- Thời gian này những năm về trước, thầy mo ở bản Rào Tre (Hương Liên, Hương Khê, Hà Tĩnh) đang bận rộn với công việc cúng bái, chữa bệnh, thì nay ông Hồ Phúc đang ngồi xếp xỏ ở một góc tường, nhàn rỗi, buồn bã vì vừa “mất chức” thầy mo của bản.
Thay thầy mo vì không còn tin vào ‘ma rừng’
Dân tộc Chứt ở bản Rào Tre vốn là một tộc người sinh sống trong hang động ở trên dãy Trường Sơn.
Cách đây 25 năm, những tộc người bé nhỏ và rất sơ khai này được bộ đội biên phòng đón về xã Hương Liên sinh sống, giúp họ sớm hòa nhập với xã hội văn minh.
Mọi sinh hoạt, phong tục tập quán, những hủ tục lạc hậu cũng dần thay đổi. Đặc biệt là vai trò, vị trí của thầy mo đối với đồng bào dần phai mờ, việc chữa khám chữa bệnh, bốc thuốc cho người dân đã được những chiến sỹ ở Trạm BP Rào Tre (Đồn BP 565) đảm nhiệm.
Thầy mo Hồ Phúc vừa bị phế truất vì dân bản không còn tin vào cúng bái chữa bệnh, ma rừng nữa. Ảnh: Thiện Lương |
Trong căn nhà nhỏ xập xệ, tồi tàn, ông Hồ Phúc ngồi bệt, soài người dưới nền nhà đầy bụi bẩn, đưa ánh mắt nhìn ra ngoài khoảng không vô định. Ngày trước ông thường bận rộn với công việc chữa bệnh bằng việc cúng bái, thì giờ đây căn nhà nhỏ vắng vẻ, ít người qua lại.
Ông hết việc để làm, mất công việc chữa bệnh, cúng bái. Hồ Phúc rầu rĩ nói: “Sức khỏe yếu, phán bệnh không đúng nữa nên người dân bầu ông Hồ Phượng thay thế tôi làm thầy mo”.
Nói đoạn, ông tự tin khoe về “chiến tích” mình đạt được: “Tôi làm nghề ni lâu lắm rồi, từ lúc cha tôi còn sống ấy. Ngày trước họ đều nhờ tôi chữa bệnh, cúng bái”. Tiếp đó ông Phúc chê luôn thầy mo mới của bản, “Ông Hồ Phượng mới lên không làm được việc mô”.
Mặc dù đã bị thay thế, nhưng thầy mo Hồ Phúc vẫn luôn tin vào “ma rừng”, thứ “bùa hộ mệnh” của ông trong suốt nhiều năm.
Trung tá Dương Thanh Tịnh đang trò chuyện với cựu thầy mo, khuyên ông chăm chỉ lao động. Ảnh: Duy Tuấn |
“Tôi chữa bệnh giỏi lắm, nếu có người bệnh, mang đến nhà tôi, tôi nhắm mắt lại thì sẽ nghe ma rừng nói, nếu ma rừng nói rằng người này chữa được khỏi bệnh thì tôi chữa, còn ma rừng mà nói không chữa được thì tôi không chữa được mô. Chỉ có nước chết thôi” – Hồ Phúc nói cười khoe mẽ.
Trung tá Dương Thanh Tịnh, Tổ trưởng Tổ biên phòng cắm bản cho biết: “Ngày trước chỉ vì Hồ Phúc bị căn bệnh sốt rét ác tính, suýt chết. Anh em bộ đội đã kịp thời cứu chữa. Vì ông ta bị bệnh nhưng không thể chữa khỏi cho chính mình nên dân họ không còn tin vào ông nữa.
Đồng bào cho rằng ông Phúc không thể chữa khỏi bệnh cho mình thì làm sao có thể chữa được bệnh cho dân. Từ đó ông mất đi sự tín nhiệm, vị trí của ông trở nên lỗi thời”.
Vì bị phế truất, dân không còn tin tưởng đến khám chữa bệnh nên hiện tại Hồ Phúc rất buồn chán, thậm chí mấy tháng trời không cần tắm rửa. Hằng ngày ngồi ở nhà nhìn ra đường.
