- Đại úy Vinh đã có lời ăn tiếng nói không đúng chuẩn mực của người chiến sỹ công an nhân dân, không rèn luyện tu dưỡng đạo đức nên chỉ vì mâu thuẫn nhỏ đã gây ra cái chết cho nạn nhân...nên cần xử lý nghiêm để răn đe.
14h30p: Bị cáo Ngô Văn Vinh và nhân chứng Trương Thành Chí được đưa đến tòa. HĐXX bước vào phòng xử án.
14h35p: Mở đầu phần làm việc buổi chiều là phần tranh luận của luật sư bảo vệ hợp pháp quyền và lợi ích cho phía bị hại.
Bị cáo Vinh trao đổi với luật sư trước phiên xử buổi chiều. Ảnh: Hùng Anh |
Luật sư bảo vệ bị hại đặt ra câu hỏi khẩu súng bị cáo sử dụng gây án và khẩu súng bị cáo được cấp phép khi thi hành công vụ có phải là một? Nếu là hai khẩu súng khác nhau thì bị cáo còn phạm thêm một tội danh khác là “tàng trữ, sử dụng vũ khí quân dụng”. Do vậy, nếu trả hồ sơ thì chỉ trả hồ sơ để điều tra Vinh có phạm tội nào nữa không? Tuy nhiên, tất cả nhân chứng và bị cáo đều khẳng định tại hiện trường chỉ có một khẩu súng duy nhất nên đề nghị của luật sư không cần thiết.
Thứ 2, luật sư của Vinh cho rằng cần sử dụng các hình ảnh từ camera ở trạm Suối Tre. Tuy nhiên, trên thực tế các camera này không được gắn tại hiện trường nơi xảy ra vụ án nên không cần thiết.
Luật sư bị hại thẩm vấn bị cáo Vinh. Ảnh: Hùng Anh |
Liên quan đến việc luật sư của Vinh cho rằng việc tách vụ án liên quan đến hành vi của nhân chứng Trương Thành Chí ra để xét xử riêng là vi phạm nghiêm trọng tố tụng. Theo luật sư của bị hại, hành vi của Chí cấu thành một tội danh hoàn toàn riêng biệt, không liên quan đến hành vi của bị cáo nên không vi phạm tố tụng, không làm thay đổi bản chất vụ án.
Đối với lời khai của bị cáo tại tòa cho rằng các nhân chứng khai không đúng, luật sư của bị hại cho rằng không có cơ sở. Bởi lẽ, tại tòa, trong số các nhân chứng có anh Phú – người bị trúng đạn vào đùi đã đề nghị không xử lý bị cáo, không yêu cầu bồi thường vì muốn bị cáo để tiền nuôi con. Điều này chứng tỏ anh Phú rất độ lượng với bị cáo, không có chuyện nhân chứng này cố tình khai không đúng sự thật.
Luật sư cũng cho rằng sau khi súng nổ khiến anh Phú bị thương nếu bị cáo không có chủ đích giết người thì bị cáo đã dừng lại. Đằng này, bị cáo tiếp tục giằng co với anh Sơn và nổ những phát súng tiếp theo. Hành vi của bị cáo là cố ý chứ không phải là vô tình gây ra cái chết cho nạn nhân, bị cáo quyết tâm thực hiện đến cùng hành vi phạm tội.
Từ các phân tích, luật sư phía bị hại cho rằng hành vi của Vinh đã phạm vào điểm n, khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự (giết người mang tính chất côn đồ) chứ không phải chỉ phạm vào khoản 2 Điều 93 Bộ luật Hình sự như cáo trạng truy tố.
Luật sư của bị hại cũng cho rằng bị cáo không ăn năn hối cải. Tại tòa, khi được hỏi, bị cáo cho rằng mình có lỗi. Tuy nhiên, bị cáo chưa một lần nói với bị hại một lời xin lỗi. Về khoản tiền yêu cầu bồi thường 3 tỷ đồng, luật sư cho rằng đối với việc mất mát đi người thân thì số tiền 3 tỷ đồng không thấm thía gì. Luật sư đề nghị HĐXX chấp nhận đề nghị của bị hại.
