HTML clipboard

 - Chị N. – người phụ nữ may mắn sinh được đứa con đẹp như thiên thần sau khi đi xin ở miền Nam về mà người ta đồn thổi, rành rọt: nhiều lắm, không chỉ chị em ở Nam Định mà khắp cả nước đều tìm đến đó để cầu tự.

Kỹ nghệ… xin con

Câu chuyện của chị N. về “hành trình đi xin con” cũng kỳ lạ: những người có nhu cầu xin con làm lễ xong sẽ để lại một cái ảnh ghi tên tuổi, địa chỉ của mình trong đó, sẽ có “trung gian” chuyển lên thầy. Chưa ai được gặp thầy, vì quá nhiều người đến xin. Bản thân chị N. cũng chưa nhìn thấy thầy bao giờ.

"Bà bầu" N.T.H.
Tuy nhiên, cũng có những người có số điện thoại của thầy mà không có điều kiện vào tận nơi thì có thể gọi điện từ xa, thầy sẽ khấn nguyện và ban phước cho. Trường hợp của bà N.T.H. (xã Nghĩa Hùng) là như thế.

Chị N. kể: “Những người đến khấn được đưa cho uống một thứ gì đó, không hẳn gọi là thuốc, kèm theo các yêu cầu như không được siêu âm, không đến bệnh viện trong thời gian “mang bầu”… Không ai đứng ra thu tiền hay bắt phải trả tiền. Ai có lòng thành thì đóng góp một chút, giống như công đức, người 10 ngàn, 20 ngàn…

Điều quan trọng nhất, đó là niềm tin. Phải tin tưởng tuyệt đối vào thứ mình đang hướng đến, khi đã được “đáp lời”, thì phải phụng sự và theo đuổi đến cùng. Đó chính là lý do, những “bà bầu” mặc dù đã qua cữ “chín tháng mười ngày” vẫn không lấy làm sốt ruột về việc chưa sinh nở.

Theo chị N., số đông những “bà bầu” ở Nghĩa Hưng, Trực Ninh… ai cũng mang bụng lặc lè không dưới 20 tháng. Có những người tới 40 tháng mà vẫn chưa sinh nở.

Khi được hỏi, trong số những “bà bầu” đó đã có ai sinh con hay chưa, chị N. không khẳng định: tôi có nghe người ta nói có một bà trên Nam Định mới sinh được một đứa con, sau đó lại tiếp tục xin chúa ban thêm một em bé nữa. Những người trong “hội bà bầu” rủ nhau đi ăn cỗ “khao” của người phụ nữ nói trên.

Còn, trường hợp của mình, chị N. khẳng định: “Người ta cứ bảo tôi đi cầu khấn xin con, quả thực mình có vào đấy nhưng chỉ là theo bản năng của đức tin, đi lễ bình thường như vào bao nhà thờ khác. Lúc vào đó tôi đã có mang rồi, và 9 tháng 10 ngày thì tôi sinh em bé, hoàn toàn bình thường mà thôi…”.

Người phụ nữ gần 60 tuổi đang may mắn mang cùng một lúc “một bé trai, một bé gái” hướng dẫn tôi khá tận tình cách cầu nguyện để có thể có hiệu quả nhất.

Người phụ nữ gần 60 tuổi đang may mắn mang cùng một lúc “một bé trai, một bé gái” hướng dẫn tôi khá tận tình cách cầu nguyện để có thể có hiệu quả nhất.

Trong gần hai giờ đồng hồ trò chuyện với bà H., người phụ nữ đang may mắn có mang hai em bé một lúc, tôi cảm nhận được sự chân thành và tốt bụng của bà. Tuy nhiên, niềm tin ở bà dường như mạnh mẽ hơn cả điều cần thiết.

Bà H. truyền cho tôi về bí quyết có em bé. “Trước tiên mình phải thành tâm. Hàng ngày dành vài tiếng đồng hồ cầu khấn, cũng như xin tất cả các linh hồn bốn phương tám hướng đáp lời mà ứng…”.

