- Vào giữa tháng 6/2015, chiếc cầu treo dân sinh có vốn đầu tư khoảng 3,5 tỷ đồng tại xóm 6, xã Sơn Thọ (Vũ Quang - Hà Tĩnh) được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, nhiều người dân bàn tán xôn xao, cây cầu tiền tỷ này chỉ để phục vụ vài hộ dân, trong đó có nhà ông Chủ tịch xã?

Dân có được hưởng lợi?

Nằm trong Đề án xây dựng 186 cầu treo dân sinh trên phạm vi 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên của Bộ GTVT, tỉnh Hà Tĩnh đã được đầu tư để xây dựng 4 cây cầu.

4 địa điểm được chủ đầu tư Tổng cục đường bộ (Bộ GTVT) chọn xây cầu gồm xóm 6, xã Sơn Thọ và chợ Quánh, xã Hương Thọ (cùng huyện Vũ Quang); xóm 6, xã Hương Lâm và xã Hương Giang (cùng huyện Hương Khê).

{keywords}

Cây cầu treo dân sinh bắc qua Khe Tây, xóm 6, xã Sơn Thọ gây xôn xao khi chỉ phục vụ vài ba hộ dân.

{keywords}

Do chỉ vài hộ dân sử dụng nên cây cầu treo luôn sạch bóng.


Tại xã Sơn Thọ, cầu treo bắc qua Khe Tây (xóm 6) được đầu tư 3,5 tỷ đồng, đại diện thay chủ đầu tư là ban quản lý dự án III, khởi công xây dựng vào tháng 1 đến tháng 6/2015 hoàn thành.

Tuy nhiên, từ khi cây cầu này được đưa vào sử dụng, người dân địa phương bàn tán xôn xao rằng, cầu chỉ phục vụ nhu cầu đi lại của một vài hộ dân bên kia Khe Tây.

Và đặc biệt, cầu treo nối con đường thôn hướng thẳng vào ngõ nhà ông Nguyễn Khắc Hội, Chủ tịch UBND xã Sơn Thọ.

{keywords}
Trong khi cách đó không xa, vẫn có cây cầu khác kiên cố.

Chiếc cầu treo dân sinh dài khoảng 200m, rộng gần 2m, tải trọng chỉ 0,5 tấn. Cách cây cầu treo này không xa, vẫn còn cây cầu khác có tên gọi cầu “Gãy” vẫn còn rất kiên cố.

Con đường đất dẫn từ vài hộ dân tới cầu Gãy chừng vài trăm mét và phải qua một con rạch rộng vài mét.

“Các anh thấy đó, chiếc cầu cũ liên thôn còn dùng rất tốt. Ấy vậy mà người ta lại bỏ cả mấy tỷ để xây một cây cầu ngay bên cạnh, mà chỉ có vài hộ dân bên kia, trong đó có nhà ông Chủ tịch xã. Nhiều nơi còn cần cầu hơn ở đó”, một người dân khác phản ánh.

“Trên cho thì nhận chứ chưa cấp bách”

Trao đổi về vấn đề với VietNamNet, Chủ tịch UBND xã Sơn Thọ, ông Nguyễn Khắc Hội cho biết, cầu treo dân sinh mới dẫn vào khu dân cư của 23 hộ dân đã ở (trong kế hoạch là trên 50 hộ dân) thuộc xóm 6 của xã.

Có 5 hộ dân ở phía ngoài và 18 hộ dân cùng nhiều hộ có đất sản xuất ở phía phía sâu bên trong. Tuy nhiên theo tìm hiểu của PV thì thực tế chỉ có 2 hộ (trong đó có ông Hội) hưởng lợi trực tiếp từ cầu treo, còn những hộ còn lại phía trong chỉ quen đi đường tắt qua cầu Gãy.

{keywords}
Cầu phao Phương Mỹ, nơi hàng ngày có rất nhiều người dân phải đánh đu tính mạng khi qua đây lại không được chọn để xây cầu vì không đáp ứng yêu cầu.

Cũng theo ông Thọ, “cầu Gãy nằm trên tuyến đường khác, dẫn qua xã Hương Điền (huyện Vũ Quang) và đi lên xã Sơn Tây (huyện Hương Sơn), chứ không phục vụ cho xã Sơn Thọ”.

“Địa bàn rừng núi nên khe suốt bao bọc, chia cắt. Chỉ một cây cầu (cầu Gãy) không thể đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Để xây dựng cầu treo này, đích thân Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ đã trực tiếp về khảo sát thực địa 4 - 5 lần rồi mới đồng ý. Chứ không phải ai muốn làm là làm được”, ông Hội giải thích.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang Phạm Quốc Thanh, vừa qua huyện giới thiệu 3 địa điểm và được chọn 2 nơi để xây cầu. Và việc xây ở đâu là quyết định của Bộ GTVT, huyện chỉ bàn giao mặt bằng.

Tuy nhiên, chính vị Phó chủ tịch cũng thừa nhận, việc xây cầu treo qua Khe Tây, xóm 6, xã Sơn Thọ chưa tới mức cấp bách.

“Trên cho thì nhận thôi. Nếu huyện đầu tư thì câu chuyện hoàn toàn khác” - ông Thanh bộc bạch.

Ông Nguyễn Quý Trung - Ban Quản lý dự án phát triển giao thông và quản lý vốn sự nghiệp Hà Tĩnh (Sở GTVT Hà Tĩnh), thành phần tư vấn quản lý dự án cầu treo dân sinh cho hay, mọi việc (điều tra khảo sát làm cầu treo) đều do ban quản lý dự án III làm. Đến lúc thi công, mới giao cho đơn vị quản lý dự án.

{keywords}

Dư luận đang bàn tán xung quanh chuyện đầu tư lãng phí đối với cây cầu này. Trong lúc đang còn rất nhiều nơi cần được đầu tư thì "dự án không về"

“Cầu treo dân sinh ở xóm 6 là theo đề xuất của xã Sơn Thọ và huyện Vũ Quang”, ông Trung nói.

Liên quan tới vấn đề, nhiều người đặt ra câu hỏi, liệu vị trí xây cầu treo dân sinh ở xóm 6, xã Sơn Thọ đã tới mức cấp thiết?

Trong khi tại xã Phương Mỹ - được xem là "rốn lũ" của huyện Hương Khê, nơi mỗi ngày hàng ngàn người dân phải đánh cược tính mạng khi đi qua chiếc cầu phao ghép từ những mảnh gỗ lâu năm đã nứt, chằng néo bằng dây thép qua sông Ngàn Sâu thì không được đầu tư.

Theo ông Nguyễn Quý Trung, yêu cầu để "duyệt" xây cầu treo là khu vực đó phải cao hơn mực nước lũ lịch sử 1m. Như thế thì đường vào cầu rất dốc, thậm chí dốc thẳng đứng.

Ngoài ra, khoảng cách giữa 2 đầu cầu phải từ 120m trở về, trong khi tại cầu phao Phương Mỹ lại dài hơn 200m.

Với những lý do đó, cầu tại xã Phương Mỹ không được chọn để làm, dù địa điểm này có trong danh sách nơi được xét duyệt để xây cầu treo.

Văn Đức - Xuân Song