- Dù bác sĩ có giỏi đến đâu cũng không thể không có sai sót. Ngay cả khi các quy trình được kiểm soát chặt chẽ, với đủ các chuẩn mực quản lí như ISO, JCI… với các check list, bảng chỉ thị số hoặc màu… sai sót vẫn cứ xảy ra.
Theo nghiên cứu công bố năm 2000 của Ủy ban Chất lượng chăm sóc sức khỏe Mỹ, thuộc Viện Y tế Hoa kì (IOM), kể từ năm 1984, hàng năm, ở Mỹ có từ 44.000 đến 98.000 người thiệt mạng bởi những sai sót y khoa.
Một phóng sự của Reuters thực hiện vào tháng 11/2010 cũng chỉ ra, tại Hoa kì, mỗi tháng có khoảng 15.000 người chết do các vấn đề liên quan đến sai sót và biến chứng y khoa không tránh khỏi. Chi phí khắc phục sai sót y khoa trong tháng 10/2008 ở Mỹ là 324 triệu đô la (hơn 6.900 tỉ đồng).
Bác sĩ Võ Xuân Sơn |
Theo một báo cáo khác, hàng năm, tại Mỹ có hơn 4.000 ca mổ (khoảng 16 ca/ngày)
bị những sai sót y khoa, chi phí khắc phục lên đến 1,3 tỉ đô la (27.500 tỉ
đồng).
Với dân số Hoa Kỳ là 318,9 triệu người (năm 2014), theo tỉ lệ về dân số, Việt Nam có thể có khoảng 1.128 ca sai sót phẫu thuật mỗi năm (4,5 ca mới bị mỗi ngày).
Tương tự vậy, sẽ phải có khoảng 20.000 ca mỗi năm (80 ca mỗi ngày) tử vong do các biến chứng y khoa. Đấy là mới tính theo tỉ lệ về dân số, không tính đến việc các bệnh viện Mỹ có đầy đủ trang thiết bị, quy trình quản lí tiên tiến, không phải chịu sự quá tải như ở Việt Nam.
Sai sót y khoa là một vấn đề mà không riêng gì ngành y Việt Nam mắc phải, và cũng không riêng gì bệnh nhân Việt Nam phải gánh chịu. Các quy trình y khoa được kiểm soát và vận hành bởi con người, mà con người thì khó mà không mắc sai sót.
Dù bác sĩ có giỏi đến đâu cũng không thể không có sai sót. Ngay cả khi các quy trình được kiểm soát chặt chẽ, với đủ các chuẩn mực quản lí như ISO, JCI… với các check list, bảng chỉ thị số hoặc màu… sai sót vẫn cứ xảy ra.
Sai sót y khoa liên quan đến rất nhiều yếu tố, quy trình kĩ thuật chuyên môn, quy trình quản lí, vận hành, trạng thái sức khỏe, trạng thái tâm lí của nhân viên y tế, mức độ trao đổi thông tin giữa thầy thuốc – bệnh nhân, sự quá tải, các yếu tố làm sao lãng như vấn đề đón con, cơm áo gạo tiền…
Ngành y có một quy trình kiểm thảo tử vong và kiểm thảo các biến chứng chuyên môn. Có rất nhiều hình thức kỉ luật như “treo bút”, “treo dao”, “treo bằng” được áp dụng, ngay cả khi không có khiếu nại từ phía bệnh nhân. Đó là những hình phạt áp dụng cho những sai sót chủ quan như bỏ qua cảnh báo, thực hiện sai quy trình.
Một vấn đề quan trọng là khi các sai sót xảy ra thì cần làm gì để hạn chế thiệt hại, và ngăn ngừa các sai sót tiếp theo.
Ngành y đã chú trọng đến việc xử lí nội bộ, nhưng còn chưa chú ý đến vấn đề đối ngoại, và đối thoại với người bệnh, người chịu thiệt hại bởi sai sót y khoa.
Việc vội vàng xử ép cấp dưới của một số lãnh đạo bệnh viện, hoặc dùng tiền để khỏa lấp với người bệnh, hoặc tìm cách đổ lỗi quanh co đều là các cách làm sai, có thể mang lại hậu quả xấu.
Đối với người bệnh, khắc phục hậu quả và những thiệt hại cho người bệnh là việc đầu tiên cần làm. Trong trường hợp chưa rõ ràng có sai sót hay không khi chưa có kết luận của Hội đồng khoa học, hoặc khi người bệnh và thân nhân chưa hiểu rõ những vấn đề chuyên môn, cần tránh những tranh cãi gây ảnh hưởng đến tâm lí của cả bệnh nhân và nhân viên y tế.
Sự việc bệnh nhân đau chân trái, bác sĩ mổ chân phải tại Vĩnh Long đang gây xôn xao dư luận |
Đối với trường hợp nang Baker được mổ ở Vĩnh Long vừa qua, việc bệnh nhân được mổ bên chân phải trong khi có nang ở chân trái có thể xuất phát từ lí do bệnh nhân này có nang ở cả hai bên. Tỉ lệ nang Baker ở cả hai bên là khá cao. Ngoài ra, nếu không có nang ở bên phải, bác sĩ sẽ khó mà thoải mái rạch da, bóc tách và cắt nang.
Việc mổ vào chân phải có thể không gây thiệt hại gì cho người bệnh. Nhưng nếu thực sự bệnh nhân được chẩn đoán và dự định mổ nang bên trái mà lại mổ bên phải thì đây là sai sót của thầy thuốc, cho dù sai sót đó không gây thiệt hại cho người bệnh.
Thiết nghĩ, các bên cần ngồi lại với nhau. Về phía y tế, cần kiểm điểm nghiêm túc. Nếu thực sự có lỗi, cần rà soát lại quy trình, đồng thời xin lỗi người bệnh và gia đình. Về phía gia đình cháu bé, cũng nên thấy rằng việc mổ vào chân phải không gây thiệt hại đáng kể. Và cháu vẫn còn cái nang ở chân trái cần được điều trị.
BS Võ Xuân Sơn