14h55p: Luật sư của bị hại kết thúc phần trình bày. Viện kiểm sát đối đáp với tranh luận của các luật sư.
Đại diện VKS bảo lưu quan điểm truy tố và khẳng định việc truy tố và xét xử bị cáo là không oan. VKS cho biết luật sư bảo vệ của bị cáo cho rằng hành vi của bị cáo phạm tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là không đúng.
Toàn cảnh phiên tòa. Ảnh: Hùng Anh |
VKS chỉ ra việc luật sư phân tích và tỷ lệ thương tích do bị hại Sơn gây ra bằng cách cấn trừ tỷ lệ thương tích nhân chứng Chí gây ra cho Vinh là không có cơ sở pháp lý. VKS không phủ nhận việc nạn nhân có hành vi trái pháp luật khi đánh bị cáo nhưng Viện khẳng định hành vi của bị hại đối với bị cáo chỉ dừng lại và được xem xét theo khoản 2 Điều 93 BLHS.
Tương tự, VKS cũng bác bỏ quan điểm của luật sư về việc cho rằng tách hành vi của Trương Thành Chí ra xét xử thành vụ án riêng là vi phạm tố tụng.
Đối với đề nghị sử dụng hình ảnh tại camera, VKS cho biết cơ quan tố tụng cũng đã xem xét. Tuy nhiên thực tế đúng là camera chỉ lắp đặt ngoài cổng. Các nhân chứng và nhân viên làm việc tại đây đều khai rằng các nhân viên đi làm về thường đi từ phía căn-tin đi lên chứ không đi phía cổng có camera. Do vậy, kiến nghị của bị cáo và luật sư là không cần thiết.
Về quan điểm của luật sư phía bị hại cho rằng bị cáo phạm tội mang tính côn đồ, VKS cũng cho rằng không có cơ sở. Theo VKS, nếu bị cáo cầm súng trực tiếp đi tìm anh Sơn và bắn anh Sơn thì hành vi phạm tội của bị cáo mang tính côn đồ.
Thế nhưng trong vụ án nguyên nhân xảy ra vụ án có một phần lỗi từ phía nạn nhân. Nạn nhân Sơn là lãnh đạo của bị cáo nhưng đã không đánh giá hết thái độ bực dọc của bị cáo, nghĩ rằng bị cáo không dám sử dụng súng để bắn mình nên đã tấn công bị cáo. Hành vi của bị hại là trái pháp luật nên cáo trạng truy tố bị cáo theo khoản 2 Điều 93 BLHS là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
15h18p: VKS kết thúc phần đối đáp với quan điểm của các luật sư. Sau đó, luật sư bào chữa cho bị cáo tiếp tục tranh luận lại.
15h30p: Bị cáo Vinh tranh luận lại với Viện kiểm sát. Bị cáo này cho rằng sự thật vụ án đã bị bóp méo, lời khai của các nhân chứng đều sai. Về việc thu thập hình ảnh từ camera, bị cáo Vinh nói dù camera chỉ lắp tại cổng, không được lắp tại nơi xảy ra vụ án nhưng camera sẽ ghi nhận ai về cơ quan trước, ai về sau. Theo bị cáo, từ đó để thấy rằng một số nhân chứng chưa vào trạm nhưng khai rằng có chứng kiến sự việc là không đúng.
Bị cáo Vinh cho biết "vô cùng ân hận" và có lời xin lỗi vợ bị hại. Ảnh: Hùng Anh |
15h40p: Vẫn giữ nguyên quan điểm, luật sư phía bị hại cho rằng đề nghị trên của bị cáo Vinh là không có cơ sở.
15h45p: Phiên tòa kết thúc phần tranh luận. Bị cáo được nói lời nói sau cùng trước khi HĐXX vào nghị án.
