- Chiếc cầu dài gần 200m đã bị đứt dây cáp một bên, nhiều tấm ván gỗ lót trên bề mặt bị mục, lan can được làm bằng những thanh gỗ tre buộc dây thép hoen gỉ này lại là con đường độc đạo của 1.000 nhân khẩu ở thôn Thuận Hòa với bên ngoài.

Cầu phao xuống cấp

Đã rất nhiều năm nay, người dân thôn Thuận Hoà, xã Quảng Trường, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) hằng ngày phải đi qua chiếc cầu phao đang bị xuống cấp nghiêm trọng.

{keywords}
Cây cầu phao dài gần 200m là con đường độc đạo nối “ốc đảo” Thuận Hòa với bên ngoài


Thôn Thuận Hòa được ví như một “ốc đảo” vì nằm cô độc giữa dòng sông Gianh, bao quanh bốn bề là nước. Trước đây, muốn qua lại thôn này người dân chỉ có một phương tiện duy nhất là đò.

Năm 2005, người dân đã cùng nhau đóng góp để làm một chiếc cầu phao với mong muốn việc đi lại giao thương thuận tiện, trẻ em đến trường cũng đỡ vất vả hơn.

Ông Hoàng Anh Vũ, Trưởng thôn Thuận Hoà cho biết, toàn thôn có 178 hộ với 997 nhân khẩu, tuy sống giữa “ốc đảo” nhưng sản xuất nông nghiệp lại ở bên này sông nên ngày ngày bà con đều phải đi qua cây cầu phao mới đến được nơi sản xuất và giao thương…

Vào năm 2013, trận lũ lịch sử đã cuốn phăng cây cầu của người dân, thôn Thuận Hòa bị cô lập suốt một thời gian. Sau khi nước rút, bà con lại đi nhặt từng chiếc thùng phuy, tấm gỗ về để lắp ráp lại.

Từ đó đến nay, chiếc cầu ngày càng bị xuống cấp, mùa mưa lũ đang đến gần, nhìn chiếc cầu phao đã bị đứt dây cáp một bên, nhiều tấm ván gỗ trên bề mặt cầu bị mục mối, bong tróc, lan can của cầu là những thanh gỗ tre bó buộc lại bằng những sợi thép đã hoen gỉ.

{keywords}
Cây cầu đã bị xuống cấp

Còn ở phía dưới dòng nước, hàng trăm chiếc thùng phuy cái thủng, cái mòn được kết với nhau bằng những sợi dây cao su khiến bề mặt cầu có lúc nghiêng hẳn về một bên khiến bà con vô cùng rất lo lắng.

Hàng ngàn người mong cầu treo kiên cố

Không chỉ giao thương, đi lại mà hiện nay cả thôn có gần 300 học sinh từ cấp tiểu học đến THPT hằng ngày phải đi cầu phao qua sông tới trường.

Trò chuyện với PV, ông Mai Xuân Nhung (68 tuổi) nói: “Cây cầu là con đường duy nhất nối thôn Thuận Hòa với cuộc sống bên ngoài. Người lớn chúng tôi qua cầu chú ý thì còn đỡ, chỉ lo bọn trẻ con. Mỗi lần chúng đi học qua là tôi phải chạy ra ngó ngiêng, lỡ gặp phải sự cố chi, còn kịp bơi ra ứng cứu”

Chị Đoàn Thị Luyến (43 tuổi) cho hay, chị làm nghề buôn bán nên hằng ngày phải qua lại trên cầu ít nhất 2 lần. “Ai đi qua cầu mà không bình tĩnh, ngó ngàng kỹ là rơi xuống nước như chơi. Mà nước sông Gianh thì sâu lắm, rơi xuống không biết bơi là mất mạng”.

{keywords}
Nhiều chỗ ván đã hư hỏng


Được biết, cây cầu có thiết kế dài 195m, rộng 2m, nguồn kinh phí xây dựng chủ yếu từ người dân và được đưa vào sử dụng năm 2005.

“Mấy năm trở lại đây, do cây cầu xuống cấp nên chính quyền xã đã khuyến cáo người dân nên cẩn thận mỗi khi qua cầu. Bên cạnh đó, chúng tôi vẫn thường xuyên đến kiểm tra, nếu phát hiện có điểm nào hư hỏng thì sửa chữa tạm cho bà con đi. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là biện pháp trước mắt”, ông Trần Văn Tiến - Chủ tịch UBND xã Quảng Trường cho biết.

Hiện nay, cả thôn có gần 300 học sinh hằng ngày đến trường bằng chiếc cầu này, nhưng cứ đến mùa mưa lũ là phải nghỉ học. Một cây cầu kiên cố đang là mơ ước bao đời của hàng ngàn người dân trên “ốc đảo” này.

Hải Sâm