Bốn người bị tuyên án cao nhất trong vụ thảm sát ở Sóc Trăng. Tuy nhiên, chỉ một người bị xử bắn, còn lại là vượt ngục và được giảm tội nên thoát chết.
Vụ thảm sát 9 người ở Rạch Sậy (Cù Lao Dung, Sóc Trăng) xảy ra hơn một phần tư thế kỷ, nhưng nông dân Trần Thanh Tịnh (Út Tịnh, ngụ xã Đại Ân 1) còn nhớ như in.
Khi đó, người đàn ông 55 tuổi này là ủy viên thư ký xã, trực tiếp chứng kiến cảnh sát tìm kiếm, khám nghiệm thi thể các nạn nhân. Ông cũng có mặt lúc lãnh đạo huyện kỷ luật nguyên trưởng công an xã để phục vụ điều tra.
Theo ông Tịnh, gần 30 năm trước, Trương Tuấn Kỵ là trưởng công an xã nhưng ông này được tổ chức cho đi học bổ túc văn hóa ở Lịch Hội Thượng (huyện Trần Đề ngày nay).
Do bận việc nương rẫy, Kỵ xin học tại chức ở cơ quan và cấp trên đồng ý. Lúc đó, cha vợ của Kỵ là cán bộ có chức vụ cao ở huyện Long Phú.
Ông Út Tịnh kể lại lúc chứng kiến cơ quan chức năng giám định tử thi, phát hiện nhiều nạn nhân bị vật cứng đập vào phía sau đầu. |
Khi Nguyễn Văn Nay bị bắt, tên này khai ra các đồng phạm, trong đó có Kỵ. Chính vì chức vụ, thành phần gia đình Kỵ có công với cách mạng, nên lúc đầu lãnh đạo huyện Long Phú không tin trưởng công an xã liên quan đến trọng án.
"Để thuyết phục cấp trên trong việc kỷ luật cán bộ, công an huyện cho trưởng ban tổ chức huyện ủy nghe băng ghi âm lời khai của Nay. Nghe xong, lãnh đạo huyện tức tốc họp ban thường vụ, soạn văn bản khai trừ Đảng đối với Kỵ", ông Tịnh nhớ lại.
Sau khi trao đổi với Bí thư và Phó bí thư xã Đại Ân 1, người đứng đầu ban tổ chức huyện ủy nhận định, Kỵ có thể mang theo súng bên mình. Vì vậy, muốn mời trưởng công an sở tại từ nhà đến trụ sở xã vào ban đêm, mọi người cần phải có kế hoạch thật thận trọng, phòng ngừa nghi can manh động.
"Anh Nguyễn Văn Lốn là Phó bí thư xã lúc đó, được phân công đi mời Kỵ lúc 2h sáng. Vừa đến xã, Kỵ nghe tổ chức đọc quyết định khai trừ Đảng đối với mình. Nghe xong, Kỵ chưa kịp phản ứng gì thì ông Hai Giang ở phòng bên lao qua khống chế nghi can, còng tay rồi mới đọc lệnh bắt người khẩn cấp. Sau đó mới biết Kỵ đã bàn giao súng cho người kế nhiệm", ông Tịnh nói.
"Các thi thể chôn nằm sắp, nằm nghiêng, trói ngồi đủ kiểu. Trong đó, hố chôn anh Điền cạn nhất, nên một tuần sau cánh tay trương phình đã lú lên và hai nông dân đi tìm mồi nhậu đã phát hiện. Lúc tìm xác các nạn nhân, tôi thấy trên các tàu lá dừa nước chưa bị chặt dính đầy bùn đất và có dấu ngón tay người", ông Hai Giang nhớ lại.
Gần một năm từ ngày xảy ra vụ thảm sát ở Rạch Sậy, TAND tỉnh Hậu Giang (cũ) mở phiên xét xử lưu động tại rạp hát Hòa An ở thị xã Sóc Trăng, nay là TP Sóc Trăng. Hơn một nghìn người đến xem xử án và HĐXX đã tuyên 4 án tử hình đối với Nguyễn Văn Kẹp, Nguyễn Văn Hải, Trương Tuấn Kỵ và Trần Văn Sang vì tội Giết người, Cướp tài sản và Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài. Nguyễn Văn Nay cũng bị cho là phạm phải 3 tội nhưng lĩnh án chung thân do có nhân thân tốt.
