- Sau hàng chục năm vắng bóng, dịch bạch hầu lại xuất hiện trong cộng đồng bà con dân tộc ít người tại vùng núi hẻo lánh huyện Phước Sơn và cướp đi nhiều sinh mạng. Cuộc chiến với “sát thủ” bạch hầu đầy cam go, thách thức mà ngành y tế và chính quyền địa phương đang phải đối mặt.
Đang điều trị bệnh nhân đòi về
Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, Huỳnh Tấn Dũng lắc đầu thở dài cho biết, việc điều trị cho bà con mắc dịch bệnh bạch hầu gặp muôn vàn khó khăn.
Người dân thôn 8A xã Phước Lộc nơi ổ dịch bạch hầu bùng phát vẫn không hề lo lắng. |
“Ngay sau khi phát hiện, bệnh viện đã triển khai phương án dập dịch. Cả 6 người nghi mắc bệnh được đưa đến bệnh viện huyện điều trị mấy ngày qua. Tuy nhiên, chưa hết bệnh thì đến sáng 16/7, cả 6 bệnh nhân nhất mực không chịu ở lại điều trị, nằng nặc đòi về nên trung tâm buộc phải bố trí xe để đưa họ về nhà. Đồng thời cử người vào tiếp tục điều trị cho họ tại nhà” - ông Dũng lắc đầu nói.
Khó khăn hiện nay là các bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu chưa khỏi bệnh không được cách ly sẽ dẫn đến nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.
Để bao vây khống chế ổ dịch bạch hầu bùng phát lây lan rộng, ngành y tế và chính quyền địa phương đã lập các chốt chặn trên các ngã đường vào vùng ổ dịch tại thôn 8A và 8B. Đồng thời điều động lực lượng y bác sĩ và thuốc men đến vùng dịch để xử lý.
Toàn bộ 6 bệnh nhân nghi mắc bạch hầu được điều trị tại khu cách ly bệnh viện đa khoa Phước Sơn mặc dù chưa hết bệnh nhưng đã đòi về nhà sáng 16/7. |
Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam Nguyễn Văn Hai cho biết, đến nay tình hình dịch bệnh tạm thời được khống chế. Qua theo dõi, ghi nhận 13 trường hợp (8 nam, 5 nữ) nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu với các triệu chứng như: sốt, sưng hạch cổ, ăn uống khó; trong đó có 3 ca đã tử vong.
Trong 9 ca phát hiện tại thôn 8B có 7 ca mắc bệnh cùng một gia đình, 2 ca còn lại sống gần đó. Còn tại thôn 8A có 4 ca nhiễm bệnh được điều trị tại chỗ.
Qua lấy mẫu xét nghiệm ở 10/13 ca (do 3 ca không lấy được mẫu bệnh phẩm vì bệnh nhân và người nhà không hợp tác). Đã có kết quả của 7 mẫu xét nghiệm, trong đó có 1 ca dương tính đã được điều trị ổn định, 2 ca tử vong có kết quả âm tính.
Kể từ ngày phát hiện ổ dịch (8/7) đến nay, huyện Phước Sơn và ngành y tế đã bám sát vùng tâm dịch để xử lý. Mặc dù chưa được khống chế hoàn toàn, nhưng bước đầu đã không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Đáng mừng là kể từ ngày phát hiện ổ dịch chưa có trường hợp nào tử vong.
Phát hiện dịch khi dân lên xin tiền làm đám ma
Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn Nguyễn Mạnh Hà cho biết, tuy bệnh khởi phát cách đây hơn một tháng nhưng mãi đến ngày 8/7, khi có người dân xuống xã Phước Lộc xin tiền về làm đám ma chính quyền mới hay. Khi cán bộ xã hỏi sao chết, họ bảo đau ở họng và chết.
Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, hiện bệnh chưa được loại trừ ở nước ta. Người dân có thể mắc bệnh bạch hầu nếu chưa có hệ miễn dịch khi tiêm vắc-xin phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh.
Một bệnh nhân nghi mắc bạch hầu đang điều trị tại bệnh viện huyện. |
“Ổ dịch lần này xảy ra ở khu vực hẻo lảnh nhất của huyện miền núi Phước Sơn, chưa có điện, đường giao thông đi lại khó khăn, gần như bị cô lập. Đáng quan tâm là người dân chưa được tiêm phòng nên việc nhiễm bệnh là khó tránh khỏi.
Hiện bệnh bạch hầu không lưu hành phổ biến, nên các thuốc giải độc bạch hầu khan hiếm và không có. Tuy nhiên, phác đồ điều trị dùng thuốc kháng sinh vẫn còn có hiệu lực để tiêu diệt loại vi khuẩn này” - TS. Phu cho biết.
TS.Phu cũng khuyến cáo, bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Bất cứ trường hợp nào chưa có miễn dịch, tiếp xúc với mầm bệnh, chưa tiêm phòng đủ hoặc đã tiêm nhưng không sinh miễn dịch đều dễ mắc. Đây là bệnh nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao.
Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang vi trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.
Biểu hiện bệnh xuất hiện thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục, trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong.
Hiện các biện pháp bao vây khống chế dịch bạch hầu đang được ngành y tế và chính quyền Quảng Nam khẩn trương triển khai và sẽ sớm dập tắt được ổ dịch nguy hiểm này.
Vũ Trung