- Để hoàn thành tiêu chí đúng thời hạn cho đoàn lên kiểm tra, không ít xã ở Thanh Hóa khi triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM) đã phải dùng đến ngân sách xã “kích cầu”, hỗ trợ mua bảo hiểm cho dân. Chính vì vậy, không ít người ví von rằng việc mua BHYT của dân “tự nguyện ít, thiện nguyện nhiều”.

Bệnh thành tích?

Thời gian qua, PV VietNamNet nhận được thông tin nhiều xã ở Thanh Hoá “chơi sang” bỏ tiền ngân sách ra hỗ trợ mua BHYT cho dân để đạt được tiêu chí y tế (một trong 19 tiêu chí NTM). Việc dùng ngân sách đó lãnh đạo xã nói là “kích cầu”.

Để tìm hiểu thực hư câu chuyện, chúng tôi đã tìm về xã Xuân Giang (huyện Thọ Xuân). Tìm hiểu, được biết, Xuân Giang đạt chuẩn NTM từ cuối năm 2013, đường sá giao thông thuận lợi chẳng khác gì thành thị.

Nhận xét về đời sống người dân sau khi xã đạt chuẩn NTM, nhiều người tấm tắc khen ra mặt.

Trong các tiêu chí đó, người dân Xuân Giang kể đến nhiều nhất vẫn là việc xã hỗ trợ mua BHYT cho dân.

Một người dân ở xóm 12 (xin được giấu tên) cho biết, gia đình chị làm nông. Ngoài thời gian nông nhàn, anh chị đi làm thợ hồ kiếm thêm thu nhập. Tiền ăn trong ngày còn phải lo từng bữa nên chưa bao giờ anh chị nghĩ rằng mình mua được cái thẻ BHYT. 

Cũng nhờ có chương trình xây dựng NTM, thôn, xã đến vận động và hỗ trợ 200.000đ/1 thẻ BHYT nên chị mới dám bỏ thêm ít nữa lấy một thẻ cho chồng.

Bà Lê Thị Tạ (trưởng thôn 12) cho biết, thôn có 58 hộ, 258 nhân khẩu. Trước khi xây dựng NTM rất ít người mua BHYT tự nguyện.

{keywords}
Bà Tạ, thẳng thắn chia sẻ về việc xã hỗ trợ dân kích cầu mua BHYT

Cán bộ thôn bị sức ép về tiêu chí nên các đoàn thể phải thay nhau đi vận động được vỏn vẹn 10 người mua trong số 30 người chưa có bảo hiểm.

Bà Tạ nói xong thở phào: "May mà có xã bỏ tiền ra hỗ trợ cho 20 người của thôn mua BHYT, chứ không thì tiêu chí này coi như thôn không thành. Một thẻ bảo hiểm thời điểm đó có giá khoảng 620 nghìn đồng, xã hỗ trợ cho mỗi thẻ BHYT 200 nghìn đồng/ thẻ".

Mang câu chuyện này trao đổi với ông Đỗ Viết Hùng, Chủ tịch UBND xã Xuân Giang, ban đầu ông Hùng phủ nhận việc xã lấy tiền ngân sách để hỗ trợ dân mua BHYT.

Tuy nhiên, khi phóng viên đưa ra bằng chứng cụ thể, ông Hùng mới thừa nhận xã đã dùng hơn 20 triệu mua bảo hiểm cho dân để đạt tiêu chí khi đoàn về thẩm định hoàn thành NTM.

Xong chuẩn, lại thiếu chỉ tiêu!

Cũng như xã Xuân Giang, xã Quảng Tân (huyện Quảng Xương) cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Theo bà Nguyễn Thị Hoài, Bí thư xã Quảng Tân, cuối năm 2013, xã hoàn thành xây dựng NTM. Xã đang còn nợ gần 20 tỷ xây dựng công trình cơ bản, song vẫn “chơi sang” chi 50 triệu tiền ngân sách kích cầu hỗ trợ mua BHYT cho dân để hoàn thành tiêu chí.

Bà Hoài phân trần: “Vẫn biết làm như vậy là sai. Song do phải chạy đua với thành tích nên đã được các xã đi trước chia sẻ kinh nghiệm như vậy?!”.

{keywords}
Xã Quảng Tân đã rút ngân sách 50 triệu hỗ trợ mua BHYT cho dân để đạt tiêu chí

Xã Quý Lộc, huyện Yên Định nằm trong nhóm 11 xã điểm đầu tiên thực hiện xây dựng NTM. Thời điểm xã được thẩm định công nhận đạt chuẩn (đầu 2013), theo quy định tỷ lệ người dân tham gia BHYT chỉ cần đạt hơn 30%, nên nhiệm vụ này hoàn thành dễ dàng.

Thực tế, theo ông Trịnh Đình Thịnh, Bí thư Đảng ủy xã, sau khi đạt chuẩn, tỷ lệ người dân mua BHYT chưa bao giờ đạt mức quy định mới của Chính phủ (trên 70%).

Cụ thể, năm 2012 đạt 40%; 2013 được 42%; 2014 đạt 57,8%; năm 2015 tụt xuống 45,41%”.

Còn ông Đỗ Viết Hùng, Chủ tịch xã Xuân Giang thì cho biết, sau khi xã đạt chuẩn NTM tỷ lệ mua BHYT tự nguyện vẫn giữ ở mức trên 70%? Khi phóng viên hỏi con số thống kê cụ thể thì ông Hùng không đưa ra được.

Ông lý giải, năm nay xã không thu BHYT tự nguyện của dân. Bảo hiểm được bán rất nhiều ở các kênh như: đại lý, bưu điện… nên không thể thống kê được, đây cũng là cái khó của xã.

Tuy nhiên, ông Hùng cũng cho biết, 'tiêu chí BHYT' để duy trì được đúng sau khi hoàn thành NTM là rất khó.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Lê Xuân Dự, Trưởng phòng thu (BHXH tỉnh Thanh Hóa) cho biết, 6 tháng đầu năm 2015, tổng số thẻ BHYT phát hành trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đạt hơn 2,414 triệu thẻ (đạt 69,06%); giảm hơn 29 nghìn thẻ so với năm 2014.

Theo chỉ thị 05 ngày 2/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ, đến cuối năm 2015 Thanh Hóa phấn đấu đạt tỷ lệ người tham gia BHYT trên 75%, đến 2020 trên 80%. Tuy nhiên, đây là chỉ tiêu rất khó đạt nếu không có sự hỗ trợ từ ngân sách tỉnh.

Lê Dương

(còn nữa)