- Phát hiện bệnh đa u tủy năm 31 tuổi, tưởng sẽ phó thác gánh nặng nuôi dạy 3 cô con gái sinh ba cho người vợ trẻ, nay anh Hoàng đã hồi phục, có thể đi làm và…chơi thể thao.
Hồi phục ấn tượng
Ghép tế bào gốc tự thân được coi là cứu cánh đối với bệnh nhân đa u tủy xương và ung thư hạch.
Trong buổi tọa đàm về Ghép tế bào gốc ngoại vi tự thân điều trị đa u tủy và ung thư hạch diễn ra sáng 24/6 tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, các bệnh nhân từng và đang chuẩn bị được điều trị bằng kỹ thuật này đã cùng các y bác sĩ chia sẻ những kinh nghiệm, tâm tư của mình.
Buổi tọa đàm về ghép tế bào gốc tự thân tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Thanh Huyền. |
Trong số bệnh nhân được ghép tế bào gốc điều trị đa u tủy, ung thư hạch tại Bệnh viện Chợ Rẫy, anh Phan Xuân Hoàng là trường hợp đầu tiên, trẻ tuổi và có hoàn cảnh đặc biệt nhất.
Ngồi trước mặt chúng tôi, một người đàn ông trẻ, đầy sinh khí, tươi tắn từ màu da tới ánh nhìn, không có vẻ gì là bệnh nhân.
Anh Hoàng sinh năm 1981, quê quán Hà Tĩnh, hiện làm nghề kinh doanh địa ốc tại tỉnh Bình Dương. Vợ chồng anh kết hôn đã 10 năm, gia đình trẻ càng thêm hạnh phúc khi bà xã anh Hoàng sinh 3 cô con gái.
“Tôi không thể quên được thời khắc đó. Lúc ấy tôi mới 31 tuổi, các con gái của tôi lên 7 tuổi. Tự dưng một buổi sáng ngủ dậy tôi bị đau lưng dữ dội. Cơn đau nghiêm trọng tới mức không thể đi lại, chỉ cần nằm cựa mình cũng…đau. Để đưa tôi đi bệnh viện khám, người ta phải dùng cáng.
Chưa biết mình bị bệnh gì nhưng tôi nghĩ thế là hết. Từ nay việc nuôi dạy 3 đứa con nhỏ sẽ đổ hết sang đôi vai vợ. Vợ tôi là công nhân, rồi đây gia đình tôi không biết ra sao…”, anh Hoàng kể giây phút đầu phát bệnh.
Sau khi thăm khám, làm các xét nghiệm tại nhiều bệnh viện, cuối cùng là Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ kết luận anh Hoàng bị đa u tủy xương. Để cứu sống anh, phải áp dụng kỹ thuật ghép tế bào gốc tự thân. Đây cũng là ca ghép tế bào gốc tự thân đầu tiên tại bệnh viện này.
Anh Hoàng kiên cường phối hợp cùng bác sĩ trải qua các quá trình ghép tế bào gốc và luôn luôn nuôi hy vọng, tin tưởng mình sẽ được điều trị thành công.
Anh nhớ lại giai đoạn khó khăn nhất: “Các đau đớn do tác dụng phụ của hóa trị như lở loét miệng ăn không nổi, nôn ói, mệt mỏi, tiêu chảy tôi vẫn cố được. Nhưng sợ nhất là 20 ngày nằm cách ly vô trùng tuyệt đối, không tiếp xúc với ai. Lúc ấy tôi hoàn toàn cách biệt với thế giới bên ngoài. Mỗi lần thấy điều dưỡng vào chăm sóc, tôi đều tranh thủ bắt chuyện cho đỡ buồn, đỡ nhớ vợ, nhớ con.”
Sau khi được ghép tế bào gốc, anh Hoàng hồi phục rất tốt. Từ tình trạng nằm liệt giường không đi lại được, nay anh đã quay lại đi làm, cuối tuần đá banh, tối về dạy con cái học hành.
14 ca chưa ghi nhận tái phát
PGS – TS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cho biết, ca ghép tế bào gốc trên bệnh nhân đa u tủy đầu tiên được thực hiện tại bệnh viện mình từ năm 2013.
Tới nay đã có 14 bệnh nhân (10 ca đa u tủy, 2 ca ung thư hạch) được điều trị hồi phục, chưa ghi nhận tái phát.
Sắp tới Bệnh viện Chợ Rẫy chuẩn bị thực hiện ghép tế bào gốc cho trường hợp thứ 15. Bệnh nhân là nữ thiếu tá, công tác tại Công ty dược phẩm quân đội.
Anh Hoàng sau khi ghép tế bào gốc đã hồi phục tốt, trở lại công tác và nuôi dạy con cái. Ảnh: Thanh Huyền. |
Trong buổi tọa đàm, theo bác sĩ Chuyên khoa II Trần Thanh Tùng, Trưởng khoa Huyết học, Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện mình đang có hàng trăm ca đa u tủy, vài trăm ca đa u hạch. Từ đó cho thấy nhu cầu chờ ghép tủy của bệnh nhân rất cao.
Chi phí cho một ca ghép tế bào gốc tự thân giao động từ 250 triệu – 350 triệu đồng. Nếu có bảo hiểm y tế, số tiền bệnh nhân phải chi trả sẽ thấp hơn nhiều.
Trên thế giới có khoảng 500 ngàn trường hợp được điều trị bằng kỹ thuật ghép tế bào gốc tự thân. Ở Việt Nam cũng đã tiến hành được khoảng 100 ca. Hiệu quả điều trị của kỹ thuật này đem lại nhiều thành công ấn tượng.
Thanh Huyền