- Nếu tình yêu là thứ khiến người Chứt lâm vào những bi kịch xót lòng của thực trạng hôn nhân cận huyết thì cũng chỉ có nó mới cứu rỗi được số phận đồng bào ở bản Rào Tre. Rất nhiều phương án được BĐBP Hà Tĩnh vạch ra chỉ nhằm một mục đích: Đưa tình yêu của người Chứt vượt khỏi thung lũng Rào Tre ra thế giới bên ngoài.
Những chuyện đau lòng dưới chân núi Ka Đay Lẽ dĩ nhiên, đời sống của họ đã có nhiều thay đổi, nhưng dường như cộng đồng dân tộc có vóc dáng nhỏ bé này vẫn còn mơ hồ, lạ lẫm với thế giới văn minh. |
Những cuộc “giải cứu” bất thành
Một ngày ở Rào Tre được bắt đầu bằng tiếng kẻng từ Trạm biên phòng Rào Tre (Đồn BP Bản Giàng).
Trẻ con dậy đi học, người lớn dậy đi làm. Nhìn qua rất đều đặn và qui củ, nhưng ẩn chứa sau vỏ bọc yên bình là những nỗi đau âm ỉ.
Không ít người thấy nghẹn lòng trước những tấn bi kịch vẫn xảy ra hàng ngày, thời điểm sau mấy chục năm họ về với thế giới văn minh. Đã có những phương án giải cứu người Chứt thoát khỏi thảm họa hôn nhân cận huyết. “Chữa cháy” có, dài hơi có, nhưng tất cả đều đang ở mức dang dở mà thôi.
Trạm biên phòng Rào Tre nằm ngay giữa bản, bên cạnh là cánh đồng Tò Vò.
Trung tá, Trạm trưởng Dương Thanh Tịnh, người đã 15 năm nay gắn bó với đồng bào Chứt ở đây lo lắng: “Về hình thức, người Chứt thấp, nhỏ, cộng thêm ốm đau, bệnh tật, nhận thức hạn chế nên rất khó tìm ý trung nhân ngoài bản. Sức khỏe họ yếu lắm. Ngày mùa, anh em biên phòng cắm bản phải thay nhau đến tận từng gia đình một gọi họ ra đồng. Xắn tay vào làm cùng với họ.
Mình làm mười họ làm được một hai cũng đã là quý lắm. Cũng tội anh ơi. Ai đời thanh niên, trung niên trong bản gồng gánh tầm 2-3 chuyến đã đứng thở không ra hơi nữa rồi. Thuốc men cung cấp cho họ đầy đủ, nhưng không biết do di truyền hay do thực trạng hôn nhân cận huyết gây ra”.
|
Những đứa trẻ này đều không hay biết, chúng là sản phẩm của những cuộc tình đầy tội lỗi. Hôn nhân cận huyết đang làm người Chứt mai một nòi giống |
Trong một hoạt động nhằm tìm phương án giải quyết thực trạng hôn nhân cận huyết ở Rào Tre, Trạm biên phòng cắm bản đã điều tra tất cả thanh niên trong bản.
Cả bản có 14 thanh niên nhưng tỉ lệ rất chênh lệch. Trung tá Tịnh nói rằng, nếu không có các biện pháp tạo điều kiện đưa thanh niên ở đây đi giao lưu ở các bản khác thì tình hình chắc chắn không thể nào cải thiện được. .
Những năm 2005, nhạc sĩ An Thuyên, trong một lần công tác ở bản Rào Tre, chứng kiến đời sống đồng bào và những vấn đề nan giải họ gặp phải, ông đã tìm cách giúp đỡ.
Hai học sinh ưu tú nhất bản là Hồ Xuân Kham và Hồ Thị Đình Xuân được ông nhạc sĩ tốt bụng đưa ra học ở Trường ĐH Nghệ thuật quân đội (hệ trung cấp sáu năm).
