Một 'đế chế' mới hình thành nơi miền Tây xứ Nghệ: 'đế chế' đá đỏ - 'đế chế' của những trận huyết chiến kinh hoàng để tranh giành lãnh địa, 'đế chế' của máu và nước mắt. Quỳ Châu ngày đó, dường như chỉ có một màu: màu đỏ của những viên Ruby và màu máu...

Bài 1: 'Đế chế đá đỏ' và những trận huyết chiến
Tranh giành lãnh địa, chém giết, siết cò cướp mạng sống của nhau… có một thời, vùng đất Quỳ Châu như thế. Có người gọi thời kỳ hỗn mang đó là thời của 'đế chế đá đỏ'...


Màu ruby và màu máu

Đế chế đá đỏ xuất hiện từ khi rộ lên tin đồn: có người đang nghèo rớt mùng tơi, sau một đêm bỗng dưng trở thành tỷ phú vì nhặt được đá đỏ.

Một đồn muời. Mười đồn một trăm. Thế là dòng người tứ xứ lũ lượt đổ xô về Quỳ Châu để mong đổi đời. Giang hồ tứ xứ cũng lũ lượt kéo về đây, xưng hùng, xưng bá, mỗi người cát cứ một phương. Vùng đất Quỳ Châu đang yên bình bỗng dưng trở thành lãnh địa máu với những trận chém giết kinh hoàng.

Đồi Tỷ, nơi mà người dân nơi đây vẫn thường gọi là... đồi Tử. Máu từng nhuộm đỏ cả ngọn đồi này trong những cuộc thanh trừng giữa các băng đảng giang hồ. Đỉnh điểm là vụ sập hầm tháng 6/1991 làm 47 người thiệt mạng. (Ảnh: H.Sang)


Đến bây giờ, chẳng ai còn có thể nhớ nổi người tìm thấy đá đỏ đầu tiên ở mảnh đất này, người khơi nguồn lòng tham của con người, để rồi sau đó đưa họ vào cảnh tranh giành, chém giết lẫn nhau là ai. Nghe đâu, vào năm 1989, trong lần đi thăm dò khoáng sản ở khu vực đồi Tỷ (thuộc xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu) một đoàn kỹ sư vô tình phát hiện một viên đá đỏ “lạ” màu tiết bồ câu to bằng đầu ngón tay cái.

Thấy viên đá lạ, đoàn người này đưa về Hà Nội và nhờ các chuyên gia về đá quý nghiên cứu thử đó là loại gì. Cuối cùng, họ giật mình khi các chuyên gia hàng đầu về đá quý ở Myanmar, Thái Lan... xác nhận đó là viên đá hồng ngọc có tên là Rubi (thường gọi là đá đỏ).

Đây là một loại đá quý đứng đầu trong tất cả các loại đá quý. Viên đá Rubi mà đoàn kỹ sư phát hiện được ở khu vực đồi núi xã Châu Bình được một chuyên gia người Thái Lan mua với giá hơn 600.000USD.

Những viên đá màu đỏ này từng nhuốm máu của phu đào đá thời đó
 

Sau khi bán được viên đá đỏ với trị giá hàng tỷ đồng, kỹ sư địa chất lại âm thầm quay lại Châu Bình và thuê người dân bản địa đào đá đỏ. Cứ mỗi viên đá màu đỏ được tìm thấy, người dân được trả thù lao mấy triệu đồng. Thông tin về đoàn địa chất đang thuê người dân tìm đá đỏ chẳng mấy chốc bị lộ ra ngoài.

Hàng vạn người đổ về đây để tìm vận may. Một đế chế mới hình thành nơi miền Tây xứ Nghệ: đế chế đá đỏ, đế chế của những trận huyết chiến kinh hoàng để tranh giành lãnh địa, đế chế của máu và nước mắt. Quỳ Châu ngày đó chỉ có một màu: màu đỏ của những viên Ruby và màu máu.

