- Việc bà Nguyễn Thị Thu Hà (53 tuổi, ở xã Song Mai, thành phố Bắc Giang) có “lá đơn lạ” khiến dư luận nổ ra nhiều tranh cãi...

Chân dung người đàn bà tố ông Chấn là kẻ sát nhân

 “Tôi không sợ, dù cơ quan chức năng có bắt tôi về tội vu khống tôi cũng chấp nhận", người đàn bà này chắc nịch.

Như VietNamNet đã đưa, ông Thân Quốc Hùng, Phó Chánh án TAND tỉnh Bắc Giang cho biết, đầu tháng 5 vừa qua, bà Nguyễn Thị Thu Hà (53 tuổi, ở xã Song Mai, thành phố Bắc Giang) đã có đơn đề nghị làm rõ - liệu Lý Nguyễn Chung có thực sự là hung thủ giết chị Hoan? Bà này cũng đề nghị tạm hoãn chi trả 7,2 tỷ đồng bồi thường oan sai cho ông Nguyễn Thanh Chấn...

{keywords}
Ông Nguyễn Thanh Chấn trong ngày được TAND Tối cao công khai xin lỗi.

Theo ông Hùng: "Đây có thể là tình tiết mới và chúng tôi đang xem xét để kiến nghị việc có đưa bà Hà tham gia phiên tòa hôm 21/7 xử Lý Nguyễn Chung sắp tới với tư cách người làm chứng hay không".

Ngày 1/7, trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Thanh Chấn cho biết, gia đình ông sẽ làm đơn tố cáo bà Hà đã có hành vi vu khống.

Và quanh việc có thể xử lý bà Nguyễn Thị Thu Hà về hành vi vu khống hay không, giữa các luật sư đã có những ý kiến khác nhau.

Theo quan điểm của luật sư Nguyễn Anh Thơm, khó có thể xử lý bà Nguyễn Thị Thu Hà về hành vi vu khống.

Ông Thơm cho rằng, vu khống là hành vi bịa đặt hoặc đưa tin một chuyện xấu, không có thật để làm mất uy tín, danh dự của người khác, hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.

Trong trường hợp người đưa tin bịa đặt nhưng lầm tưởng những điều họ loan tin là có thật thì không phạm tội.

“Trong vụ việc này, dù sao bà Hà cũng đã cung cấp chứng cứ liên quan đến vụ án mà Cơ quan điều tra cũng không thu giữ được, đó là 2 chỉ vàng và bà Hà được nghe kể lại chuyện ‘chạy án’. Ngoài ra, bà Hà khai còn là bạn thân của chị Hoan là nạn nhân.

Động cơ mục đích khi gửi đơn kiến nghị của bà Hà, theo lời bà ta nói- không vì tư thù với ông Chấn, hay vì quan hệ với Lý Nguyên Chung, mà chỉ với mục đích để vụ việc được khách quan, xét xử đúng người, đúng tội. Nghĩa là động cơ mục đích gửi đơn là vì công lý như lời bà Hà nói.

Do vậy, về mặt lý luận tội phạm, kể cả sau này cơ quan điều tra xác minh không có căn cứ xác định những sự việc bà Hà trình bày thì cũng khó có thể khởi tố về tội Vu khống theo Điều 121 BLHS được.

Bản thân bà Hà cho rằng, mình biết sự việc như vậy và suy luận theo chủ quan của mình thì ông Chấn mới là người phạm tội, nên cũng không thể quy kết bà Hà là vu khống ông Chấn nhằm xúc phạm danh dự, uy tín hay nhằm gây thiệt hại đến quyền lợi của ông Chấn trong trường hợp này được”, luật sư Nguyễn Anh Thơm phân tích.

Cũng trao đổi với VietNamNet, luật sư Tạ Anh Tuấn, Trưởng văn phòng luật sư Bách Gia Luật và Liên Danh, Đoàn luật sư TP Hà Nội lại có quan điểm khác.

Ông Tuấn cho rằng: Nếu trước tòa, bà Hà với tư cách là người làm chứng, không chứng minh được ông Chấn phạm tội, có nghĩa là bà Hà đã khai gian dối.

Tại tòa, những lời của bà Hà sẽ được thư ký ghi vào biên bản phiên tòa- đó là căn cứ xử lý bà này về tội khai gian dối và sẽ bị xử lý theo điều 307 Bộ luật hình sự.

Ngoài ra, nếu không có chứng cứ chứng minh bà Thân Thị Hải nói việc 'chạy án' cho ông Chấn và thuê Lý Nguyễn Chung nhận tội thay cho ông Chấn thì bà Hà sẽ phạm tội vu khống và sẽ bị xử lý theo điều 122 Bộ luật hình sự.

Dù bà Hà khẳng định - mục đích của bà ta chỉ nhằm để vụ việc được khách quan, xét xử đúng người, đúng tội, nhưng dư luận vẫn đặt câu hỏi về động cơ, mục đích thực sự của người đàn bà này là gì?

Tại sao suốt thời gian qua, khi mà Lý Nguyễn Chung đã 3 lần bị đưa ra xét xử, bà Hà vẫn im lặng? Chỉ đến khi ông Chấn chuẩn bị được nhận số tiền 7,2 tỷ đồng đền bù, người đàn bà này mới chịu lên tiếng?

T.Nhung