- “Nhiều người đòi hỏi phải có thu nhập như bệnh viện tư, nhưng họ có cơ chế khác, có bệnh viện tư trả 70-80 triệu/bác sĩ/tháng thì bệnh viện công lấy đâu ra tiền...”.
Bộ Y tế đang đẩy mạnh kế hoạch “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng người bệnh”, VietNamNet có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế xung quanh những ý kiến trái chiều liên quan đến đề án này.
Nhiều người bức xúc trên fanpage Bộ trưởng
Ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế. Ảnh: T.Hạnh |
- Vấn đề thái độ y bác sĩ tại bệnh viện đã từng gây bức xúc lâu nay, tại sao đến thời điểm này Bộ Y tế mới triển khai đề án đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế?
Chúng ta đang tiến hành đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có việc tính đúng tính đủ và hướng tới BHYT toàn dân. Như vậy chắc chắn người dân, xã hội sẽ đặt câu hỏi: Nếu như tiến tới tính đúng, tính đủ thì chất lượng khám chữa bệnh có từng bước tăng lên không, thái độ phục vụ cán bộ y tế có từng bước thay đổi không?
Ngoài ra, gần đây trên fanpage Bộ trưởng Bộ Y tế cũng có nhiều người dân bày tỏ những bức xúc về thái độ của nhân viên y tế dù chỉ là những con sâu làm rầu nồi canh nhưng mình phải làm sao để hạn chế tối đa những hiện tượng đó.
Do vậy thời điểm này là thích hợp nhất để ngành y tế quyết định thay đổi đồng bộ, trong đó tập trung đổi mới phong cách, thái độ của cán bộ y tế.
- Trước khi triển khai, đã có khảo sát, đánh giá tổng quan nào về sự hài lòng của người bệnh chưa, thưa ông?
Đến nay, Bộ Y tế vẫn chưa có đánh giá tổng thể về sự hài lòng của người bệnh tại tất cả các cơ sở khám chữa bệnh.
Trong giai đoạn 2011-2015, Bộ Y tế mới chỉ triển khai đánh giá thí điểm tại 5 Vụ, Cục, 4 Sở y tế và 5 bệnh viện tuyến Trung ương. Có thể thấy khu vực khám chữa bệnh tại các bệnh viện vẫn bị phàn nàn nhiều nhất.
Theo kế hoạch, trong năm 2016 sẽ hoàn tất đánh giá tổng quan sự hài lòng của người bệnh tại tất cả các bệnh viện trên cả nước.
- Sắp tới, 4 bệnh viện lớn ở phía Bắc gồm Bạch Mai, Việt Đức, K và Nhi Trung ương ương sẽ ký cam kết làm hài lòng người bệnh. Tại sao lại chọn 4 bệnh viện này và quá trình kiểm tra, giám sát sẽ được tiến hành thế nào, thưa ông?
Theo chỉ đạo Bộ trưởng, đây là những bệnh viện lớn, có nhiều vấn đề người dân phàn nàn, đặc biệt là Bệnh viện K.
Việc ký kết với 4 bệnh viện này chỉ là làm mẫu, ký đại diện. Sau kí kết, các bệnh viện sẽ phải triển khai kế hoạch, tổ chức tập huấn và kí cam kết với tất cả những khoa, phòng còn lại dưới sự chứng kiến của công đoàn.
Lộ trình là tất cả cán bộ y tế phải kí cam kết, muộn nhất đến 2016 phải kí kết xong. Mỗi đơn vị kí xong phải triển khai tập huấn luôn.
Sau kí kết, tại Trung ương sẽ có đoàn giám sát do Bộ Trưởng Bộ Y tế làm trưởng ban, tại địa phương do lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo.
Đừng so sánh thu nhập
- Với những bệnh viện lớn, việc cán bộ y tế tiếp xúc với hàng trăm bệnh nhân một ngày cũng dễ khiến họ cáu gắt, giờ lại yêu cầu họ phải ký cam kết, theo ông liệu có gây áp lực cho họ không?