Bà còn truyền cho tôi một câu khấn, mà có lẽ, phải khó khăn lắm tôi mới có thể “ngộ” được. Bà H. khẳng định, bà và nhiều “bà bầu” khác cũng làm như thế, nên mới có kết quả tốt đẹp như bây giờ.

“Con thấy đấy. Ban đầu cô chỉ xin cho mình một em bé. Thế rồi mình được hai em, đủ nếp đủ tẻ. Như thế còn gì hạnh phúc hơn. Mấy ngày nay gia đình cô có trở, nếu không chiều nay cô đã đi cùng các chị em, chưa chắc con đã gặp được cô. Nhiều người mòn mỏi, gần đến lúc toại nguyện, nhưng vì niềm tin giữa chừng bị mất, các đấng ơn trên vì thế mà không ứng lời khẩn cầu…”.

Ông T., người chồng mà mà H. kết duyên ở tuổi xế chiều, là người đàn ông khá chất phác. Khi vợ tiếp khách hỏi về chuyện “bầu bí”, ông lảng sang chỗ khác mà tránh tham gia. Nghề nghiệp chính của ông là làm phu nề, đi làm ăn xa. Mấy ngày nay, mẹ vợ mất nên ông mới ở nhà.

Chính vì thế, theo bà H., khi các con riêng của chồng biết bà mang bầu ở tuổi quá lứa, chúng không bằng lòng ra mặt. Cực chẳng đã, bà bỏ nhà chồng về ở với mẹ. Bây giờ, bà cụ đã về tiên tổ, ông T. sau khi xong việc nhà vợ cũng sẽ lại tiếp tục đi làm ăn xa, chỉ còn một mình bà trong ngôi nhà trống trải.

“Nhưng cô không buồn đâu. Bây giờ cô có hai em bé. Hàng ngày, hai em bé chơi đùa với mẹ. Hai em bé ngoan lắm, ba mẹ con trò chuyện với nhau không biết chán…” – bà H. tự hào một cách thành thật.

Trong câu chuyện với chúng tôi, bà vẫn luôn không quên nhắc đến “người thứ ba” mà mình đang “thai nghén” gần 30 tháng trời, vẫn không quên “nựng” hai em bé của mình. Rồi, với lòng tốt chân thành của mình, bà lấy điện thoại gọi đi tứ tung, cốt để tìm cho tôi những địa chỉ để có thể tiếp cận với những nơi có thể khấn nguyền xin con cầu tự. Qua những thông tin mà bà H. cho biết, thật kinh hoàng khi biết, có tới hàng trăm bà bầu cùng liên kết với nhau để lập nên một “hội bà bầu” – chia sẻ kinh nghiệm và rủ nhau đi… cúng khấn…

Hội “hai trăm bà bầu”!?

Thông tin của bà N.T.H. – người phụ nữ đang mang bầu “bé trai bé gái” 30 tháng tuổi tại xã Nghĩa Hùng (huyện Nghĩa Hưng) về việc có một “hội bà bầu” là hoàn toàn chính xác. Bà Nguyễn Thị D. (sinh năm 1959, thôn Tân An, xã Trực Hùng, huyện Trực Ninh) quả quyết: “Có đấy. “Hội bà bầu” này tập trung hàng trăm người. Họ thuê hẳn một chuyến xe to để đi lễ ở những nơi xa, hay rủ rê nhau cùng đi khấn cầu trong mãi miền Nam…”.