“Tôi vô cùng ân hận từ khi xảy ra vụ án đến nay. Tôi thật sự xin lỗi mẹ con chị Vân (vợ bị hại Sơn). Tôi cũng gửi lời xin lỗi đến Ban lãnh đạo trạm CSGT Suối Tre và anh em đồng nghiệp vì hành vi của tôi đã ảnh hưởng đến uy tín của ngành. Tôi cũng mong HĐXX xem xét đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung để làm rõ thêm một số tình tiết liên quan trong vụ án”, bị cáo Vinh nói.
15h49p: HĐXX tuyên bố bước vào phòng nghị án, sẽ ra tuyên án sau.
16h45p: HĐXX bước vào phòng xử. Chủ tọa Trần Thanh Tùng – thẩm phán TAND tỉnh Đồng Nai tiến hành tuyên án.
Căn cứ vào các chứng cứ có tại hồ sơ vụ án, trên cơ sở xem xét đầy đủ các chứng cứ, lời khai của bị cáo và các nhân chứng và diễn biến tại tòa, bị cáo khai thừa nhận đã nổ hai phát súng đầu tiên. Bị cáo không thừa nhận nổ súng bắn chết người bị hại.
Tuy nhiên, qua các chứng cứ thu thập được và hồ sơ vụ án có đủ cơ sở kết luận: ngày 22/9/2013 do có mâu thuẫn trước đó nên bị cáo Vinh đã bỏ về trạm CSGT Suối Tre lấy khẩu súng K59 xuống phòng người bị hại, yêu cầu nhân chứng Lâm gọi bị hại Sơn về nhưng người này không gọi
Khoảng 17h cùng ngày, bị hại Sơn về tới cơ quan và lên phòng tìm bị cáo. Người bị hại đã lao vào đánh bị cáo. Lúc này, nhân chứng Đoàn Thanh Phú lao vào can ngăn thì bị súng nổ bị thương. Trong lúc xảy ra xô xát, bị cáo đã nổ súng khiến nạn nhân Trần Ngọc Sơn tử vọng.
Hành vi của bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội giết người như cáo trạng đã nêu. Bị cáo là một đại úy CSGT đã có thời gian công tác dài nhưng không kiềm chế bản thân, không có lời ăn tiếng nói theo đúng chuẩn mực của người chiến sỹ công an nhân dân, không rèn luyện tu dưỡng đạo đức nên chỉ vì mâu thuẫn nhỏ đã gây ra cái chết cho nạn nhân, khiến đồng đội Trần Thanh Phú bị thương.
Tại phiên tòa bị cáo khai báo không rõ ràng, lời khai trước sau không thống nhất thể hiện sự thiếu thành khẩn. Tuy nhiên, trong vụ án, bị hại cũng một phần có lỗi khi xông vào đánh bị cáo trước, gia đình bị cáo đã bồi thường một phần cho bị hại, gia đình có công với cách mạng…nên cần xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo.
HĐXX xét thấy không có cơ sở chấp nhận quan điểm bào chữa cho bị cáo của các luật sư khi cho rằng hành vi của bị cáo không cấu thành tội giết người. Đối với quan điểm của luật sư cho rằng vụ án vi phạm tố tụng khi tách vụ án đối với Trương Thành Chí để xét xử riêng là không có cơ sở. Trong vụ án này, bị cáo Vinh bị truy tố và là bị cáo của tội giết người còn trong vụ án của bị cáo Chí thì Vinh là bị hại. Trong một vụ án, một người không thể vừa là bị cáo vừa là bị hại được nên việc cơ quan tố tụng tách vụ án ra là hoàn toàn phù hợp.
HĐXX cũng bác bỏ một số quan điểm còn lại của luật sư khi yêu cầu trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án. Đối với quan điểm của luật sư bảo vệ phía bị hại cho rằng bị cáo phạm tội mang tính côn đồ là không đúng vì nạn nhân cũng một phần có lỗi. Từ đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Ngô Văn Vinh 9 năm tù về tội “giết người”.