Chắc chắn là có gây áp lực, nhưng bản thân nhiều người trong ngành cũng đồng tình phải thay đổi chứ không phải không.
Lâu nay là thói quen, giờ để thay đổi thói quen, thay đổi hành vi thì phải thay đổi từ nhận thức trước. Cái gì chưa đúng thì phải chuẩn chỉnh lại cho đúng rồi góp ý dần dần.
Cán bộ y tế chắc chắn sẽ có những sức ép nhưng ngành y tế sẽ tìm cách để giúp họ giảm áp lực. Ảnh: T.Hạnh |
Cam kết ở đây chỉ là hình thức, không bắt buộc kỷ luật ngay nhưng khi anh và tôi đã cam kết với nhau thì anh phải nhận thức để sửa dần dần chứ không phải tôi dựa vào cái cam kết đó để tôi phạt anh. Việc bắt buộc thay đổi là đúng, nhưng thay đổi phải có lộ trình và sẽ từng bước một.
Nói như vậy nhưng mọi chuyện cũng không hề đơn giản. Tôi cũng từng là bác sĩ, cũng từng khám bệnh nhân, nhiều khi không đủ thời gian để khám, để viết. Khi đó tư duy người lãnh đạo phải thay đổi, phải phân công nhiệm vụ thế nào cho hợp lý. Nếu trước 100 bệnh nhân, giờ phải phân bổ ra, chứ không thể dồn cho họ mãi.
Cán bộ y tế chắc chắn sẽ có những sức ép nhưng ngành y tế sẽ tìm cách để giúp họ giảm áp lực. Mỗi vị trí đều phải nhìn nhận lại mình. Bộ Y tế cũng sẽ phải tăng cường tuyến y tế cơ sở để giảm quá tải.
- Nhiều cán bộ y tế cho rằng thu nhập của họ không cao, mặt bằng dân trí của người dân còn thấp mà lại đòi hỏi họ phải nhẹ nhàng. Nếu thu nhập tốt họ sẽ làm hết sức tự nguyện chứ không cần phải ký kết?
Họ nói cũng có khía cạnh của họ nhưng theo tôi, việc đổi mới phong cách, thái độ với mỗi cán bộ y tế là trách nhiệm, đã vào ngành y thì phải chấp nhận những khác biệt so với ngành khác, nếu anh vào rồi mà không xác định được thì nó lại là câu chuyện khác.
Thu nhập thì vô cùng, ở tuyến tỉnh, trung ương, bệnh nhân đông, họ thu nhập tốt, còn tuyến xã, tuyến huyện họ chỉ vào dựa vào đồng lương thôi, rồi bác sĩ tuyến dự phòng làm sao so được với khối khám chữa bệnh.
Nhiều người đòi hỏi phải có thu nhập như bệnh viện tư nhưng họ có cơ chế khác. Có bệnh viện tư trả 70-80 triệu/bác sĩ/tháng thì bệnh viện công lấy đâu ra tiền.
Cái quan trọng làm sao để cán bộ y tế nhận thức được trách nhiệm này vừa là nghĩa vụ vừa là quyền lợi nhất là khi tới đây nhà nước thực hiện chủ trương tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Khi đó anh sẽ phải tự cân đối ngân sách, tìm cách thu hút bệnh nhân.
Song song đó, cũng phải giải thích với họ rằng, khi thay đổi cơ chế tài chính, tiến tới tính đúng tính đủ giá dịch vụ y tế với nguồn BHYT bền vững thì thu nhập của họ sẽ tăng lên.
Quan hệ giữa thầy thuốc với bệnh nhân là quan hệ giữa con người với con người, là quan hệ tình cảm sâu nặng chứ không đơn thuần là các thủ tục hành chính. Vậy làm sao để hai bên đồng cảm, hiểu nhau. Khi họ hài lòng với mình, thì dù có tai biến y khoa, nếu hiểu bác sĩ không thể làm được gì, họ sẽ dễ thông cảm.
Xin cảm ơn ông!
Thúy Hạnh (thực hiện)