Trao đổi với phóng viên, luật sư Nguyễn Trường Thành, Trưởng văn phòng Luật sư Vạn Lý (TP Cần Thơ) cho biết, bản án sơ thẩm tuyên tử hình 4 người sau đó bị kháng cáo. Kỵ với 2 bị cáo Sang, Nay cho rằng, họ không phạm tội Giết người, Cướp tài sản và hung thủ giết người là Hải, Kẹp.
"Cấp phúc thẩm tuyên hủy toàn bộ án sơ thẩm, điều tra và xét xử lại vì Hải với Kẹp có dấu hiệu thông cung. Hai tên này tìm cách trao đổi thư qua lại, đổ tội cho Kỵ với những bị cáo khác. Vì vậy, khi xử sơ thẩm lần hai, chỉ có Hải với Kẹp lĩnh án tử hình, 3 người còn lại bị cáo buộc Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài", luật sư Thành nói.
Sân vận động huyện Long Phú, nơi Hải bị tử hình. |
Theo Điều 88 Bộ Luật hình sự năm 1985, hành vi của Kỵ, Sang và Nay có mức án cao nhất lên đến 20 năm tù (gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng). HĐXX sơ thẩm lần 2 đã tuyên Kỵ 16 năm tù, Sang và Nay mỗi người lĩnh 14 năm. Sau khi chấp hành án xong, 3 người này về lại Cù Lao Dung sinh sống đến nay.
"Kết quả giám định lại đã xác định hung khí gây án chỉ có duy nhất là chiếc cột chèo đánh vào đầu các nạn nhân. Như vậy, Hải với Kẹp mới là người giết chết 9 người, 3 bị can còn lại không có hành vi Giết người, Cướp tài sản. Kỵ, Sang và Nay kháng cáo xin giảm án, nhưng cấp phúc thẩm sau đó đã tuyên y án sơ thẩm", người bào chữa chỉ định cho Kỵ kể.
Trong những ngày ở chốn lao tù, Nay vượt ngục nên bị lực lượng làm nhiệm vụ bắn gãy chân. Hải bị xử bắn tại sân vận động Long Phú. Khi chờ ngày đền tội, Kẹp bẻ song sắt nhà giam trốn, đến nay chưa bắt được.
"Có thể Kẹp đã trốn ra nước ngoài. Ở Cù Lao Dung, người dân phát quang rừng rậm, đào đất ven sông Hậu cũng thường đào gặp xương người. Không biết nạn nhân là ai, ở đâu, có liên quan gì đến những trường hợp đi vượt biên hay không. Điều này vẫn còn là điều bí ẩn", cựu thượng tá công an Nguyễn Minh Lượm (nguyên Phó Công an huyện Long Phú) chia sẻ.
Ông Mạch Ngọc Tú - Bí thư Đảng ủy xã Đại Ân 1 cho biết, theo thời gian, những nạn nhân trong vụ thảm sát 9 người ở Rạch Sậy đã được người thân bốc mộ, mang hài cốt về Trà Vinh và TP HCM.
9 người quê TP HCM và Trà Vinh muốn vượt biên vào năm 1986, trong đó có bé gái 4 tuổi và một phụ nữ mang thai. Họ được thanh niên tên Thọ dẫn đường từ bến đò Rạch Ngát đến xã Đại Ân 1 của huyện Long Phú (Hậu Giang cũ), nay là huyện Cù Lao Dung của tỉnh Sóc Trăng. Tại cù lao giữa sông Hậu, những người họ hàng của nguyên trưởng công an xã Đại Ân 1 thời bấy giờ đã dẫn nhóm vượt biên đến Rạch Sậy, chờ đêm xuống đi xuồng ra tàu chờ ngoài cửa biển. Từ nửa đêm về sáng của một ngày tháng tám, 9 người bị Nguyễn Văn Hải và đồng bọn giết chết để cướp tài sản. Thi thể nạn nhân được hung thủ đào hố chôn rải rác trong rừng dừa nước gần căn cứ Huyện ủy Long Phú (cũ). Một tuần sau đó, 2 nông dân đi bắt cá đã phát hiện cánh tay người giơ lên trong đống lá dừa nước. Vụ thảm sát gần 30 năm trước từng gây chấn động dư luận cả nước. Từ chiếc mã não đeo trên tay một nạn nhân, công an đã lần ra dấu vết của hung thủ giết người. |
* Tên một số nhân vật liên quan vụ án đã thay đổi.
(Theo Zing)