- “Lần đầu tiên vợ chồng em biết tới kỹ thuật chăm sóc da kề da này. Phải nói rất tuyệt vời. Vợ em ôm con quên cả đau. Con bé chẳng ai dạy mà thản nhiên ngoái đầu tìm bầu sữa mẹ...”, ông bố trẻ xúc động chia sẻ.
Xem Video:
Phương pháp da kề da
Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM đang thực hiện phương pháp chăm sóc trẻ sơ sinh thiết yếu vô cùng mới mẻ được gọi là: “Cái ôm đầu tiên của mẹ”. Nhóm phóng viên VietNamNet đã tới bệnh viện để ghi nhận về tính ưu việt của phương pháp này.
Trong phòng hậu sản, một cảnh tượng vô cùng đẹp đẽ, thiêng liêng diễn ra trước mắt chúng tôi. Tất cả các sản phụ, ai cũng cười tươi rói, trên bụng quấn chặt đứa con vừa chào đời. Em bé nằm sấp trên người mẹ, da kề da. Bé trai được quấn với mẹ bằng chiếc khăn màu xanh, còn bé gái là khăn màu hồng.
Chị Huyền tràn ngập hạnh phúc vì được ôm con ngay khi bé chào đời. Ảnh: Thanh Huyền. |
Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên vì các bé ngủ rất ngon lành, chỉ bé nào đói mới ọ ọe vài tiếng rồi dúi đầu, tự đưa miệng đi tìm vú mẹ.
Phương pháp trên không chỉ với các ca sinh thường mà áp dụng ngay cả cho cả trường hợp sinh mổ. Các bà mẹ vô cùng bất ngờ với phương pháp chăm sóc trẻ sơ sinh mới nhưng ai cũng hài lòng, ngập tràn hạnh phúc.
Gia đình chị Huyền rất hài lòng với phương pháp chăm sóc "da kề da". Ảnh: Thanh Huyền. |
Một trong số những trường hợp đó là vợ chồng sản phụ Trần Thị Huyền, ngụ tại tỉnh Bình Dương. Vừa trải qua ca sinh nở, mặt còn xanh rớt nhưng miệng chị Huyền luôn nở nụ cười rạng rỡ, vòng tay ôm chặt con gái bé nhỏ trên ngực.
Chồng chị Huyền ngắm cảnh hai mẹ con quấn quýt, không ngăn nổi xúc động, đưa tay chấm nước mắt, giọng run run: “Vui quá anh chị ạ. Đây là con đầu lòng của chúng em. Lần đầu tiên vợ chồng em biết tới kỹ thuật chăm sóc da kề da này. Phải nói rất tuyệt vời. Vợ em ôm con quên cả đau. Con bé như biết đang được mẹ che chở chẳng quấy khóc gì, chẳng ai dạy mà thản nhiên ngoái đầu tìm bầu sữa mẹ...”
Em bé tự biết tìm bầu sữa mẹ khi đói. Ảnh: Thanh Huyền. |
Ở giường bên cạnh, thấy vợ ôm con, một người chồng khác cũng tỏ vẻ háo hức không kém, lâu lâu lại ra mặc cả với bà xã: “Ôm con thích không mình, tí cho tôi thử nhé…”
Ưu việt hơn hẳn phương pháp cổ điển
Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Hoàng Tuấn – Phó trưởng Phòng chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM, “Cái ôm đầu tiên của mẹ” là phương pháp chăm sóc thiết yếu sơ sinh sớm được Bộ Y tế kết hợp với Tổ chức y tế thế giới triển khai tại Việt Nam.
Nhân viên y tế hướng dẫn sản phụ cho con bú. Ảnh: Thanh Huyền. |
Hiện nay, tại khu vực TP.HCM nói riêng và phía Nam nói chung, Bệnh viện Từ Dũ là đơn vị tiên phong áp dụng đại trà phương pháp này.
Trước kia, em bé sinh ra được sát trùng và cắt dây rốn trong 30 giây đầu tiên, cách ly khỏi mẹ, đưa đi hút đàm nhớt, làm vệ sinh…
Còn nay, phương pháp chăm sóc mới có 6 bước: thông báo cho mẹ về giới tính cũng như giờ sinh của trẻ, lau khô cho bé ủ ấm (bằng cách nằm trên bụng da kề da với mẹ), tiêm thuốc co tử cung cho mẹ, kẹp dây rốn muộn (từ 1 – 3 phút sau khi sinh), kéo dây rốn và xổ nhau, hướng dẫn sản phụ xoa đáy tử cung 1h sau sinh và hỗ trợ sản phụ cho bé bú sớm.
