- Trong vòng 3 ngày liên tiếp, tại Quảng Ninh liên tục xảy ra mưa lớn khiến người dân phải đối mặt với nhiều khó khăn, mất mát. Hiện các ngành chức năng đang dốc toàn lực cứu trợ người dân, khắc phục hậu quả để sớm ổn định cuộc sống.

Sạt lở nghiêm trọng, giao thông chia cắt

Báo cáo nhanh đến 13h ngày 29/7 từ UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, tại Vân Đồn, sáng nay, ở triền đồi khu vực cầu 2 Vân Đồn đã xảy ra sạt lở nghiêm trọng, gây chia cắt giao thông giữa Cẩm Phả với Vân Đồn. Công tác khắc phục hậu quả đang được tiến hành để sớm thông đường.

Cũng tại Vân Đồn, sáng nay, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Đọc đã khi đi kiểm tra, động viên và tặng quà các hộ dân bị ngập lụt trong mưa lũ ở thôn Bản Sen, xã Bản Sen. 

Trận mưa vừa qua đã làm ngập lụt đối với 27 hộ dân (với 85 nhân khẩu) tại thôn Bản Sen, chia cắt với các thôn còn lại. Thời điểm cao nhất nước lụt cao quá nóc nhà.

Trước tình hình trên, huyện Vân Đồn đã tiến hành di dời 27 hộ dân trên về nơi tránh, trú an toàn, đồng thời tổ chức thăm hỏi, động viên, cứu trợ cho các gia đình này.

Cô Tô cũng sạt lở tại 6 tuyến đường với chiều dài 300m và 2 tuyến kè bờ biển dài 25m, hiện đã tạm khắc phục.

Hiện vẫn còn 1.500 du khách du lịch ở lại đảo an toàn. Đã huy động 300 cán bộ chiến sỹ quân đội, biên phòng và thanh niên cứu giúp dân và khắc phục các điểm sạt lở, đảm bảo giao thông thông suốt và an toàn; 01 tàu đánh cá của ngư dân tỉnh Thanh Hóa đi từ Bạch Long Vĩ về Vân Đồn, đến gần đảo Hạ Mai thì chìm, dạt vào bờ, đã cứu được 1 người và 6 người đang mất tích.

Khu vực Cẩm Phả vẫn ngập úng cục bộ QL18A, ngập lụt trên 2.000 hộ dân tại các phường Quang Hanh, Cẩm Bình, Cẩm Tây…, khu vực phường Mông Dương, bãi thải Đông Cao Sơn bị vỡ, bùn thải tràn vào 40 hộ dân; mưa lũ đã làm thiệt hại nhiều tài sản có giá trị của nhân dân, tổng thiệt hại ước tính trên 100 tỷ đồng.

{keywords}
Người dân khắc phục hậu quả sau mưa lũ ở Cẩm Phả. (Ảnh: báo Quảng Ninh)

Thông tin mới nhất, đến chiều 29/7, TP. Cẩm Phả vẫn có mưa, công tác khắc phục vẫn đang được các lực lượng cùng nhân dân tích cực triển khai.

Hạ Long: Sập đổ hoàn toàn 15 nhà (tại các phường Cao Thắng, Cao Xanh, Hồng Hà, Hồng Hải, Hà Khẩu; hàng chục hecta hoa màu bị ngập úng, thiệt hại 2ha đầm nuôi trồng thủy sản; hơn 1.000 con gia cầm bị lũ cuốn trôi; đổ 06 cột điện cao thế và hạ thế… 

Quảng Ninh sẽ tiếp lũ chồng lũ

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương, do ảnh hưởng của rãnh thấp, từ ngày 25-28/7, ở khu vực Đông Bắc Bắc Bộ đã có mưa to đến rất to, riêng ở Quảng Ninh có lượng mưa từ 500-800mm, một số nơi có mưa đặc biệt lớn như Cô Tô: 850mm, Cửa Ông: 900mm.

{keywords}

Dốc Đèo Bụt phía phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả nước vẫn ngập sâu. (Ảnh: báo Quảng Ninh)

Mưa lớn đã khiến TP.Hạ Long và TP.Cẩm Phả ngập lụt diện rộng. Hàng loạt khu vực bị ngập sâu từ 1 - 2m. Cá biệt tại Bản Sen, Vân Đồn ngập sâu hơn 10m.

Do ảnh hưởng của mưa lớn, toàn bộ TP.Hạ Long, TP.Cẩm Phả bị tê liệt hoàn toàn về giao thông; các phường Cao Thắng, Cao Xanh, Hà Khánh, Hồng Hà, Hồng Hải, Yết Kiêu của thành phố Hạ Long, phường Quang Hanh của thành phố Cẩm Phả, Khu Bản Sen huyện Vân Đồn đang bị ngập lụt và chia cắt hoàn toàn, nhiều khu dân cư nhà ngập đến mái.

