- “Để nguyên cả bao bố, lưới như vậy là kiểu làm ăn dối trá, chụp giật lấy tiền của dân. Trong quy trình trồng cây bóng mát, trồng rừng không bao giờ ai làm thế”, nhà lâm nghiệp Lê Huy Cường gay gắt.
Cây bật gốc trong dông lốc, lộ cách trồng rất... lạ Cơn mưa dông cực lớn bất ngờ đổ ập xuống Hà Nội vào khoảng 17h ngày 13/6, khiến nhiều cây xanh đổ la liệt trên các tuyến phố. Tuy nhiên, sau cơn dông này, người ta cũng tình cờ phát hiện cách trồng cây rất "lạ" ở Thủ đô... |
Nhà lâm nghiệp Lê Huy Cường - Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp cho biết, ngay sau khi Hà Nội xảy ra dông lốc khiến hàng loạt cây mới trồng bị bật gốc, lộ ra bầu đất còn bọc nguyên túi nilon, bao dứa, đã có rất nhiều người bức xúc gửi ảnh cho ông.
Ông khẳng định chắc chắn quy trình này sai 100%, không thể tha thứ được. Việc trồng cây như vậy khiến cây không thể phát triển và bị chết.
Những gốc cây mới trồng trên phố Lê Duẩn bị bật gốc, lộ nguyên cả bao dứa, dây dợ chằng chịt. Ảnh: Nhị Tiến. |
Theo đúng quy trình, trước khi trồng cây xuống hố phải rạch túi bầu, nếu trồng cẩn thận phải đào đất lên, đổ đất màu, đổ phân rồi mới đưa cây vào chứ không thể đặt nguyên bịch cây còn nguyên cả bọc nilon, dây dợ như vậy.
“Để nguyên cả bao bố, lưới như vậy là kiểu làm ăn dối trá, chụp giật lấy tiền của dân. Trong quy trình trồng cây bóng mát, trồng rừng không bao giờ ai làm thế”, ông Cường gay gắt.
Ông thấy lạ khi trồng nhanh, trồng ẩu vậy mà không ai kiểm tra, giám sát, đến khi dông lốc mới bị lộ.
Theo ông Cường, với túi nilon 100 năm vẫn chưa phân huỷ được, bao dứa hay lưới cũng là dạng tương tự.
TS. Nguyễn Tiến Hiệp - Trung tâm bảo tồn thực vật Việt Nam cũng cho biết, ông đã ra tận nơi xem cây đổ và nhận thấy không có cây nào đâm xuyên qua được lớp lưới bọc chằng chịt.
Trường hợp cây sống được, rễ cũng chỉ quẩn quanh trong bọc vì lưới hay bao dứa phải vài chục năm mới phân huỷ.
“Họ làm ẩu quá. Nhận tiền xong là cứ trồng cho có vậy thôi. Cái này phải phản đối vì quá thiếu trách nhiệm”, ông Hiệp nói.
Trước phản ứng của dư luận, trao đổi với báo chí, đại diện Công ty TNHH Một thành viên Công viên cây xanh cho rằng có thể công nhân đã sử dụng chất liệu lưới sai quy định và hứa sẽ rà soát toàn bộ quy trình trồng những cây bị đổ.
Cây bị cắt tỉa oan!
Nhà lâm nghiệp Lê Huy Cường khẳng định, bên cạnh việc lựa chọn trồng cây gì thì công tác cắt tỉa cành cây là tối quan trọng. Nếu không chịu cắt tỉa, cành lá xum xuê thì trận gió nhẹ cũng đổ.
Theo ông Cường, có một điểm đáng lưu ý, ở các nước họ tiến hành bấm ngọn thường xuyên để khống chế chiều cao của cây nhưng ở Việt Nam không làm.
“Hạ tán rất quan trọng, là lẽ đương nhiên trong chăm sóc cây bóng mát nhưng mình không làm. Ví dụ cây 25m, giờ hạ tán chỉ còn 10-15m thôi, để cao lêu ngêu vậy gió cái là đổ. Tôi không hiểu do họ sợ tốn kém hay nguy hiểm mà không làm”, ông Cường thắc mắc.
Cùng chung băn khoăn về công tác cắt tỉa cây xanh, TS Nguyễn Tiến Hiệp nêu thực tế vừa qua không chỉ cây to đổ mà cây nhỏ cũng đổ. Nguyên do vì có tán nhưng không được chăm sóc, không phù hợp với bộ rễ, dẫn đến bị đổ.
“Ở ta cắt tỉa chẳng có khảo sát gì, cứ thấy vướng mắt là cắt, khiến nhiều cành, nhiều cây bị cắt oan”, TS Hiệp nói.
Theo ông Hiệp, khi cắt tỉa phải quan sát tổng thể cả cây xem tán lệch chỗ nào, cành nào sâu, cành nào vướng thì mới cắt. Nguyên tắc luôn là phải tỉa đều để bộ lá cân xứng với cây.
Thúy Hạnh