mỏ quặng ở Hương Sơn, Vũ Quang từ Cty khoáng sản thương mại HT (Mitraco). Và cho góp vốn 5% trong tổng số 24% của Mitraco tại Cty sắt Thạch Khê.

Để đáp ứng cho việc xây dựng nhà máy luyện than cốc, Thường vụ Tỉnh ủy đã có văn bản chỉ đạo UBND tỉnh cho phép Cty TNHH Vạn Lợi (cổ đông chính dự án) thăm dò, khai thác than trên toàn tỉnh. Không cho đơn vị khác thăm dò khai thác thua mua than trên toàn tỉnh.

UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã tiến hành họp hàng chục cuộc họp mỗi năm, ra nhiều thông báo, kết luận để làm sao tạo điều kiện thuận lợi nhất cho dự án, để sớm có ngày “hái quả”.

Đặc biệt là việc thúc đẩy các ngân hàng giải ngân vốn, gia hạn nợ, gia hạn thời gian thu tiền thuê đất…

Ngưng trệ rồi “chết”

Kể từ năm 2010, khi dự án vào giai đoạn khó khăn và ngưng trệ thi công, phía Tổng thầu TQ đã rút toàn bộ công nhân về nước, nhà máy thép nhộn nhịp hàng trăm con người dần dần chỉ còn mấy người bảo vệ.

{keywords}

Nhà máy thép Vạn Lợi từ chỗ biểu tượng của thu hút đầu tư, trải thảm đỏ của Hà Tĩnh thành nỗi ám ảnh của các ngân hàng và chính quyền địa phương.

Tỉnh đã tổ chức hàng trăm cuộc họp để bàn giải pháp cứu vãn dự án. Ngoài việc yêu cầu Chủ đầu tư kiếm tìm nguồn vốn, đối tác mới để có đủ vốn đối ứng, ngân hàng sẽ tiếp tục giải ngân.

Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cũng đã chủ động liên lạc một số “ông lớn” cùng tham gia để phục hồi DA.

Tuy nhiên, mọi nỗ lực đều không có kết quả, chỉ vì chủ đầu tư không thể có đủ vốn và không còn quyết liệt thực hiện!

Trong tất cả các thông báo về tình hình dự án gửi tới chủ đầu tư, UBND tỉnh Hà Tĩnh đều gửi thông điệp, nếu không tiếp tục triển khai sẽ thu hồi dự án.

Và phía chủ đầu tư tiếp tục hứa. Nhưng rồi sau những lần thông báo đó, chủ đầu tư lại im bặt, và tỉnh cũng không thu hồi DA như tuyên bố.

Ông Nguyễn Hữu Lực, GĐ Ngân hàng Vietcombank chia sẻ, nhìn đống tài sản (máy móc thiết bị) phơi nắng phơi mưa nhiều năm, các ngân hàng cũng ngồi trên đống lửa, rất nóng ruột.

Và các ngân hàng cũng đã chủ động tìm kiếm, hỗ trợ chủ đầu tư trong việc cơ cấu lại Cty, mời gọi nhà đầu tư mua lại dự án.

“Phía tập đoàn thép Pomina cũng đã bỏ công sức, tiền của để đến kiểm tra để đầu tư, tuy nhiên do không thể đánh giá tổng mức đã đầu tư như thế nào, hồ sơ máy móc thiết bị phía tổng thầu TQ không giao nên không làm được gì”, ông Lực nói.

Ảnh hưởng nghiêm trọng

Khi có thông báo chấm dứt hoạt động dự án, các ngân hàng đều rất lo lắng khi số tiền hơn 700 tỷ đồng đã cho vay, nay không có khả năng thu hồi.

{keywords}

Nhà máy sắt Vũ Quang, 1 trong những nạn nhân chết theo DA từ 5 năm nay. Quặng không được bán, gần 200 công nhân không có việc làm, nợ hàng trăm tỷ đồng tiền lương, bảo hiểm…

Các ngân hàng ngày đêm theo dõi tình hình bảo vệ tài sản, và cố gắng liên lạc với chủ đầu tư để họp bàn xử lý khi DA bị thu hồi.

“Dự án chết khiến ngân hàng chết theo. Nói thật nếu không dừng lại thì đang giải ngân nhiều nữa. Vì tổng cam kết là hơn 1.000 tỷ, mới chỉ giải ngân hơn 1 nửa. Giờ quan trọng là làm sao phải bảo vệ được tài sản trong DA”, ông Kiều Đình Hòa, GĐ BIDV Hà Tĩnh chia sẻ.

Kể từ khi DA đình trệ, trong các thông báo, kết luận nhiều năm qua của UBND tỉnh đều có câu: Việc DA ngưng trệ đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh tế của dự án, môi trường đầu tư, sự phát triển KTXH của tỉnh và đặc biệt làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động và uy tín của các ngân hàng cho vay vốn.

Trong báo cáo ngày 30/5/2014 của Cty CP gang thép Hà Tĩnh, lãnh đạo Cty này vẫn tiếp tục khẳng định tính khả thi cao của dự án này và tiếp tục đưa ra các phương án trong việc cơ cấu lại vốn, cổ đông, để làm sao có vốn tự có khoảng 100 tỷ đồng, cộng thêm 220 tỷ các ngân hàng cho vay, sẽ phục hồi được dự án.

Thế nhưng, tất cả những phương án đưa ra đều không thực hiện được, cổ đông mới không tham gia, cổ đông cũ (Vạn Lợi) không quyết liệt thực hiện. Và câu chuyện thiếu vốn trầm trọng lại tiếp tục diễn ra.

Sau 5 năm với những lời hứa suông, tại cuộc họp trong tháng 4/2015, chủ đầu tư đã chính thức phải thừa nhận không còn khả năng phục hồi dự án và đề nghị xử lý theo quy định.

Và đó cũng là điểm kết thúc cho một sự khởi đầu, đó là câu chuyện xử lý hệ lụy, hậu quả của dự án. Chắc chắn còn rất phức tạp.

Duy Tuấn – Hoàng Sang