Theo bà D., cách đây vài ba năm, Trực Hùng rộ lên tin đồn về những người “đi xin được con”. Người đầu tiên là một phụ nữ hiếm muộn, sau khi vào miền Nam cầu khấn, về nhà bụng chị này cũng lùm lùm. Và, vẫn câu chuyện cũ: gia đình, người thân mừng lắm. Đồ dùng, vật dụng, tã lót quần áo cho em bé đã được chuẩn bị. Thế nhưng, chờ đợi mãi mà vẫn chưa khai hoa nở nhụy. Những vật dụng trên chỉ đợi “hẹn giờ” để được sử dụng…

Xã Nghĩa Thắng - một trong những vùng quê đang tồn tại những tin đồn...

Dân làng Trực Hùng điều qua tiếng lại cũng nhiều. Người ta ái ngại cho “bà bầu” chưa kịp hưởng niềm hạnh phúc kia, liệu rằng có bệnh tật gì không, hay chẳng may mang bầu bí khác người như thế mà sinh ra đứa bé… quái dị. Nhưng, vượt qua những thị phi, “cái bụng lặc lè” kia vẫn tồn tại. Một dạo, chị này chán bỏ đi miền Nam, ngót một năm sau trở lại làng. “Sau đận ấy, cái bụng ấy xẹp lép và bây giờ trở lại bình thường rồi…” – ba D. kể chuyện.

Sau “bà bầu” ấy, xã Trực Hùng cũng có thêm nhiều người đi cầu xin con, và cũng được toại nguyện. Thời điểm ấy, cả làng đi đâu cũng “nóng” chuyện cô X, chị Y… vừa có mang em bé. Nhưng, sau “thời kỳ quá độ” 9 tháng 10 ngày theo quy luật, chẳng tháy đứa bé nào chào đời, câu chuyện lại quay sang hướng khác…

“Những người cùng cảnh ngộ đã tập hợp lại thành một “hội bà bầu”. Đông lắm, dễ tới hàng trăm người. Đi cầu khấn ở đâu họ cũng rủ nhau, thuê hẳn một chiếc xe to. Hội bà bầu này kéo dài “xuyên huyện” từ Trực Ninh sang Nghĩa Hưng… Bây giờ thì ở Trực Hùng, “mốt” bà bầu không còn nóng nữa, vì chính những “bà bầu” ấy cũng sinh chán nản, vì dài cổ đợi ngày “ở cữ” mà không được. Tôi nghe bảo, nhiều tỉnh như Nam Định, Hải Phòng, rồi cả trong miền Nam người ta kéo nhau đi xin con nhiều lắm…”. – vẫn câu chuyện của bà D.

Khi đến “mục sở thị” tận nhà bà H., bà H. cho biết: “Nếu như chiều ngày mai cháu sắp xếp thời gian thì nên đến địa chỉ Y. (xã Nghĩa Hồng) thì sẽ gặp hội bà bầu này. Đừng lo, ai cũng sẽ giúp đỡ, chỉ bảo cháu tận tình, nếu như cháu có đức tin thực sự và có tấm lòng chân thành…”.

Kiên Trung

Bài 1: Làng 'có thai' hàng chục tháng không đẻ
Mang thai hàng vài chục tháng trời mà chưa sinh nở, bụng to lùm lùm như người sắp ở cữ hay chỉ cần một cuộc điện thoại là cũng có thể... có bầu. Những câu chuyện kỳ bí về những "làng bà bầu không đẻ"...
 
Bài 2: Lạ kỳ “2 em bé” 30 tháng tuổi trong bụng mẹ
Đến xã Nghĩa Hùng (huyện Nghĩa Hưng) hỏi thăm chị Nguyễn Thị N. ai cũng biết câu chuyện người phụ nữ may mắn mấy năm trước sinh hạ được một em bé đẹp như thiên thần...
 
Bài 3: Tự sự người 'có thai' hàng chục tháng không đẻ
Tâm sự với tôi, bà bầu mang thai 30 tháng kể lại câu chuyền chẳng biết vui hay buồn. Nhưng, điều đáng nói đó là sự quyết tâm và tin tưởng tận lực vào “em bé” mà bà đang nuôi dưỡng trong bụng.