- Bà cụ kéo cửa đi thẳng vào, tay vén ống quần nói:“Toàn ơi chân cô đau lắm!”. Khó ai có thể hình dung được thái độ giao tiếp gần gũi đó diễn ra giữa bệnh nhân và bác sĩ trong phòng khám một bệnh viện tuyến quận..


Phòng khám rộn rã tiếng cười

Mô hình phòng khám bác sĩ gia đình được ngành y tế triển khai từ mấy năm qua nhằm tăng cường mạng lưới y tế tuyến cơ sở, giảm tải cho bệnh viện tuyến trên. Giữa các khó khăn trắc trở mà mạng lưới phòng khám gia đình đang gặp phải, cách triển khai tại Bệnh viện Quận 2 được cho là hiệu quả nhất, cần được nhân rộng.

Quan sát tại khu Khám bác sĩ gia đình tại Bệnh viện Quận 2, chúng tôi ghi nhận bệnh nhân rất đông. Mặc dù chỉ có 3 phòng khám, nhưng mỗi ngày tiếp nhận hơn 200 lượt bệnh. Đó thực sự là con số đáng nể đối với bệnh viện tuyến quận.

{keywords}
Mỗi ngày phòng khám bác sĩ gia đình tại BV Quận 2 khám trên 200 bệnh nhân. Ảnh: Thanh Huyền.

Từ đó, nhóm phóng viên không khỏi băn khoăn, điều gì khiến các bệnh nhân tin tưởng, lựa chọn khám bác sĩ gia đình ở đây đến thế?

Một buổi sáng ngồi trong phòng khám, chúng tôi đã hiểu ra lý do.

Các bác sĩ ở đây không biết bằng cách nào nhớ hết tên và hoàn cảnh bệnh nhân tái khám. Bệnh nhân trao đổi với bác sĩ không hề có sự khách sáo mà thân thiện, gần gũi như người nhà.

Trong lúc bác sĩ đang khám bệnh, một bà cụ đẩy cửa đi thẳng vào, vén ống quần lên nói: “Toàn ơi chân cô đau quá, giờ làm sao?”

Nam bác sĩ đang bận rộn nhưng không hề cáu gắt mà vui vẻ trả lời: “Cô đắp gì vào chân thế, đâu đưa con xem nào?”

Khi bà cụ vừa rời đi, một phụ nữ lớn tuổi khác cầm hồ sơ bước vào, vừa tới cửa nam bác sĩ đã lên tiếng: “Bà Tư à bà Tư, sao bà bỏ không tái khám tháng vừa rồi? Đấy, bây giờ đường lên cao thế này mới tới. À, hôm rồi sang khám từ thiện ở phường Thảo Điền con thấy bà đứng xếp hàng, nhận ra bà ngay…”

Người phụ nữ nghe bác sĩ nói vậy giả lả cười, tỏ ý biết lỗi: “Thôi được rồi lần sau tôi không bỏ khám nữa.”

Bác sĩ lại tiếp tục giải thích bằng ngôn ngữ rất bình dân: “Đường cao hay thấp không phải vấn đề đâu bà Tư, nhưng nếu bà không tái khám đúng hẹn để kiểm soát kịp thời, là hư luôn thận, mù hai mắt đó. Mù mắt sẽ không thấy đường nữa, hư thận phải đi chạy thận tốn nhiều tiền lắm. Rồi 8 đứa con bà đâu, sao không bảo tụi nó chở đi?”

Nghe tới đây, nữ bệnh nhân trả lời: “Con bận không đưa đi được, tôi nhớ sáng nay bác sĩ Toàn khám tại bệnh viện nên tự đến đấy chứ.”

{keywords}
Bệnh nhân tới khám ai cũng thoải mái, tươi cười. Ảnh: Thanh Huyền.

