HTML clipboard HTML clipboard
Một cán bộ Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt khẳng định đến nay chưa có số liệu đầy đủ xác định nguyên nhân nổ vỏ xe trên đường cao tốc. Có trường hợp lắp vỏ xe mới vẫn nổ̉.
 
Chiếc xe khách đâm vào đuôi xe tải được đưa về cơ quan điều tra Công an tỉnh Long An - Ảnh: Mễ Thuận
 
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn - phó giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Tiền Giang, có rất nhiều trường hợp gây nổ vỏ xe, đặc biệt là lưu thông tốc độ cao trên đường cao tốc, có thể kể ra như: vỏ xe mòn quá quy định, vỏ xe có tì vết, áp suất yếu hoặc căng quá quy định, thậm chí xe chở quá tải cũng có thể gây nổ vỏ.

“Trong quá trình kiểm định, chúng tôi thường xuyên phát hiện vỏ xe mòn mất gai nhưng được người ta đắp thêm phần gai còn mới vào để tái sử dụng vỏ xe cũ. Điều này rất nguy hiểm. Quy định hiện hành chỉ cấm sử dụng vỏ xe đắp thêm gai làm vỏ trước chứ không cấm hoàn toàn”.

Một cán bộ có trách nhiệm của Cục Đăng kiểm VN cho biết quy trình kiểm định vỏ xe tải cũng bình thường như các xe khác. Chẳng hạn, vỏ xe phải đúng kích cỡ quy định, không có dấu hiệu bong tróc, phồng rộp cao su, vỏ xe không được mòn đến lớp chỉ báo hiệu độ mòn, vỏ không được sử dụng quá 80.000km. Nếu vi phạm một trong những yếu tố này thì cơ quan đăng kiểm không cấp giấy chứng nhận kiểm định.

Vị cán bộ này còn nói việc nổ vỏ xe trên đường cao tốc có nhiều nguyên nhân. Trong đó, nhiều chủ xe không lưu ý đến độ mòn của vỏ xe hoặc sử dụng vỏ xe vượt quá giới hạn 80.000km. Nhà sản xuất cũng lưu ý thời hạn vỏ xe lưu kho quá lâu thì dù mới vẫn phải loại bỏ do cao su vỏ xe bị lão hóa.

Tuy nhiên, điều đáng nói là nhiều chủ xe đã không quan tâm đến các chỉ số ghi trên vỏ xe thông qua các ký hiệu quy định về sức chịu tải, áp suất và tốc độ của vỏ xe. Các vụ nổ vỏ xe xảy ra không chỉ đơn thuần do vỏ xe kém chất lượng mà còn do bơm hơi quá áp suất quy định, xe chạy vượt tốc độ quy định của vỏ xe hoặc xe chở quá tải vượt sức chịu đựng của vỏ.

Với ý kiến của nhiều tài xế cho rằng lớp tạo nhám trên đường cao tốc là tác nhân gây nổ vỏ xe, TS Nguyễn Ngọc Long - phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường VN - cho rằng lớp tạo nhám được nhiều nước trên thế giới sử dụng từ lâu và cần thiết cho đường cao tốc để bảo đảm độ dính bám giữa vỏ xe với mặt đường cũng như đảm bảo độ dính bám khi phanh.

 
Sơ đồ diễn biến vụ tai nạn làm chết 8 người trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Đồ họa: Vĩ Cường - Ảnh nhỏ: bánh xe tải bị nổ được đưa về Công an tỉnh Long An - Ảnh: NGỌC HẬU

Tuy nhiên ông Long cũng nói: “Xe chạy với tốc độ 60km/g trên mặt đường bêtông nhựa mịn thì độ cọ xát giữa vỏ xe và mặt đường ít hơn và nhiệt độ vỏ xe không cao lắm. Nhưng nếu chạy trên đường cao tốc có lớp tạo nhám với tốc độ 100-120km/giờ, nhiệt độ tăng đáng kể và nếu vỏ xe cũ sẽ không chịu nổi. Đường cao tốc buộc phải có lớp tạo nhám, khi khai thác đường cao tốc đòi hỏi sự đồng bộ cả đường với phương tiện đảm bảo tiêu chuẩn. Xe có vỏ mòn, đắp vá hay chở quá tải không nên chạy trên đường cao tốc với tốc độ cao”.

Theo ông Nguyễn Hữu Trí - trưởng phòng kiểm định xe cơ giới Cục Đăng kiểm VN, để tránh tai nạn bất ngờ do nổ vỏ xe, người sử dụng xe cần dùng phụ tùng đúng quy định nhà sản xuất, đảm bảo áp suất vỏ xe và kiểm tra thường xuyên, bảo dưỡng đúng định kỳ, đảo vỏ xe khi bị mòn. Ngoài kiểm tra bảo dưỡng định kỳ, người sử dụng xe cần kiểm tra vỏ xe trước khi xe vận hành hoặc khi xe nghỉ giữa đường. Với các vỏ xe hư hỏng, nhất là hư hỏng bất thường, cần thay thế ngay.

Khoảng cách an toàn trên đường cao tốc tối thiểu 70m

Thông tư số 13 của Bộ GTVT có hiệu lực từ ngày 1-9-2009 quy định:

Khoảng cách an toàn của xe cơ giới khi tham gia giao thông: khi mặt đường khô ráo, khoảng cách an toàn của các xe trên đường cao tốc là: tốc độ đến 60km/g thì khoảng cách an toàn tối thiểu là 30m; tốc độ từ 60-80km/g thì khoảng cách tối thiểu là 50m; tốc độ từ 80-100km/g thì khoảng cách tối thiểu là 70m. Nếu đường cho phép tốc độ từ 100-120km/g thì khoảng cách tối thiểu là 90m.
 

