- Sáng 18/7, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức lễ động thổ gói thầu J3 dài 3,1 km (thuộc dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành) để xây cầu Phước Khánh nối huyện Cần Giờ (TP HCM) và huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai).

Cầu Phước Khánh (qua sông Lòng Tàu) dài 3,18 km nối huyện Cần Giờ, TPHCM với huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) sẽ có khẩu độ nhịp chính dài 300m, trụ chính cao 135m, tĩnh không thông thuyền cao 55m đảm bảo cho các tàu biển lớn trọng tải trên 50.000 DWT qua lại. 

{keywords}
Cầu Phước Khánh tương lai sẽ có thiết kế như cầu Cần Thơ và là cây cầu cao nhất Việt Nam

Gói thầu J3 có lý trình bắt đầu từ Km 29 + 264 đến Km 32+450 với chiều dài 3,186 km gồm cầu Phước Khánh và cầu cạn qua huyện Cần Giờ, TPHCM và huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai có tổng vốn đầu tư gần 4 tỷ Yên và khoảng 3.000 tỷ đồng do JICA tài trợ và vốn đối ứng.

Phát biểu tại lễ khởi công, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, cao tốc Bến Lức - Long Thành là dự án giao thông trọng điểm quốc gia thuộc 2.500 km cao tốc đường bộ từ Bắc vào Nam đã được quy hoạch. Thứ trưởng đề nghị các bên liên quan thực hiện gói thầu đúng tiến độ, đạt chất lượng và hạn chế ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.

Được biết, dự án xây dựng cao tốc Bến Lức - Long Thành đi qua địa bàn TPHCM, Đồng Nai và Long An có tổng chiều dài 57,1 km. Do nền địa chất để làm dự án rất yếu, nhiều sông ngòi, vùng sình lầy nên phải xây dựng hơn 20 km cầu và cầu cạn. Riêng từ Km 21+744 - Km 32+450 dài 10,7 km xây dựng 3 cầu lớn, trong đó đặc biệt có 2 cầu lớn có kết cấu dây văng là cầu Phước Khánh và cầu Bình Khánh (qua sông Soài Rạp) dài 2,76 km nối huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ của TPHCM, có khẩu độ nhịp chính dài 375 m, trụ chính cao 155 m.

{keywords}
Lễ động thổ xây cầu Phước Khánh, cây cầu cao nhất Việt Nam nối liền TPHCM và Đồng Nai

Cao tốc Bến Lức - Long Thành đi qua địa bàn TP HCM, Đồng Nai và Long An khi hoàn thành sẽ giúp giao thông liên vùng miền Tây và vùng Đông Nam Bộ không cần quá cảnh qua TP HCM. Tuyến đường sẽ nối trực tiếp với mạng lưới cao tốc - quốc lộ, hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải, Sao Mai Bến Đình và sân bay quốc tế Long Thành.

Đồng thời, dự án cũng góp phần làm giảm áp lực giao thông trên quốc lộ 1 và 51, rút ngắn thời gian đi từ tỉnh Long An đến TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Bên cạnh đó, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ kết nối với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu tạo thành một phần của tuyến hành lang kinh tế phía Nam thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) từ Bangkok qua PhnomPenh, TP HCM - Vũng Tàu.

Tuấn Kiệt