- “Bệnh viện mà an ninh như thế ư? Bệnh viện phải bồi thường đích đáng, người bệnh trả tiền nhưng an ninh không đảm bảo. Trộm cắp và giết người tùy tiện vào giường bệnh?”, một bạn đọc tên Lê Trung đã bày tỏ với VietNamNet.


Lỗ hổng về an ninh

Vừa qua, dư luận không khỏi bàng hoàng, căm phẫn trước thông tin bé trai 12 ngày tuổi bị người phụ nữ lạ mặt dùng dao chọc tiết lợn đâm xuyên sọ trong lúc nằm điều trị viêm phổi tại Bệnh viện đa khoa Vĩnh Long.

Dù em bé đã được phẫu thuật rút dị vật ra khỏi đầu và theo dõi đặc biệt tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, nhưng rất nhiều bạn đọc đã gửi phản hồi, bày tỏ sự bức xúc, kinh sợ trước sự việc thương tâm này.

Nhiều độc giả nhận định sự việc xảy ra có một phần trách nhiệm của bệnh viện, khuyến cáo các gia đình khi có con nhỏ nằm viện cần có người nhà trông nom cùng với sản phụ để tránh trường hợp tương tự xảy ra.

“Tất cả bệnh viên nhất thiết phải tăng cường an ninh. Tránh trộm cắp và giết người. Kiểu này ai dám nằm viện nữa? Bệnh viện mà an ninh như thế ư?

{keywords}
Bé trai được phẫu thuật lấy dị vật khỏi đầu.

Bệnh viện phải bồi thường đích đáng, người bệnh trả tiền nhưng an ninh không đảm bảo. Trộm cắp và giết người tùy tiện vào giường bệnh? Phải bồi thường nặng để chấm dứt tình trạng cẩu thả của bộ phận an ninh tại bệnh viện”, độc giả Lê Trung nói.

Chung quan điểm không an tâm về an ninh của Bệnh viện đa khoa Vĩnh Long, bạn đọc Hoài Đỗ dẫn chứng: “Không hiểu nổi an ninh của bệnh viện này kiểu gì mà để người lạ vào ngủ qua đêm thoải mái như vậy? Ở bệnh viện phụ sản quê tôi (Hải Phòng) chỉ được vào thăm khu các bà mẹ mới sinh trong khung giờ nhất định, hết giờ là khóa cửa và có bảo vệ gác cửa”.

Bàng hoàng trước tội ác ghê rợn

Cháu bé mới 12 ngày tuổi bị ra tay tàn độc không khỏi khiến dư luận bàng hoàng, phẫn uất.

Thậm chí, một độc giả tên Nguyễn Hiền nói: “Là bác sĩ với trên 40 năm trong nghề nhưng chưa khi nào tôi nghe, chứng kiến trường hợp cháu bé mới hơn chục ngày tuổi mà bị một cú đâm bằng dao vào đầu như vậy.

Xem đoạn clip, thấy con dao được các bác sĩ phẫu thuật lấy ra tôi không thể không rùng mình. Kẻ thủ ác phải trả giá cho tội lỗi đã gây ra. Cháu bé ơi, hãy ráng sống nghe con! Các đồng nghiệp, hãy bằng tài năng của mình cứu bằng được sinh linh bé nhỏ đó nhé...”.

Một phản hồi khác của độc giả tên Hương Nguyễn chia sẻ: “Làm cha mẹ rồi, nên khi đọc những tin như vậy thật lòng đau xót. Con cái là báu vật, vô giá. Mọi điều xảy ra với con ngay cả cái vấp ngã thôi đã làm cha mẹ lo lắng. Sao có người tàn nhẫn như thế".

Tai nạn thương tâm xảy ra với cháu bé không chỉ làm đau lòng các bà mẹ, mà khiến những người đàn ông đang làm bố không khỏi xót xa. Độc giả có tên Nguyễn Sơn nói: “Tôi là ba của hai đứa con. Đọc xong tôi đã khóc!”.

Nhiều người còn đồng cảm với nỗi đau mà cháu bé và gia đình đang phải gánh chịu: “Tội nghiệp quá! Bác sĩ ơi cố cứu cháu bé. Chắc bé đau đớn lắm nhưng không thể nói con đau quá mẹ ơi, và không hiểu tại sao mình lại bị đối xử như thế. Mọi người hãy ủng hộ để cháu bé có tiền chữa bệnh, giúp gia đình bé vượt qua giai đoạn khó khăn này”.

Cần quản lý chặt người tâm thần

Bên cạnh các ý kiến bày tỏ thương cảm vì em bé còn nhỏ gánh chịu nỗi đau lớn lao còn nhiều phản ánh cho rằng cần có biện pháp quản lý người tâm thần để tránh nguy hiểm cho xã hội.

“Đọc tin này thấy đau xót quá, tội nghiệp cháu bé! Tôi nghĩ nên có biện pháp với gia đình nào có người tâm thần mà để đi lang thang”, độc giả Thúy Anh đề xuất.

Độc giả Phúc An lại cho rằng cần phải giám định tâm thần nghi phạm một cách cẩn thận chính xác, tránh để kẻ ác thoát tội.

Sau khi em bé được phẫu thuật rút dị vật khỏi đầu, mọi người vui mừng nhưng ai cũng hiểu đây mới chỉ là thành công bước đầu.

Ai nấy không khỏi lo ngại những hệ quả của việc tổn thương não mà cháu bé phải gánh chịu về sau này.

{keywords}
Cháu bé sau ca mổ.

Theo Ths – bác sĩ Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực TP.HCM (Bộ Y tế), để tiến hành giám định tâm thần cho một đối tượng sau khi gây án phải có thời gian theo dõi từ 2 – 4 tuần. Nếu nghi phạm gây án ở Vĩnh Long thì có thể sẽ được đưa về Trung tâm Pháp y tâm thần tại Cần Thơ để giám định.

Trước đó, bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết, Sở Y tế TP.HCM đã đề xuất với UBND TP khen thưởng cá nhân, tập thể ê kíp mổ cứu bé sơ sinh bị dao đâm xuyên sọ.

Đây là động lực khích lệ tinh thần làm việc đối với các y bác sĩ.

Nghi can từng có "tiền án" bạo lực

Theo Báo CA.TPHCM, đối tượng Nguyễn Thị Vân (SN 1964, ngụ tại huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) từng mang dao sang nhà một người hàng xóm chém người này một nhát vào tay mặc dù không hề có thù oán gì.

Theo công an xã Tân Trung, bà Nguyễn Thị Vân từng có một đời chồng, trong lúc cãi vả, bà dùng dao chém nhiều nhát vào mặt chồng khiến người đàn ông nay đến giờ vẫn còn mang sẹo trên mặt. Sau vụ việc đó ông này vì quá khiếp sợ nên đã quyết định ly hôn với bà Vân.

Sau đó bà Vân kết hôn với ông Nguyễn Văn Thuận và sinh được một người con trai là anh Nguyễn Văn H. (SN 1990).

Theo hàng xóm, ông Thuận nhiều lần bị bà Vân chửi mắng, đuổi ra khỏi nhà. Cuối năm 2006 ông Thuận đột ngột qua đời.

Chính quyền địa phương đã yêu cầu đưa bà Vân đi khám, trị bệnh nhưng vì nghèo khó nên gia đình chưa đưa đi.

Không còn lạ gì với những hành động kiểu “đầu gấu” của người phụ nữ trên nhưng không ai nghĩ bà Vân lại có thể ra tay tàn độc với một đứa trẻ sơ sinh như vậy.

(Theo Công an TP.HCM)

Thanh Huyền