- Chưa bao giờ TP.HCM ghi nhận lượng bệnh nhi mắc tay chân miệng tăng nhanh và nhiều trường hợp tử vong đến thế. Số ca tay chân miệng đến thời điểm này vượt luôn cả cùng kỳ năm 2008 (năm được coi là có đỉnh dịch tay chân miệng cao nhất).
Tay chân miệng đang trong thế dầu sôi lửa bỏng
Thông tin trên vừa được thông báo trong cuộc họp giao ban các quận, huyện tại Sở Y tế TP.HCM diễn ra sáng 8/6.
Bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó Khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc xin sinh phẩm cho biết chỉ riêng tháng 5 TP.HCM đã có tới 1433 ca tay chân miệng, tăng 377% so với cùng kỳ năm trước. 5 tháng đầu năm số ca mắc tay chân miệng là 2684 ca, tăng 107%.
Chưa bao giờ trẻ mắc tay chân miệng nhiều và nặng như hiện nay. Ảnh: Thanh Huyền. |
Trong khi đó tháng 5 năm ngoái TP không có ca nào tử vong do tay chân miệng, trong 5 tháng của năm 2010 chỉ có 1 trường hợp tay chân miệng tử vong.
Hiện nay, tại tất cả các phường, xã trên địa bàn TP.HCM cứ 1 tuần trung bình lại có thêm 5 trường hợp mắc tay chân miệng, có nơi là 7 trường hợp.
Quận 8, Bình Thạnh, Gò Vấp là những địa bàn có số ca tay chân miệng nhập viện trong tháng 3, 4, 5 tăng gấp 3 đến 4 lần bình thường.
Trên biểu đồ theo dõi diễn biến của bệnh tay chân miệng tại TP.HCM nhận thấy đường biểu diễn của bệnh tay chân miệng năm 2011 đang ngóc lên theo hướng thẳng đứng, chưa có dấu hiệu suy giảm nào.
Không thể chỉ trông mong vào dung dịch sát khuẩn miễn phí
Trước tình hình dịch tay chân miệng đang trong tình thế dầu sôi lửa bỏng, ngành y tế TP.HCM đã có những hành động cấp thiết để kìm hãm, ngăn không cho dịch tiếp tục lan rộng.
Cụ thể, trong tháng 5, Sở Y tế TP.HCM đã phát động phong trào phòng chống tay chân miệng toàn thành, huấn luyện các cô giáo mầm non vệ sinh khử khuẩn trường học và cách bảo vệ học trò khỏi dịch bệnh nguy hiểm, cung ứng chất sát khuẩn cho người dân…
Tuy nhiên, bác sĩ Nga thừa nhận công tác phòng, chống dịch còn rất nhiều bất cập.
Đó là khi đoàn y tế đi kiểm tra phát hiện nhiều khu nhà trọ chưa hề được tuyên truyền phòng, chống cũng như chẳng biết gì về bệnh tay chân miệng. Nhiều người dân được phát bột Cloramin nhưng lại chẳng biết cách pha thế nào hoặc không sử dụng mà đem bỏ xó.
Cũng trong buổi giao ban quận, huyện, Tiến sĩ – Bác sĩ Lê Trường Giang, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhấn mạnh – “Nếu muốn dập được dịch tay chân miệng thì không thể phòng chống theo kiểu bao cấp là chờ có dung dịch sát khuẩn rồi đem phát miễn phí cho dân, không đủ thuốc thì ngồi…đợi. Chúng ta phải chủ động tuyên truyền để người dân hiểu và tự đi mua dung dịch sát khuẩn về dùng, coi đó như bất cứ loại nước lau nhà hay rửa chén trong gia đình của họ. Có như thế công tác chống dịch mới đạt hiệu quả được.”
Thanh Huyền