- Hàng loạt cán bộ của 5 chi nhánh ngân hàng bị Viện kiểm sát (VKS) đề nghị mức hình phạt từ 5 - 9 năm tù. Riêng PGĐ và Kế toán trưởng công ty Phương Nam bị đề nghị từ 15 - 17 năm tù.
Liên quan đến vụ đại gia thủy sản Phương Nam nợ 1.600 tỷ đồng có 27 bị cáo hầu tòa, trong đó 25 bị cáo là cán bộ tại 5 ngân hàng bị truy tố về tội danh “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Bị cáo Trịnh Thị Hồng Phượng (nguyên PGĐ Công ty Phương Nam) khóc nức nở trước tòa xin giảm hình phạt |
Hai bị cáo của công ty Phương Nam hầu tòa là Trịnh Thị Hồng Phượng (nguyên Phó giám đốc); Lâm Minh Mẫn (nguyên kế toán trưởng) bị truy tố tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo đại diện VKS, mặc dù biết công ty Phương Nam từ năm 2008 – 2012 kinh doanh thua lỗ gần 1.000 tỷ đồng và “vết trượt” của ông Lâm Ngọc Khuân (nguyên Chủ tịch HĐQT công ty Phương Nam) liên tục vay tiền để cứu vãn hoạt động kinh doanh. Vậy nhưng, kế toán Mẫn vẫn lập 19 bộ hồ sơ khống, nâng số hàng tồn kho không có thực để thế chấp vay vốn của 5 ngân hàng.
Sau khi khấu trừ các tài sản thế chấp, xác định kế toán Mẫn đã giúp ông Khuân lừa đảo chiếm đoạt số tiền của 5 ngân hàng trên 784 tỉ đồng.
VKS cho rằng có đủ cơ sở để luận tội Mẫn, Phượng đã giúp sức cho Lâm Ngọc Khuân lừa đảo chiếm đoạt tài sản hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên trước tòa, kế toán Mẫn và Phượng không chịu thừa nhận hành vi mà mình gây ra…
Đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Trịnh Thị Hồng Phượng và Lâm Minh Mẫn khung phạt từ 15 - 17 năm tù giam. Cả 25 bị cáo nguyên cán bộ (GĐ, PGĐ, cán bộ tín dụng - PV) mỗi bị cáo bị đề nghị từ 5 - 9 năm tù về tội danh nêu trên.
Bị cáo Nguyễn Thế Thắng (nguyên GĐ Ngân hàng Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Sóc Trăng) bị đề nghị mức án từ 7 - 9 năm tù |
Cụ thể, bị cáo Nguyễn Thế Thắng (nguyên GĐ Ngân hàng Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Sóc Trăng) bị đề nghị từ 7 - 9 năm tù; bị cáo Nguyễn Thị Bích Dung (nguyên PGĐ Ngân hàng ngoại thương –Chi nhánh Sóc Trăng) từ 7 – 8 năm tù; bị cáo Nguyễn Thanh Long (nguyên Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín – chi nhánh Sóc Trăng) bị đề nghị mức án từ 6 - 7 năm tù; bị cáo Nguyễn Văn Sơn (nguyên GĐ Ngân hàng TMCP An Bình – chi nhánh Bạc Liêu) bị đề nghị từ 6 – 7 năm tù; bị cáo Đỗ Hùng Sở (nguyên GĐ Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt – Sở giao dịch Hậu Giang) đề nghi từ 7 – 8 năm tù…
Phần trách nhiệm dân sự, VKS đề nghị HĐXX tuyên buộc bị cáo Lâm Ngọc Khuân, Trịnh Thị Hồng Phượng, Lâm Minh Mẫn và Lâm Ngọc Hân có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho 5 ngân hàng với số tiền trên 784 tỷ đồng…
Đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung Chiều 27/7, các luật sư bắt đầu bào chữa cho các thân chủ trong vụ án đại gia vay nợ gần 1.600 tỷ đồng rồi bỏ trốn. Luật sư Nguyễn Trường Thành (Đoàn luật sư TP Cần Thơ) cho rằng cần xác định lại tư cách người tham gia tố tụng, cụ thể trong vụ án này cần xem xét tư cách tham gia tố tụng của các tổ chức cá nhân: công ty Phương Nam tham gia tố tụng với tư cách gì? VKS Tối cao khi chuyển hồ sơ cho Tòa án xác định công ty Phương Nam là người có quyền và nghĩa vụ liên quan là không đúng. Theo ông Thành, bởi kết quả thẩm vấn và tài liệu điều tra cho thấy, công ty Phương Nam hiện nay là doanh nghiệp (DN) hình thành sau khi tái cơ cấu từ nguồn vốn của các chủ nợ. Do vậy, DN là bị đơn dân sự vì tất cả 5 ngân hàng tại phiên tòa đều có yêu cầu thủy sản Phương Nam chịu trách nhiệm kế thừa thanh toán nợ theo các hợp đồng tín dụng đã ký... Ngoài ra sự vắng mặt của một số người tham gia tố tụng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xác định nợ thật trong vụ án, đặc biệt là sự vắng mặt của lãnh đạo Ngân hàng VDB - người trực tiếp ký quyết định duyệt cho vay… Do vậy, luật sư Thành đề nghị HĐXX trả hồ sơ cho VKS Tối cao để tiến hành điều tra lại. Ngày mai 28/7, phiên tòa tiếp tục phần tranh luận. |
Quốc Huy