Hồ Xuân Kham học nghề họa sĩ, còn Hồ Thị Đình Xuân học làm ca sĩ. Từ chính quyền địa phương cho đến lực lượng bộ đội biên phòng phấn khởi, vui mừng khôn tả.
Mừng vì hai đứa được đi học một phần, mừng nữa là vì “cuộc cách mạng” của chúng có thể trở thành tấm gương cho thế hệ trẻ người Chứt noi theo để phấn đấu thoát khỏi vòng lẩn quẩn ở Rào Tre.
Nhưng niềm vui ấy kéo dài được đâu chừng 3-4 năm thì thấy Kham với Xanh đòi về. Một đứa nằng nặc về lấy vợ, một đứa xin về nghỉ tạm một thời gian. Thì ra, dù học hành ở xa nhưng trong bụng Kham lúc nào cũng nghĩ về đứa em gái con cậu tên là Hồ Thị Xanh.
Mất một bó củi theo phong tục đồng bào, Kham cũng mất luôn tương lai đang rộng mở. Hai anh em trong họ lén lút ăn ở với nhau rồi có thai.
Bây giờ “niềm hi vọng của bản” đã có con, nhưng cuộc hôn nhân cận huyết thống của Kham và Xanh kết cục rất đắng lòng. Lần khám bệnh gần đây ở bản, Giáo sư Lê Đức Hinh từ trường Đại học Y Hà Nội về đã khẳng định: Đứa trẻ con nhà Hồ Xuân Kham và Hồ Thị Xanh phải mổ gấp vì bệnh. Khổ nỗi, gia đình Kham với Xanh không có một đồng nào.
Tấm lòng của nhạc sĩ An Thuyên với Rào Tre xem như đổ xuống sông xuống bể. Phải tìm cách khác thôi. Sau nhiều lần bàn bạc với anh em, Trung tá Tịnh từng đề xuất trong các cuộc giao ban rằng, có thể xin mở một phiên chợ tình ở Rào Tre.
“Tôi thấy ở nhiều nơi người ta mở các phiên chợ tình, đồng bào các dân tộc có điều kiện gặp gỡ giao lưu với nhau nên cũng nghĩ, nếu ở Rào Tre có được một phiên chợ tình như thế thì biết đâu tình hình có thể được cải thiện”,
Trạm trưởng trạm Rào Tre phân tích thế, nhưng rồi anh cũng nói luôn, muốn chợ gì cũng phải có đường trước đã. Khó lắm. Ngay cả phương án được khảo sát trình duyệt hẳn hoi như chuyện UBND tỉnh Hà Tĩnh đầu tư kinh phí xây dựng sơ đồ tộc hệ cho đồng bào Chứt cũng đang còn rất mơ hồ.
Sơ đồ tộc hệ này sẽ thể hiện rõ dòng, nhánh các gia đình có quan hệ bà con nhằm giúp cơ quan chức năng tại địa phương kiểm soát được vấn đề đăng ký kết hôn, khuyến khích bà con dân tộc Chứt kết hôn với các dân tộc khác.
Các cặp hôn nhân khác tộc và không cận huyết thống sẽ được chính quyền tạo điều kiện về đất đai, nhà ở cùng một khoản hỗ trợ nhất định để ổn định đời sống…
Và còn nhiều phương án khác, nhưng chưa thấy áp dụng cụ thể thế nào.
Chỉ có một con đường!
Một phương án được xem là khả thi nhất mà trên dưới cáp cấp ban ngành ở Hà Tĩnh đều đồng thuận, đấy là phải làm một con đường xuyên rừng nối từ bản Rào Tre sang các bản làng vùng miền núi tỉnh Quảng Bình để người Chứt có cơ hội giao lưu, tìm hiểu các dân tộc khác.