Như vậy, ngay sau khi chào đời em bé sẽ ở cùng mẹ suốt 1 giờ đồng hồ. Tất cả các thao tác cắt dây rốn, lau khô mình đều được thực hiện khi em bé đang nằm trên bụng mẹ.
Các em bé yên tâm ngủ trên bụng mẹ. Ảnh: Thanh Huyền. |
Bác sĩ Tuấn cho biết phương pháp “Cái ôm đầu tiên của mẹ” ưu việt hơn hẳn phương pháp cổ điển, từ khi áp dụng chưa ghi nhận bất thường mà đem lại hiệu quả không ngờ.
“Da kề da với mẹ, thân nhiệt người mẹ sẽ ủ ấm cho bé, điều mà máy sưởi chưa chắc làm nổi. Trước đây khi một đứa trẻ sơ sinh chào đời, chúng ta đem đi hút đàm nhớt, lau chùi, quấn khăn rồi mới sưởi ấm. Có quá nhiều khoảng thời gian trống, khiến em bé dễ bị hạ thân nhiệt, nguy cơ suy hô hấp, nhiễm trùng, xuất huyết não cao. Đó còn chưa kể tới động tác hút đàm nhớt thực hiện không khéo sẽ gây tổn thương niêm mạc hệ hô hấp còn non nớt của trẻ.”, bác sĩ Tuấn nói.
Ngoài ra, nằm trên bụng mẹ em bé vẫn nghe được tiếng nhịp tim mẹ đập, y chang lúc bé còn trong bụng, vì thế bé sẽ yên tâm và không bị stress bởi thay đổi môi trường sống.
Bên cạnh đó, phương pháp này giúp trẻ có phản xạ bú sớm hơn, có cơ hội đón nhận những giọt sữa non đầu đời thuận tiện hơn. Trẻ bú cũng giúp tử cung người mẹ co tốt hơn, giảm thiểu nguy cơ băng huyết sau khi sinh.
Một điều quan trọng khác của phương pháp này đem lại, đó là bà mẹ yên tâm không sợ con bị nhầm lẫn.
Bác sĩ Tuấn giải thích: “Một em bé ra đời sẽ được đeo tên vào tay, chân và viết lên đùi. Tuy nhiên, đôi khi cũng xảy ra tình trạng đeo nhầm khiến bảng tên ở cổ tay và cổ chân bé không trùng khớp. Một số gia đình lo lắng đòi làm xét nghiệm AND. Nay, nhờ phương pháp mới, tình trạng đó không xảy ra nữa. Cho dù tên đứa trẻ bị đeo nhầm, người mẹ vẫn yên tâm cho nhân viên y tế điều chỉnh lại, bởi từ lúc ra đời bé luôn ở với mẹ.”
Số liệu thống kê tại Khoa sơ sinh, Bệnh viện Từ Dũ cho thấy, tỷ lệ trẻ tử vong trong 6 tuần đầu sau sinh khi áp dụng phương pháp chăm sóc sơ sinh mới đã giảm đáng kể.
6 tháng đầu năm 2014 có 385 trẻ sơ sinh tử vong trong 6 h đầu sau sinh trên tổng số hơn 29.000 trẻ được sinh ra. 6 tháng đầu năm nay, con số tử vong đã giảm xuống còn 272 trẻ trên 31.000 trẻ.
Tương tự, số lượng trẻ bị nhiễm trùng sơ sinh cũng giảm đáng kể. 6 tháng đầu năm 2014 là 1.122 trường hợp/29.000 trẻ thì 6 tháng đầu năm nay chỉ còn 705/31.000 trẻ.
Khi biết được hiệu quả của phương pháp chăm sóc trẻ sơ sinh thiết yếu đem lại, một bệnh viện ở Cần Thơ đã chủ động đề nghị được Bệnh viện Từ Dũ tập huấn, chuyển giao kỹ thuật này.
Thanh Huyền
(Thực hiện clip: Tuấn Kiệt)