Rồi vị bác sĩ vanh vách giới thiệu với phóng viên về bệnh tình, tên tuổi của một nam bệnh nhân khác: “Người ngồi chờ đằng kia là anh Nhi. Anh Nhi bị di chứng bệnh mạch máu não, đăng ký tái khám ở đây. Cách đây không lâu gia đình thấy sức khỏe bệnh nhân bất thường nên gọi điện cho chúng tôi tới tận nhà kiểm tra. Nay anh ấy ổn hơn nhiều rồi!”

Có cả trường hợp 2 bố con cùng đưa nhau đi khám. Sau khi tái khám xong cho người cha, thấy ông cụ quay lại, bác sĩ Toàn hỏi: “Con khám xong cho ông rồi mà, ông cần trợ giúp gì nữa không?”. Nghe bác sĩ hỏi, ông lão cười, chỉ sang bên cạnh: “Toàn ơi, đây là con gái chú, nó cũng muốn tới kiểm tra sức khỏe…”

Một buổi sáng trôi qua, bác sĩ Toàn khám gần 50 bệnh nhân nhưng không khí trong phòng vô cùng thoải mái, cả bệnh nhân và bác sĩ đều rộn rã tiếng cười.

Chú trọng vào văn hóa giao tiếp

Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Quận 2 TP.HCM cho biết, ban lãnh đạo bệnh viện đặc biệt quan tâm tới mô hình phòng khám bác sĩ gia đình, bố trí cho phòng khám ở vị trí đắc địa nhất, ngay mặt tiền khu khám bệnh của bệnh viện.

3 phòng khám bác sĩ gia đình hoạt động dưới sự tham gia của 15 y bác sĩ từ Đại học Y dược TP.HCM và 4 y bác sĩ của Bệnh viện Quận 2 phối hợp, sắp lịch làm việc cố định.

Theo tiến sĩ - bác sĩ Lê Thanh Toàn, phụ trách Phòng khám bác sĩ gia đình Bệnh viện Quận 2, đối tượng của phòng khám bác sĩ gia đình chủ yếu là bệnh nhân mắc bệnh mãn tính, người cao tuổi.

“Yếu tố quyết định sự thành công của một phòng khám bác sĩ gia đình chính là con người.”, bác sĩ Toàn nói.

Sở dĩ bệnh nhân tới khám bác sĩ gia đình tại Bệnh viện Quận 2 rất đông do có bác sĩ của Đại học Y dược xuống chuyển giao kinh nghiệm, không chỉ xếp lịch ngồi khám trực tiếp, phối hợp với bác sĩ của bệnh viện, các bác sĩ tuyến trên còn đào tạo cho bác sĩ bệnh viện tuyến dưới...

Điểm khác biệt giữa bác sĩ gia đình và bác sĩ điều trị bình thường mà bác sĩ Toàn nhấn mạnh chính là văn hóa giao tiếp. Bình thường, bác sĩ khám bệnh chỉ chú trọng vào chuyên môn, không có thời gian để quan tâm tới tâm lý người bệnh.

Thế nhưng đối với bác sĩ gia đình, đối tượng bệnh nhân chủ yếu là người cao tuổi, dân lao động, hưu trí nên ngôn ngữ phải dân dã, bình dị, cách tiếp cận cũng phải khác hơn. Bác sĩ phải hạ văn hóa của mình xuống ngang văn hóa người bệnh thì mới trò chuyện được với họ.

{keywords}
Không khí trong phòng khám gia đình lúc nào cũng thoải mái, thân thiện. Ảnh: Thanh Huyền.

Bác sĩ Toàn dẫn chứng: “Với một bà lão mà tôi lại bảo cụ bị nhiễm con vi khuẩn Helicobacter pylori. Con này nguy hiểm lắm, có thể gây ung thư. Thế thì đương nhiên bệnh nhân sẽ chạy mất ngay, không bao giờ quay lại. Họ sẽ nghĩ là con vi khuẩn mà gây ung thư thì phải lên tuyến trên điều trị, tuyến quận huyện chữa thế nào được. Trong trường hợp đó, tôi phải nói cách khác, bảo với bà cụ cứ yên tâm, nếu điều trị đúng phác đồ thì 14 ngày sau cụ sẽ khỏi thôi.”

Thanh Huyền