Chân dung cựu thầy mo Hồ Phúc, người có thâm niên hàng chục năm “hô mưa gọi gió” ở bản làng người Chứt. Ảnh: Duy Tuấn |
Mới đây khi đang làm việc, trung tá Tịnh thấy người dân kéo đến đề đạt nguyện vọng, nhờ biên phòng thay thế thầy mo Hồ Phúc, cho ông Hồ Phượng làm thầy mo mới. Ông Hồ Phúc hay chè chén, nát rượu, nên chữa bệnh không còn chính xác, cúng bái không đúng nữa.
Tuy nhiên, so với thầy mo trước thì nay Hồ Phượng chỉ đảm nhiệm việc cúng bái chứ không chữa bệnh. Ông làm những công việc mang lại sự phấn chấn cho tinh thần của người dân.
“Thầy mo nay khác trước. Giờ ông chỉ cúng cầu cho mưa thuận, gió hòa, ăn nên làm ra, cầu cho anh em bộ đội biên phòng sức khỏe dồi dào, tai qua nạn khỏi. Đến Tết cơm mới của dân bản, ông thầy mo này lại cầu cho mùa màng bội thu” – Trung tá Tịnh chia sẻ thêm.
Sự thức tỉnh mạnh mẽ của đồng bào
Ngày trước, người ta vẫn nghẹn lòng với những nỗi đau xuất phát từ hủ tục lạc hậu. Những cách chữa bệnh kì quái, việc tin theo con “ma rừng” của thầy mo đã cướp đi bao sinh mệnh của đồng bào ở đây.
Với sự sát cánh của Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh, bản Rào Tre ngày một đổi mới, hủ tục dần xóa bỏ, đời sống bà con được cải thiện đáng kể. Ảnh: Duy Tuấn |
Việc phế truất thầy mo cũ, bầu thầy mo mới theo ý nguyện bà con, tin vào bộ đội, không tin vào hủ tục chứng tỏ nhận thức của đồng bào đã chuyển biến đáng kể. Hình ảnh về một vị thầy mo đầy uy lực trong mắt người dân nay chỉ là dĩ vãng.
Trung tá Tịnh khẳng định: “Việc họ yêu cầu thay thế thầy mo là một sự chuyển biến rất lớn, một sự trỗi dậy mạnh mẽ trong nhận thức của người dân bản Rào Tre. Bởi lẽ họ không còn tin tưởng nhiều vào thầy mo, ốm đau họ không tìm đến cúng bái mà tìm đến bộ đội”.
Ngày trước, tục lệ của bản được đặt ra như một điều bất di bất dịch. Những người mẹ sinh đẻ phải tự ra bờ suối sinh con một mình, phụ nữ 'đến kì' không được ở trong nhà vì bị cho là hôi hám, bẩn thỉu, mang lại điều xui xẻo cho dân làng.
Nay, những câu chuyện cười ra nước mắt đó không còn tồn tại mà đã được cải biến theo đời sống mới, với sự giúp đỡ hết sức của cán bộ chiến sỹ biên phòng.
Mặc dù chưa được vào trong nhà để ở trong kì sinh đẻ, nhưng giờ phụ nữ không còn phải một mình ra bờ suối, mà có nhà sát góc vườn được dựng sẵn để chuyển dạ.
“Chưa giải quyết được một cách triệt để nhưng những điều đó đã chứng tỏ sự thay đổi lớn lao trong nhận thức của đồng bào Chứt. Bởi, những hủ tục đó đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân, nối tiếp thế hệ này qua thế hệ khác nên thay đổi trong chốc lát không phải là điều dễ dàng”, trung tá Tịnh trầm giọng.
Nhìn vào cuộc sống hiện tại của dân tộc Chứt thì ít ai biết được rằng quá khứ của họ đã từng trải qua những câu chuyện đau lòng. Có người phụ nữ đã phải 8 lần ra bờ suối sinh con, và với điều kiện khốn khổ khi vượt cạn 1 mình, chị đã vĩnh viễn mất đi 4 đứa con tại nơi sinh…
Thiện Lương – Duy Tuấn
(còn nữa)