Đại tá Nguyễn Hữu Cầu - PGĐ Công an tỉnh Nghệ An còn nhớ như in thời kỳ hỗn mang những năm 90. Ngày đó, lãnh đạo công an tỉnh Nghệ Tĩnh đã thành lập cả một Trung đoàn công an, cùng với 1 trạm Cảnh sát kinh tế đặc biệt mới ổn định được tình hình nơi đây - Ảnh: H.Sang

Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Phó Giám đốc công an tỉnh Nghệ An nhớ lại: Cuối năm 90, đầu năm 91, đấy là lúc vùng Quỳ Châu lên cơn sốt đá đỏ. Hàng vạn người từ khắp mọi miền đất nước đổ xô về đây. Đêm, có tới hàng ngàn người đỏ đèn, trốn lực lượng công an để vào đào đá.

Công an chặn chỗ này, họ lại lẻn chỗ kia. Đẩy đuổi khỏi đồi này, người dân lại trốn sang đồi khác. Tình hình bắt đầu trở nên nóng và phức tạp khi trên địa bàn liên tục xẩy ra các vụ chấn lột, các vụ thanh toán, đâm chém giữa các băng nhóm để tranh giành lãnh địa.

Lãnh đạo công an tỉnh Nghệ Tĩnh đã phải huy động tới trên dưới 100 chiến sỹ tăng cường cho vùng Quỳ Châu. Có cả một trung đội công an 791 cùng với Trạm cảnh sát vùng kinh tế đặc biệt (thường gọi là trạm 34) được thành lập tại “lãnh địa máu” để dẹp yên tình hình.

Phía dưới khu vực đồi Tỷ này, máu của phu đào đá đã đổ - (Ảnh: H.Sang)

Ngày đó, từ ngã ba Săng lẻ vào đến thị trấn Quỳ Châu, lực lượng công an đã phải lập 3 chốt chặn để kiểm tra người ra vào. Chế độ kiểm tra gắt gao như trong thời chiến. Những ai mang theo nhiều tiền, vũ khí đều bị tạm giữ lại để kiểm tra.

Thế nhưng, công an chặn chỗ này, người dân lại men theo chỗ kia. Con đường độc đạo QL 48 bị chặn, người dân tứ xứ lại men theo đường cánh gà. Trèo đèo, lội suối, vượt rừng… miễn làm sao đến được tới miền đất hứa -  nơi có thể nuôi giấc mộng đổi đời là họ đi.

Có vị cán bộ công an còn ví von: người dân ngày ấy đi đào đá đỏ giống như dân công ra hỏa tuyến. Những người là người. Người bạt ngàn cả cánh đồng, làng bản. Dân đi đào đá đỏ, người thì thuê nhà ở trong dân bản, kẻ thì lập trại dã chiến ở ngay gần đồi. Ngày ngủ, đêm đào.

Đêm nào cũng vậy, đứng trên đỉnh đồi nhìn xuống, những ngọn đèn dầu của dân đào đá đỏ còn nhiều hơn cả sao trên trời.  Trước, người dân ở Châu Bình chỉ có mỗi việc lên rừng tìm củi, xuống suối tìm cá thì nay bỏ hết, lao vào đào đá đỏ.

Một số cán bộ, giáo viên của huyện Quỳ Châu cũng chạy theo cơn sốt, bỏ công việc nhà nước để tìm vận may. Thủ phủ Châu Bình ngày đó được người ta ví là “vùng kinh tế năng động” bậc nhất của Nghệ An.

Những 'lãnh địa máu'

Ban đầu, người dân đổ xô đi đào ở đồi Hoa cỏ may (ráp gianh giữa địa phận xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp với Quỳ Châu). Sau một thời gian, phu đá lại chuyển sang đồi Triệu. Cơn sốt đá đỏ thực sự bùng phát khi đoàn người di chuyển từ đồi Triệu sang đồi Tỷ.

Những địa danh: đồi Triệu, đồi Tỷ cũng là do người dân đi đào đá đỏ khai sinh ra.

Thời kỳ cuối năm 90, khi đó chưa ai phát hiện ra những viên đá Ruby trị giá bạc tỷ ở Đồi tỷ, người dân tập trung về khai thác chủ yếu ở Đồi Triệu. Những cái hố sâu hoắm được đục khoét, lòng sông xanh rì bỗng chốc nhầy nhụa, biến thành màu đỏ quạch.