Trong trường hợp khẩn cấp, người dân có thể gọi điện thoại về Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ninh để có hướng dẫn và hỗ trợ kịp thời. Số điện thoại 033.3846.704.

Theo đánh giá, đây là trận mưa lũ lịch sử tại Quảng Ninh trong vòng 40 năm qua và theo dự báo, địa phương này có nguy cơ xảy ra lũ chồng lũ.

Tin từ Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, thời tiết khu vực tỉnh Quảng Ninh từ ngày 29/7 đến 3/8 sẽ tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to và có khả năng xảy ra lũ ống, lũ quét và dông, lốc trên biển.

Với thời tiết diễn biến phức tạp, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân tuyệt đối không chủ quan, chủ động phòng tránh và đề phòng lũ quét, sạt lở đất, dông, lốc...

17 người chết, thiệt hại ban đầu hơn 1.000 tỷ đồng

Đến sáng 29/7, mưa lũ lịch sử tại Quảng Ninh đã khiến 17 người chết, 6 người mất tích; hơn 3.000 hộ dân bị ngập, trong đó trên 1.600 hộ dân phải di dời, thiệt hại tài sản lên tới hơn 1.000 tỷ đồng.

{keywords}
Nước rút, người dân nhanh chóng dọn dẹp đường phố. (Ảnh: báo Quảng Ninh)

Trao đổi với VietNamNet sáng nay, ông Nguyễn Hữu Giang, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh cho biết, trên địa bàn mưa đã tạm dứt, tại TP.Hạ Long nước đã bắt đầu rút, chỉ còn một số ít điểm ngập sâu. Khu vực bị chia cắt chủ yếu nằm ở các phường Cao Thắng, Hà Phong, Cao Xanh...

Tại TP.Cẩm Phả, phường Quang Hanh, Mông Dương bị ngập nặng nhất và vẫn đang bị chia cắt.

Ngoài đảo Cô Tô hiện vẫn còn 1.500 du khách đang mắc kẹt ngoài đó do sóng to chưa thể vào được đất liền.

Để phục vụ công tác ứng cứu, tìm kiếm cứu nạn, Quảng Ninh đã dốc toàn bộ lực lượng, đồng thời lãnh đạo tỉnh trực tiếp gọi điện lên Trung ương nhờ hỗ trợ lực lượng ứng cứu với tổng trên 3.000 người.

Mất nước sạch từ 1 đến 2 tuần

Mưa lớn kéo dài trên địa bàn tỉnh đã gây sạt lở đất đá nghiêm trọng làm gẫy tuyến ống D800 của Nhà máy nước Diễn Vọng. Đây là tuyến ống chính cấp nước sạch cho TP Hạ Long và TP Cẩm Phả. Đồng thời, nhiều tuyến ống nước của Xí nghiệp Nước Cẩm Phả, và nhiều trạm bơm nước bị ngập, ảnh hưởng đến kế hoạch cấp nước của Xí nghiệp Nước Cẩm Phả, Xí nghiệp Nước Hồng Gai.

Việc khắc phục đang được Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh tiến hành, tuy nhiên do vị trí sự cố tuyến ống nằm giữa moong nước và hiện tại mưa lũ vẫn tiếp diễn nên rất khó khăn để sửa chữa. Do đó, việc cấp nước phục vụ nhân dân có thể phải tạm ngừng trong thời gian từ 1 đến 2 tuần.

Bên cạnh đó, sau bão lũ, nhiều gia đình bị nước ngập, bị ô nhiễm bởi nước thải, các công trình vệ sinh, chuồng trại, xác động thực vật... khuếch tán vào nước, gây tiêu chảy do nhiễm khuẩn đường ruột, đau mắt, nhiễm khuẩn da, sốt xuất huyết, sốt rét... Để phòng, chống dịch bệnh sau bão lũ, Sở Y tế hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe nhân dân.  

VietNamNet sẽ tiếp tục cập nhật vào những bản tin sau.

Trước đó, vào tối qua (28/7), các lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể cuối cùng trong vụ 9 người bị vùi lấp vì sạt lở đất tại tổ 44, khu 4, phường Cao Thắng, TP.Hạ Long.

Nạn nhân cuối cùng được xác định là cháu Cao Xuân Việt (SN 2001, trú tại tổ 44, khu 4, Cao Thắng, TP Hạ Long), con của anh Cao Tiến Vỹ. Cách đó vài giờ thi thể bà Nguyễn Thị Thược (SN 1940, mẹ anh Vỹ) cũng đã được tìm thấy.

Như vậy, đến tối 28/7, cả 9/9 nạn nhân trong vụ sập nhà ở tổ 44, khu 4, phường Cao Thắng đã được tìm thấy.

T.Hạnh - Đ.Bảo