Về trách nhiệm dân sự, phía bị hại yêu cầu bồi thường tổng cộng là 3 tỷ đồng bao gồm tiền mai táng phí, trợ cấp nuôi 2 con là 20 triệu đồng/tháng, khoản lãi nợ phát sinh hàng tháng trên khoản tiền gốc 6 tỷ đồng mà bị hại Sơn đang phải trả mỗi tháng cho đến khi gia đình giải quyết được khoản nợ này…
Sau khi xem xét, HĐXX xét thấy chỉ có đủ cơ sở chấp nhận buộc bị cáo bồi thường tổng cộng 170 triệu đồng và cấp dưỡng nuôi 2 con bị hại cho đến khi các cháu trưởng thành.
Đối với trạm CSGT Suối Tre, HĐXX nhắc nhở ban lãnh đạo cần quan tâm đến việc giáo dục, quản lý cán bộ, quản lý vũ khí quân dụng, tránh việc để người lạ tự ý vào cơ quan, tránh xảy ra sự cố đáng tiếc như trên.
17h10p: Phiên tòa kết thúc.
Theo cáo trạng, khoảng 13g ngày ngày 22/9/2013, giữa Ngô Văn Vinh và “sếp” Trần Ngọc Sơn và bạn của Sơn có mâu thuẫn từ trước ở quán karaoke nên Vinh đã về trạm CSGT Suối Tre (tỉnh Đồng Nai) lên phòng tập thể lấy một khẩu súng K59 đã lên đạn và mở chốt an toàn. Vinh đến phòng nghỉ của thiếu tá Sơn đập cửa và chĩa súng vào người anh Trương Học Lâm (là người giữ xe ở trạm) đang ngủ bên trong. Khi không tìm thấy “sếp” Sơn, Vinh yêu cầu Lâm gọi điện thoại cho thiếu tá Sơn về gấp. Sau đó, Vinh về phòng nằm, để khẩu súng dưới gối ở đầu giường trong tình trạng đạn đã lên nòng và mở chốt an toàn. Khoảng 17g cùng ngày, thiếu tá Trần Ngọc Sơn về trạm lên phòng tập thể tìm Vinh. Hai bên xảy ra cự cãi. Sơn dùng tay đánh nhiều cái vào đầu, mặt của Vinh. Vinh thò tay lấy khẩu súng dưới gối ra. Khi đó thiếu tá Sơn vật, đè Vinh xuống đất để tước súng. Lúc này, anh Đoàn Thanh Phú cán bộ của trạm ngồi ở giường kế bên vào can ngăn thì Vinh bắn hai phát đạn, trong đó một viên đã trúng vào vùng bẹn của Phú. Trương Học Lâm, Trương Thành Chí (còn gọi là Trúc) đã xông vào hỗ trợ cho thiếu tá Sơn. Lúc đó, Vinh bắn thêm 4 phát đạn thì có hai phát trúng vào người thiếu tá Sơn. Lâm chụp tay Vinh thì súng nổ thêm hai phát nhưng không trúng ai. Khi thấy khẩu súng của Vinh đã hết đạn và rớt xuống nền nhà thì Trương Học Lâm buông Vinh ra. Mọi người ở trạm CSGT Suối Tre đưa Sơn, Phú và Vinh đi bệnh viện cấp cứu nhưng sau đó thiếu tá Trần Ngọc Sơn tử vong. Riêng Đoàn Thanh Phú bị thương tích với tỷ lệ thương tật 15% (tạm thời). Cũng theo cáo trạng, trong vụ án này bị cáo Ngô Văn Vinh đã bị thương tật toàn bộ là 40% trên người. Vinh khai do Trần Ngọc Sơn, Trương Thành Chí, Trương Học Lâm và một số người bạn của Sơn đánh tại quán karaoke ở tại thị xã Long Khánh và ở trạm CSGT Suối Tre. Vụ việc này cơ quan cảnh sát điều tra đã tách riêng thành vụ án “Cố ý gây thương tích”. Sau đó, công an thị xã Long Khánh cũng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can bắt tạm giam Trương Thành Chí. Trước đó, cơ quan công tố đã chuyển tội danh của nguyên đại úy Ngô Văn Vinh từ “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” sang tội “Giết người”. |
Mai Phượng