- Tranh thủ những ngày thi quốc gia với cái nắng như rang tại Hà Nội, các dịch vụ xung quanh các cụm thi đua nhau “chém” đẹp.
Chị Nguyễn Thị Nguyên, 41 tuổi, Sơn Tây, Hà Nội đưa con đi thi tại cụm trường ĐH Công nghiệp cho biết, chị lên cụm thi từ chiều 29/6 để tìm nhà trọ nhưng hỏi chỗ nào cũng báo hết phòng.
Nhờ vả mãi 2 mẹ con mới tìm được một căn phòng lụp xụp cạnh trường để ở tạm nhưng chủ nhà hét đòi 1 triệu/phòng/4 ngày. Kì kèo mãi, sau họ hạ giá còn 700 nghìn.
Căn phòng trọ lụp xụp nhỏ xíu với mái tôn hoen gỉ nơi 2 mẹ con chị Nguyên thuê trọ |
Giữa cái nắng như rang của Hà Nội, căn phòng mái tôn hoen gỉ với diện tích chưa đầy 10m2 như càng ngột ngạt hơn khi trong phòng chất chồng đủ thứ đồ đạc của sinh viên thuê trọ về nghỉ hè.
“Vừa đắt vừa khổ cô ạ. Cả phòng có mỗi cái quạt nhỏ, suốt đêm 2 mẹ con không ngủ được, phải bật dậy dội nước 2-3 lần. Có lúc nóng quá phải lao ra ngoài để hóng gió”, chị Nguyên mệt mỏi kể.
Theo chị Nguyên, mẹ con chị vẫn còn may chán, vì đến sáng nay vẫn có nhiều người lếch thếch đi tìm phòng nghỉ trưa, nhiều nơi treo biển 300 nghìn/trưa mà vẫn không có phòng.
Ngay cạnh khu trọ chị Nguyên ở có một loạt nhà cao tầng cũng treo biển cho thuê trọ thi ĐH, tuy nhiên mức giá cũng trên trời, từ 2-2,7 triệu/4 ngày, phải ở ghép và không có điều hoà.
“Mình nghèo thật nhưng nghĩ tiếc vài đồng để con khổ thì không đành lòng, bấm bụng cố thuê cái phòng cao ráo cho mát mẻ, ai dè còn nóng hơn lò bát quái vì không có điều hoà, tối đến bê tông hấp nhiệt ngột ngạt không ngủ nổi”, anh Lý Văn Định (47 tuổi, Bình Lục, Hà Nam) than vãn.
Từ trá đá, nước mía đến bún phở, xe ôm... sát điểm thi đua nhau chặt chém |
Ngồi đợi con trước quán nước, anh Nguyễn Văn Bình (Ba Vì, Hà Nội) kể dù gia đình có điều kiện hơn chút nhưng cũng phải rất chật vật để thuê được phòng nghỉ ưng ý.
“Từ cách đây hơn 1 tuần, tôi đã phải nhờ đứa cháu học dưới này đến nhà nghỉ để đặt cọc tiền. Thời điểm ấy, họ đã hét giá 600 nghìn/phòng/ngày nhưng nghĩ thuê được phòng đã là may”, anh Bình kể.
Tại khu vực Cầu Giấy, theo khảo sát của PV, giá phòng trọ bình dân còn nhỉnh hơn với mức từ 1,5-1,7 triệu/4 ngày, trong khi mức giá phòng điều hoà ở mức 2,5 – 3 triệu/4 ngày.
Chị Lý Thị Bình (Vĩnh Phúc) cho biết, phòng điều hoà chị đang ở gần ĐH Sư phạm Hà Nội lại tính theo đầu người, với mức giá 250 nghìn/người nhưng lại bị nhét tới 6 người nên rất chật chội.
Không chỉ chặt chém phòng trọ, nhà nghỉ, nhiều dịch vụ khác xung quanh các điểm thi cũng đua nhau tăng giá.
Chị Nguyên dẫn chứng, mới cách đây 2 hôm nước mía có 8 nghìn/cốc, đến ngày hôm qua đã lên 10 nghìn và nay đã lên 15 nghìn. Trà đá cũng trên đà phi mã, từ 2.000 đồng/cốc lên 4-5.000 đồng.
“Hôm qua bát phở có 25 nghìn, nay cũng đã lên 30 nghìn nhưng làm gì có miếng thịt bò nào, chỉ lèo tèo vài miếng thịt lợn”, chị Nguyên bức xúc.
Nắm bắt được nhu cầu của nhiều phụ huynh, các dịch vụ như trông giữ xe, xe ôm cũng đồng loạt tăng giá. Nếu trước kia các điểm trông xe chỉ thu 2-3.000 đồng/xe thì nay tăng lên 5.000 đồng, thậm chí có nơi thu 10.000 đồng/xe nhưng phụ huynh vẫn phải bấm bụng trả.
Tương tự, tại điểm thi ĐH Bách Khoa HN, 1 cốc trà với vài viên đá và ít nước đựng trong cốc nhựa loại dùng một lần cũng được hét giá 5 nghìn đồng. Các loại nước ngọt khác cũng tăng giá gấp đôi, thậm chí là gấp 3.
Tuy vậy, nhu cầu nước uống trong thời tiết nắng nóng là rất cao. Theo quan sát của phóng viên, trong buổi sáng (1/7) tại một quán trà đá tự phát, chủ quán liên tục phải gọi điện nhờ người nhà "tiếp tế" do cháy hàng.
Bán thóc lấy tiền cho con đi thi
Chị Kim (áo trắng) ngồi bên cửa phòng trọ đợi con trong buổi thi sáng 1/7. Ảnh: T.Hạnh |
Chi phí đắt đỏ là nỗi lo của không ít các phụ huynh đưa con "lên kinh" dự thi. Ngồi đợi con trước cửa căn phòng trọ lụp xụp tại khu tập thể ĐH Công nghiệp Hà Nội, chị Phí Thị Kim, 48 tuổi (Hương Ngải, Thạch Thất, Hà Nội) kể, do hoàn cảnh khó khăn, chị phải bán hơn 4 tạ thóc lấy 2 triệu đồng để đưa con đi thi.
Chồng đã mất cách đây hơn 20 năm do ung thư ruột, chị một thân một mình làm 4-5 sào ruộng nuôi con khôn lớn. Với số tiền có trong tay, 2 mẹ con mất 700 nghìn tiền thuê phòng trọ, dành gần 40.000 đồng để đi xe bus và tính toán chi ly cho mỗi bữa ăn vẻn vẹn 30-35.000 đồng.
“Đang giữa mùa cấy, sát ngày thi, cậu con trai cứ nhất mực bảo mẹ ở nhà lo cấy cho kịp vụ nhưng tôi không yên tâm để con một mình”, chị Kim chia sẻ.
Dù khó khăn, dù gian khổ, gương mặt người mẹ nghèo vẫn ánh lên niềm vui khi chia sẻ về ước mơ được bước vào giảng đường ĐH của con, về tương lai phía trước. “Nếu con đỗ ĐH, bằng giá nào tôi cũng lo cho con ăn học đầy đủ dù có phải chạy vạy, vay mượn khắp nơi. Đó không chỉ là ước mơ của con, của tôi mà là mong ước của cả chồng tôi khi còn sống”.
Minh Anh