Sưa đỏ là loài khiến bọn trộm cắp sục sôi điên đảo. Bọn “sưa tặc” cứ rình lúc nửa đêm là cưa phéng cả những cây còn bé tý. Thứ gỗ này chúng bán được tới vài triệu đồng/kg, vài tỷ một mét khối! Trước cửa ngôi đền Chóa (Yên Phong, Bắc Ninh), có một cây sưa cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Bọn trộm rình mò suốt ngày, còn các cụ già thì ra sức trông nom, bảo vệ khối tài sản khổng lồ.

Cây sưa 150 tuổi!


Men theo con dường dẫn vào làng Chân Lạc (xã Dũng Liệt, Yên Phong, Bắc Ninh), dễ dàng nhận ra quần thể Di tích cấp quốc gia đền Chóa với khung cảnh hiền hòa, nên thơ. Một cây sanh cổ thụ, bộ rễ và gốc khổng lồ đến mức trùm kín cả cái miếu thờ.
Cây sanh mọc trùm kín ngôi miếu. 

Trung tâm quần thể di tích là ngôi đền Chóa. Phía trước đền là hồ bán nguyệt rộng 7 sào, nước trong vắt. Hàng cây cổ thụ êm đềm soi bóng. Phóng tầm mắt ra phía xa sẽ thấy cây sanh khổng lồ cũng đang soi mình dưới làn nước xanh rêu mát lạnh. Anh bạn đồng nghiệp của tôi cứ mãi xuýt xoa về nét phong thủy “quá tuyệt vời, không chê vào đâu được” của khu di tích này. Cố giáo sư Trần Quốc Vượng trong cuốn “Việt Nam – cái nhìn Địa - văn hóa”, khẳng định đền Chóa có tín ngưỡng độc đáo, đại diện của cư dân ven sông Cầu thờ thần nước.

Ba người đàn ông đứng tuổi nhìn chúng tôi với thái độ hơi... cảnh giác. Chúng tôi giới thiệu là nhà báo, họ mới cho biết mình ở đây với nhiệm vụ trông coi đền, kiêm luôn cảnh giới cây sưa cực quý ở trước cửa đền. Ông Nguyễn Duy Oanh, 67 tuổi, chủ tịch Hội người cao tuổi thôn Chân Lạc quả quyết, cây sưa này không dưới 150 năm tuổi (!?).
 

Bia đá ngót 150 năm tuổi trong đền Chóa. 

 
Ông Oanh nói: “Dưới gốc đa ngoài cửa đền có một cái bia đá. Năm 1999, có người của Sở Văn hóa về đọc chữ Nho trên đó và bảo nó đã có 128 năm rồi. Bia đá đó ghi lại công đức của những người đã hiến ruộng để mở rộng hồ bán nguyệt. Khi đó, chắc chắn đã phải có cái cây này rồi, vì người ta chỉ mở rộng hồ đến gốc cây là dừng lại”.

Anh Ngô Thế Hồng, Trưởng thôn Chân Lạc cho phép chúng tôi mục sở thị cây sưa cổ thụ bên hồ. Thân cây có đường kính khoảng 0,7m, ngót 2 người ôm mới xuể. Bộ rễ của nó chườm lên mặt đất với những hình thù kỳ quái. Anh cho biết, cứ vào mùa tháng ba là cây trổ hoa, những chùm hoa trắng ngà, li ti rất đẹp.
 
Cây sưa khổng lồ này phải hai người ôm mới xuể. 

 
Để minh chứng cho tuổi đời 150 năm của cây sưa, ông Oanh cho biết, đền Chóa có 4 cây cổ thụ, được trồng để trấn 4 phía đền. Đó là cây sanh khổng lồ, cây cọ, cây lim và cây sưa này. Cây sanh thì to đến nỗi mọc trùm kín cả cái miếu thờ ngay dưới gốc nó. Cây lim thì đã bị chặt vào những năm 60 và giờ chỉ còn trơ lại gốc.

Thời đó, chính quyền xã thấy cây lim quý, đã huy động dân quân đốn hạ, xẻ gỗ và chia cho mỗi thôn mấy tấm để chắn thóc, che chuồng lợn. Sau này, có vài nhà mang số gỗ quý đó nộp lại cho xã. Bây giờ, nó được dùng để làm nhà tạm cho bảo vệ ở. Khi hạ cây xuống người ta đo được độ dài của nó đến gần 50 mét! Điểm qua các “bạn đồng niên” để biết cây sưa này cổ thụ đến mức nào.
 
Gốc cây lim bị chặt từ những năm 60. 

 
Cách đây vài năm, cả nước bỗng bùng phát nạn chặt trộm sưa, kể cả những cây mới chỉ to bằng bắp chân. Tổng số phải đến vài chục vụ. Cứ sáng ra, người dân lại bàng hoàng thấy cây sưa trước cổng nhà mình chỉ còn trơ lại gốc! Kẻ gian đã cưa đổ cây, cho lên xe và tẩu thoát trong đêm. Và người ta bỗng có thêm một khái niệm mới: “sưa tặc!”.