Nếu không có giải pháp kịp thời, người Chứt lại rơi vào vòng xoáy tội lỗi. Và, lại sẽ tiếp tục có những đứa bé vô tội không lành lặn được sinh ra trong những cuộc hôn nhân cận huyết. |
Thì ra, từ nhiều năm trước, trai gái người Chứt ở Rào Tre đã băng rừng hò hẹn với trai gái ở những bản làng người Rục, người Mã Liềng, người Chứt ở những khu vực giáp ranh với tỉnh Hà Tĩnh.
Những cuộc tình của họ vô cùng gian nan, khổ ải. Để có thể hò hẹn được nhau, người bản này phải băng đường rừng khoảng chừng 15km để đến được bản kia.
Nhanh thì mất một ngày đường, chậm phải một ngày một đêm. Cũng đã có người Rục bên ấy theo người Chứt về bên này và người Chứt ở Rào Tre đi về làm dâu bên ấy.
Những cuộc hôn nhân không có đám cưới. Tự do đến, tự do đi, kết cục chẳng đâu vào đâu.
Được một thời gian, những cuộc tình xuyên rừng không còn nữa. Phần vì đường sá đi lại xa xôi, phần vì thanh niên các bản nẩy sinh mâu thuẫn, có đi cũng bị chặn đánh nên “con đường tình yêu” luồn rừng núi Ka Đay bị bỏ, trở thành “lộ tuyệt tình”.
Được biết, năm 2014, đại diện MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh cũng đã đề xuất tỉnh Hà Tĩnh lập dự án trình Chính phủ mở đường nối bản Rào Tre sang Quảng Bình để thanh niên giao lưu, tìm hiểu đi đến hôn nhân nhưng tất cả cũng chỉ mới dừng lại ở ý tưởng và đề xuất. Rào Tre trở lại cảnh một thung lũng khép kín.
Áp lực hôn nhân cận huyết của đồng bào càng trở nên bức thiết khi Trường ĐH Y Hà Nội đã thực hiện nghiên cứu về nhân trắc học đối với 34 hộ gia đình người Chứt ở bản Rào Tre.
Kết quả khảo sát và đánh giá bước đầu cho thấy nguy cơ suy thoái giống nòi người Chứt ngày càng lớn bởi hôn nhân cận huyết thống, nhiều bệnh tật và dị tật bẩm sinh, tỉ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng rất cao, tuổi thọ bình quân thấp…
Đang dở câu chuyện với chúng tôi, anh Tịnh phải chạy đi vì người đàn ông tên Hồ Púc lên gọi có người bị đánh. Hồ Púc nguyên là thầy mo của bản, tài cán chỉ vài ba bài cúng, lại hay rượu nên từ lâu dân bản không còn tin tưởng nữa. Púc bị Hồ Mẹt chặn đánh trên đường đi lấy củi vì nghi ngờ có quan hệ mờ ám với vợ anh ta.
Người Chứt thế mà ghen tuông 'kinh hoàng'! Trung tá Tịnh gọi Mẹt lên trình bày rõ đầu đuôi, gã nói thế này: Em đi rừng, vợ em ăn nằm với thằng em trai tên Hồ Lô, em đánh nó thì nó khai ngủ với nhau cả chục lần rồi. Em đánh Hồ Púc vì tưởng là Hồ Lành (bố vợ), ông Lành biết chuyện chị em nó ngủ với nhau mà không nói với em.
Không biết Trung tá Tịnh khuyên giải ra sao mà Mẹt cũng chịu về. Người nhiều năm gắn bó Rào Tre, xem đồng bào ở đây như ruột thịt của mình nói giọng không thể buồn hơn: “Đó. Những chuyện như thể các anh bảo nếu chỉ nghe kể không biết người ngoài có chịu tin không. Thực tế đúng như thế đấy. Hôn nhân cận huyết cũng xuất phát một phần từ nguyên nhân mất cân bằng giới tính của người trong bản mà ra”.
Hoàng Sang – Duy Tuấn
(còn nữa)