Điều đặc biệt, trên đầu mỗi xe đều có gắn “phù hiệu” độc là “6879”, được người dân dịch nôm na là “lộc phát thần tài”.
Xe hổ vồ gắn ký hiệu là 6879 |
PV vừa nhận được phản ánh từ một số doanh nghiệp vận tải tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh về việc trên địa bàn này đang tái xuất hiện tình trạng xe chở quá tải. Đặc biệt là có một số lượng khá lớn xe Howo gắn chung một “phù hiệu” được “đặc cách” chở quá tải mà không bị xử lý.
Từ thông tin trên, ngày 2/6, PV đã thực tế tại huyện Kỳ Anh. Theo quan sát, ngay trên QL1 có nhiều xe Howo ba chân “thùng khủng” - loại xe nhập khẩu trước Thông tư 32, chở vật liệu xây dựng trên đường.
Các xe này đều chở đá, base nêm chặt thùng di chuyển từ hướng các mỏ đá phía Tây thị xã Kỳ Anh ra Khu kinh tế Vũng Áng và công trường Formosa. Với thể tích thùng từ 15-20m3, ước tính các xe này chở từ 15 cho đến hơn 20 tấn đá (loại xe này được chở tối đa 9 tấn hàng hóa).
Điều đặc biệt, trên đầu mỗi xe đều có gắn “phù hiệu” độc là “6879”, được người dân dịch nôm na là “lộc phát thần tài”.
Xe chở đá đến mép thành thùng |
Thấy hiện tượng lạ, trùng khớp với phản ánh của doanh nghiệp, PV gọi điện thoại thông báo cho PGĐ Sở GTVT Hà Tĩnh Trần Quang Tuấn. Ông Tuấn cho biết, đã nhận được thông tin phản ánh như trên: “Tôi cũng đã chuyển thông tin doanh nghiệp phản ánh cho lãnh đạo công an tỉnh, đồng thời cử lực lượng TTGT bí mật theo dõi, xác minh thông tin”, ông Tuấn cho biết.
Đến khoảng 14h cùng ngày, PV tiếp tục bắt gặp thêm hai xe mang “phù hiệu” 6879 gồm BKS 37C-058.71 và xe còn lại chỉ có biển thiếu số 29C-488 ngay trên QL1, tuyến tránh thị xã Kỳ Anh.
Trong hai xe này, có một xe đang chở đá với số lượng “khủng”, không che phủ bạt nghênh ngang đi trên đường hướng từ khu vực mỏ đá ra công trường Formosa. Xe còn lại đậu bên đường không có biển số treo trên đầu và đuôi xe theo quy định, dãy số trên thùng xe cũng không đầy đủ. Tuy nhiên ở đầu và hai bên hông cabin của xe BKS 29C-488 lại có “phù hiệu” 6879 được in rất to và rõ ràng (!?).
Một lần nữa, PV gọi điện thông báo cho PGĐ Sở GTVT Trần Quang Tuấn. Ngay khi nhận được thông tin, ông Tuấn đã trực tiếp gọi điện cho Đại tá Nguyễn Văn An, PGĐ Công an tỉnh và điện thoại đề nghị Thượng tá Lưu Văn Tiến, Phó trưởng Phòng CSGT Hà Tĩnh, kiêm Tổ trưởng tổ chuyên bắt xe quá tải đang làm việc tại địa bàn huyện Kỳ Anh, triển khai lực lượng bắt xe quá tải mà PV phản ánh.
Theo ông Tuấn, trường hợp phát hiện xe quá tải là của mỏ thì chúng tôi sẽ đề nghị tỉnh cấm mỏ, xe của doanh nghiệp vận tải thì sẽ đình chỉ hoạt động doanh nghiệp. Đến 16h11 chiều cùng ngày, PGĐ Sở GTVT Hà Tĩnh thông báo lại, Tổ liên ngành đã cân kiểm tra và xử lý hai xe mang “phù hiệu” 6879, cả hai xe đều quá tải.
Thế nhưng, vào lúc 18h, khi PV tới gặp tổ công tác xin số liệu kết quả xử lý hai xe 6879, tổ công tác lại đưa ra hai kết quả cân kiểm tra xe khác, BKS 29C - 355.28, BKS 29C - 355.32, đây đều là xe không cơi thùng và mức quá tải chỉ là 21% và 28%.
Thượng úy Lương Tuấn Anh, Tổ phó Tổ liên ngành cho biết: “Sau khi cân, lập biên bản, hạ tải và tạm giữ giấy tờ theo quy định, chúng tôi đã cho xe đi rồi”. Về “phù hiệu” 6879, Thượng úy Lương Tuấn Anh khẳng định: “6879 không phải tên công ty hay doanh nghiệp nào cả, đó là do nhà xe tự dán đó thôi”.
Theo tìm hiểu của PV, các xe dán “phù hiệu” 6879 đều xuất phát từ mỏ đá Rú Con, xã Kỳ Liên. “Phù hiệu” 6879 chỉ là ký hiệu đặc biệt mà các tài xế hoặc chủ xe tự dán vào đầu xe của mình. Còn mục đích của việc dán “phù hiệu” 6879 thì vẫn còn là “ẩn số”, cần sớm được làm sáng tỏ (!?)
(Theo báo Giao thông)