Cũng chẳng biết tại sao gỗ sưa lại đắt đỏ đến thế. Có người bảo là đại gia Trung Quốc mua về… ướp xác. Có người lại quả quyết là dân buôn ma túy nghiền gỗ sưa ra để trộn thêm vào bột heroin(?!). Lúc cao điểm, dân buôn gỗ sưa thu mua với giá 3-4 triệu đồng cho 1kg gỗ sưa! Một con số thật khó tưởng tượng. Ở Vĩnh Phúc, có người còn đào cả nền nhà mình lên để moi móc ra cái gốc sưa ngày trước làm nhà chặt béng mất. Dù chỉ còn trơ lại cái gốc, thế mà cũng được gần nửa tỷ. Có thể nói không ngoa là người ta đã thất điên bát đảo vì loại gỗ siêu đắt này.

 
 

 
Trở lại với cây sưa cổ thụ trước cửa đền Chóa. Cây sưa 150 năm tuổi, cho lượng lõi chừng vài tấn, thì giá trị của nó sẽ là bao nhiêu?

Lập kế hoạch bảo vệ sưa

Trước đây, cả làng chả ai biết đó là cây sưa. Ông Nguyễn Duy Phối, người cao tuổi thôn Chân Lạc bảo: “Cả làng cả xã chả biết sưa với nay gì sất, chỉ biết nó là cây cổ thụ mọc trước đền”. Cho đến khi có người đến thăm và bảo đó là cây sưa quý lắm, gỗ bán bằng cân, thợ buôn gỗ định giá nó cỡ tỷ rưỡi đồng thì các cụ mới tá hỏa. Cây sưa quý thế, nhỡ bọn trộm cưa mất thì vừa mất của lại vừa có tội với tâm linh. Vì thế, các cụ bàn bạc tìm cách bảo vệ cây sưa.
 
Phần thân chính của cây cao hơn 10m. 

Một đội tự vệ gồm 5 người được thành lập, cùng với hai “ông đám” (người được dân làng cử ra trông coi đền trong vòng 2 năm, giống như các ông thủ từ) ngày đêm trực chiến canh giữ cây sưa.

Hai “ông đám” ăn ở ngay sau khuôn viên đền suốt ngày đêm. Hai ông làm nhiệm vụ thường trực, còn 5 thành viên của đội trật tự thường xuyên tuần tra và luôn trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu với tội phạm.

Ông Lợi cho hay, ban ngày bà con lối xóm thường xuyên qua lại, bọn trộm có to gan đến mấy cũng chẳng dám liều. Nhưng ban đêm, giữa khu đền vắng này thì chả nói trước được điều gì.

Một đêm tháng Chạp năm ngoái, bọn trộm đã liều lĩnh đột nhập vào khu đền. Hai người trông giữ khi đó là ông Nguyễn Đình Quỳ và Nguyễn Văn Hồng đang nằm ngủ bỗng nghe thấy một tiếng “ùm” rất to. Đoán biết là có sự chẳng lành, hai ông ngay lập tức gọi điện thông báo cho các thành viên khác, rồi vội vã chạy ra ngoài xem sự thể.

Cành thấp nhất của cây sưa cổ thụ đã bị kẻ gian cưa đổ xuống hồ. Thấy động tĩnh, bọn chúng chuồn mất mà chưa kịp mang cành cây đi.

Cành cây bọn trộm cưa đứt có đường kính 20cm, được các cụ cắt đôi và cất giấu, canh phòng cẩn mật, đề phòng bị đánh cắp. Chúng tôi muốn xem và chụp ảnh cành sưa cũng phải được sự đồng ý của trưởng thôn, ông chủ tịch mặt trận…
Cành sưa bọn trộm cưa rụng được các cụ giấu kín. 

 
Ông Lợi bảo: “Đôi lúc nghĩ cũng sợ, đám chúng tôi trông cả cái cây bằng vàng giữa trời. Cứ tối đến là cửa đóng then cài, nếu không phải là người thân quen, có trách nhiệm thì tuyệt đối không mở cửa. Ngộ nhỡ chúng đập cho một gậy, hay là xịt thuốc mê thì mất cả”.

Tôi hỏi: “Vậy nếu bọn trộm cứ liều lĩnh xông vào cưa đổ cây thì các cụ làm thế nào?”. Ông Lợi bảo: “Chúng tôi đã tính toán cả. Có động tĩnh là bật hết điện ngoài kia lên, gọi ngay cho đội tự vệ rồi mới xông ra tiếp ứng. Bọn chúng không thể đi quá nhanh được. Vũ khí chúng tôi cũng đã cất sẵn ở đây rồi, có chuyện gì là sẵn sàng chiến đấu ngay, quyết không để cho kẻ gian cướp mất tài sản quý giá của dân làng”.

Các cụ trông coi cây sưa kể, mấy năm trước có một lái buôn trả 1,5 tỷ để mua cả gốc lẫn ngọn cây sưa, nhưng dân làng họp nhau nhất quyết không bán. Người dân còn lập lán trại ngay dưới gốc cây để canh chừng.

Rời ngôi đền với cây sưa cổ thụ khổng lồ, tôi chợt thấy lo cho mấy cụ trông nom cây sưa. Cây sưa với đường kính 0,7m, riêng phần thân chính cao hơn 10m, cùng rất nhiều cành to, rễ lớn này, cũng phải cho cỡ chục mét khối gỗ với vài khối lõi. Với cái giá 3-4 triệu đồng một kg, thì cây sưa này cũng phải cỡ chục tỷ đồng. Quả là một “cây vàng” khiến bọn sưa tặc thèm khát.

(Theo VTC News)