- “Nếu VIDIFI không được tăng phí đường bộ tại QL5, thì phương án tài chính của cao tốc Hà Nội – Hải Phòng vừa được phê duyệt có thể bị “phá sản”, ông Đào Văn Chiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng công ty Phát triển Hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) cho biết.

Theo ông Chiến, Thủ tướng đã chỉ đạo ngay tuần đầu tháng 12/2015 phải đưa vào vận hành toàn bộ dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Vì vậy, VIDIFI sẽ phải hoàn thành 90 km đoạn qua tỉnh Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng ngay trong tháng 9 và đến tháng 11 phải hoàn thành 15 km còn lại.  

Tuy nhiên, để cân đối phương án tài chính, mới đây VIDIFI đề xuất được tăng mức phí tại QL5 theo phương án tài chính đã được Thủ tướng chấp thuận là thực hiện đúng cam kết với đối tác nước ngoài (nhà đầu tư Ấn Độ) đang dự kiến nhận chuyển nhượng một phần hợp đồng BOT dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.

{keywords}
VIDIFI Chủ đầu tư đề xuất tăng mức phí theo lộ trình (Ảnh: Thanh niên).

Ông Chiến nói rõ, việc VIDIFI đề nghị tăng mức thu phí trên QL5 là thực hiện theo đúng hợp đồng BOT Dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đã ký từ năm 2007.

Theo phương án tài chính của dự án này (được Thủ tướng chấp thuận hồi tháng 5 vừa qua) thì VIDIFI được tăng phí theo thời gian như các trạm thu phí khác (hiện mức thu trên QL5 là 10.000 đồng/lượt xe dưới 9 chỗ, mức thu này đã thực hiện 10 năm nay chưa thay đổi và là mức phí thấp nhất toàn quốc).

Trong khi đó, mức thu phí sử dụng đường bộ tại các tuyến quốc lộ đều đã điều chỉnh tăng theo mức khung quy định tại thông tư 159 gấp 2-3 lần so với mức phí QL5 đang thu .

“Nếu VIDIFI không được tăng phí đường bộ tại Quốc lộ 5, thì phương án tài chính của cao tốc Hà Nội – Hải Phòng vừa được phê duyệt có thể bị “phá sản”, ông Chiến nói.

Ông Chiến thừa nhận, việc đề nghị tăng phí lẽ ra cần có thời gian để tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp hiểu rõ và ủng hộ, nhưng vấn đề này đã đặt ra trong phương án tài chính, nếu không điều chỉnh phí lên thì đối tác nước ngoài nhận chuyển nhượng dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng sẽ “hoài nghi” về tính khả thi.

Khi dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng được chuyển nhượng cho đối tác thì nhà đầu tư sẽ đứng ra sắp xếp, làm việc với các nhà tài trợ vốn để cho dự án vay với số vốn dự kiến lên tới 1 tỷ USD.  

{keywords}
QL5 đang được nhà đầu tư Ấn Độ quan tâm mua lại.

Chủ tịch Hội đồng quản trị VIDIFI cũng nói rõ, Tổng công ty đã cố gắng hết sức để tăng các nguồn thu khác và đảm bảo mức thu phí ở mức hợp lý, nhưng việc tăng phí QL5 là bất khả kháng trong điều kiện ngân sách nhà nước có hạn và nợ công đang tăng cao nên ngân sách không thể hỗ trợ thêm.

Giải thích thêm về phương án tài chính của dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Chủ tịch VIDIFI cho biết, trong cơ cấu vốn cho dự án này VIDIFI nhận được sự hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách 23%; thu từ các dự án phát triển 16% và được quyền thu phí QL5 theo mức thu tại Thông tư số 159.

Theo phương án tài chính được duyệt, dự kiến, từ ngày 1/1/2016, Bộ GTVT sẽ chuyển QL5 sang cho VIDIFI quản lý, khi đó VIDIFI sẽ chịu trách nhiệm sửa chữa, bảo trì tuyến đường này bằng nguồn kinh phí thu được từ các trạm thu phí.

Trước đó, năm 2012, VIDIFI đã trích kinh phí từ nguồn thu phí QL5 với gần 400 tỷ đồng để trả nợ 50% vốn vay đầu tư Dự án cải tạo, khôi phục mặt đường QL5 để giải quyết tình trạng xuống cấp của QL5, đảm bảo an toàn giao thông và duy trì khả năng khai thác tuyến đường.

Vũ Điệp