Khu vực đồi Triệu -  nơi mà người dân đổ xô về đào đá đỏ cuối năm 1990. (Ảnh: H.Sang)

Thường thì mỗi hầm có một người đứng ra cai quản, tự tôn là “bưởng trưởng”. Tính sơ sơ, cả đồi Triệu có tới gần 100 bưởng trưởng. Mỗi bưởng trưởng thường có khoảng 20-30 người đào hầm. Phu đá thời đó, ngoài những vật dụng cần thiết để đào hầm: xà beng, cuốc, rổ.. còn mang theo cả giao bầu.

Như một quy luật khắc nghiệt: ở đâu có đồng tiền, ở đấy thường có tranh chấp và đổ máu. Và nếu cần, họ có thể lao vào nhau, sẵn sàng đâm chém, lấy mạng sống của nhau chỉ vì đá.

Tuy nhiên, những bưởng trưởng này muốn yên tâm làm ăn, phải đặt dưới sự bảo kê của các băng nhóm giang hồ. Ăn chia không đều, hay gian lận, bưởng trưởng đều có thể phải bỏ mạng. Chính sự hà khắc của luật giang hồ nên không ít người đã bỏ xác nơi rừng xanh.

Giang hồ những năm cuối 90, được phân chia theo thế chân vạc: Đông có Sơn Cụt, Tây có Phương “tay trái” Bắc có Tường “lợn”. Cả 3 thay nhau cai trị một dải đất kéo dài từ ngã 3 Săng Lẻ vào đến thị trấn Quỳ Châu.

Hồ sơ Vi Văn Phong còn lưu giữ tại công an tỉnh Nghệ An. Sau những trận huyết chiến, sẵn súng và lựu đạn, kèm theo máu liều lĩnh, Phong 'trọc' sớm thống lĩnh giang hồ về một mối. Đế chế đá đỏ từ đây do Phong cai trị. (Ảnh: Q.Huy)

Đầu năm 1991, thế “tam quốc” bị lật đổ. Thiên hạ thuộc về một tên giang hồ từng có tiền án, tiền sự, nói như một cán bộ công an là “ngồi tù nhiều hơn ở ngoài đời” có cái tên Vi Văn Phong, thường gọi là Phong 'trọc'. Sau những trận huyết chiến, sẵn súng và lựu đạn, kèm theo máu liều lĩnh, Phong 'trọc' sớm thống lĩnh giang hồ về một mối.

Đế chế đá đỏ từ đây do Phong cai trị. Những cuộc chém giết, cướp bóc, chấn lột, hãm hiếp phụ nữ ngày càng nhiều hơn kể từ khi Phong soán “ngôi vương”.

Phong lên “ngôi vuơng” khi mà đoàn người đào đá đỏ bắt đầu chuyển từ đồi Triệu sang đồi Tỷ. Nghe đâu, tại đồi Tỷ, nhiều người đào được những viên đá có giá hàng trăm ngàn đô. Tại đây, phu đá đã khoét những cái hầm sâu hoắm vào trong lòng đất. Có những hố, sâu tới chừng hàng chục mét mà chỉ một người chui lọt.

Không biết bao nhiêu mạng người bỏ lại nơi đây vì sập hầm, vì chém giết để tranh giành lãnh địa khai thác. Đồi Tỷ, vì thế còn có người gọi là đồi Tử...

Hoàng Sang -  Quốc Huy

Kỳ tới: Để tồn tại, giang hồ ở lãnh địa máu buộc phải chém giết lẫn nhau. Thủ phủ đá đỏ đã từng chứng kiến những trận huyết chiến kinh hoàng giữa đại ngàn.

Bài 1: 'Đế chế đá đỏ' và những trận huyết chiến
Tranh giành lãnh địa, chém giết, siết cò cướp mạng sống của nhau… có một thời, vùng đất Quỳ Châu như thế. Có người gọi thời kỳ hỗn mang đó là thời của 'đế chế đá đỏ'...