Trước đó, một vụ tai nạn nghiêm trọng nhất kể từ khi đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương được đưa vào hoạt động xảy ra vào 3 giờ sáng 13-6, do chiếc xe tải bị nổ vỏ quay ngang đường khiến xe khách chạy sau tông thẳng vào gầm xe tải.

Theo số liệu thống kê, trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương đã có hơn 2.000 vụ nổ vỏ xe...

Khoảng 3g sáng 13-6, tại km17+500 đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, đoạn thuộc địa phận huyện Bến Lức (Long An) đã xảy ra vụ tai nạn giao thông thảm khốc làm 8 người chết và 10 người bị thương.

Đây là vụ tai nạn nghiêm trọng nhất kể từ khi đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương được đưa vào hoạt động (tháng 2-2010).

Xe trước nổ vỏ, xe sau tông tới

Thượng tá Phạm Hữu Châu, chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Công an tỉnh Long An, cho biết ôtô tải do Huỳnh Tấn Phát làm tài xế chạy từ hướng Trung Lương về TP.HCM thì bị nổ vỏ trước bên trái. Xe bị mất lái lao ra làn đường bên trái dành cho ôtô chạy tốc độ 100km/g. Lúc này, ôtô chở khách loại 16 chỗ do Nguyễn Thanh Liêm làm tài xế đang chạy phía sau với tốc độ cao nên tránh không kịp và tông thẳng vào gầm xe tải. Cú đâm rất mạnh khiến năm người trên ôtô khách chết tại chỗ, 13 người bị thương được đưa đến bệnh viện cấp cứu, nhưng ba người trong số này đã tử vong sau đó. Hiện 10 người bị thương đang được cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Thi thể của 5/8 nạn nhân tử vong đang được lưu giữ tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bến Lức (Long An).

Theo nhận định của Công an tỉnh Long An, nhiều khả năng tài xế ôtô khách đã chạy xe với tốc độ cao. Khoảng cách giữa xe khách và xe tải bị nổ vỏ phía trước rất gần nên khi phát hiện ôtô tải nổ vỏ, mất lái và lao ra làn đường bên trái thì tài xế xe khách không thắng kịp. Hiện trường cho thấy xe khách đã bị hư hỏng gần như hoàn toàn. Phần đầu xe và hơn 2/3 mui xe bị bung hết khung, lộ ra các băng ghế cũng hư hỏng. Hầu hết những người ngồi các hàng ghế trước đều đã tử vong (trong đó có tài xế) hoặc bị thương nặng.

Qua tìm hiểu cho thấy đơn vị đăng ký sở hữu ôtô tải là Công ty TNHH dịch vụ vận tải Thành Hưng (Tân Kiên, Bình Chánh, TP.HCM). Đây là ôtô tải 8 tấn, sản xuất năm 1986. Lần kiểm định an toàn kỹ thuật và môi trường gần nhất là vào ngày 16-5-2011 tại Trung tâm 5007V (TP.HCM). Do đây là xe cũ nên phải kiểm định ba tháng/lần, lần kiểm định tới là vào ngày 16-8-2011. Theo quan sát, vỏ xe bên trái bị nổ của xe tải mòn không đều, một số nơi mòn mất gai (hoa lốp).

Còn ôtô chở khách 16 chỗ ngồi hiệu Mercedes do Công ty Cho thuê tài chính 2 (Q.1, TP.HCM) đăng ký sở hữu. Xe này được sản xuất năm 2007, được kiểm định an toàn kỹ thuật và môi trường lần gần đây nhất vào ngày 24-12-2010 tại Trung tâm đăng kiểm 5005V (TP.HCM). Chiếc xe này hết hạn đăng kiểm vào ngày 24-6-2011, tức chỉ còn 10 ngày nữa sẽ phải đăng kiểm lại.

Hơn 2.000 vụ ôtô nổ vỏ

Theo Trung tâm quản lý đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, từ khi đưa vào khai thác tạm thời (tháng 2-2010) đến nay bình quân mỗi ngày có gần 61.000 ôtô lưu thông.

Đường cao tốc đã trở thành tuyến đường có mật độ xe lưu thông nhiều nhất so với tuyến quốc lộ 1. Trong thời gian qua, trên đường này đã xảy ra hơn 2.000 vụ ôtô nổ vỏ và hơn 40 vụ xe lấn tuyến va chạm gây tai nạn giao thông.

Trong số các vụ tai nạn giao thông có người chết và bị thương thì vụ tai nạn ngày 13-6 có số người chết nhiều nhất từ trước đến nay, trước đó có bốn vụ làm bảy người chết (tính từ tháng 2-2010 đến tháng 2-2011).

Đánh giá nguyên nhân gây ra các tai nạn trên đường cao tốc, ông Nguyễn Huy Thao - giám đốc Trung tâm quản lý đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương - cho rằng hầu hết do xe chạy quá tốc độ quy định, chở quá tải, do kỹ thuật và chất lượng xe không bảo đảm, do lái xe không làm chủ được tốc độ...

 
(Theo Tuổi Trẻ)

Tai nạn thảm khốc, ít nhất 8 người chết
Tai nạn giao thông nghiêm trọng đã xảy ra vào lúc 3g sáng ngày 13/6, tại vị trí Km 17+500 (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) đường cao tốc Trung Lương – TP.HCM gây thương vong cho nhiều người.
 
Kinh hoàng kể vụ TNGT thảm khốc trên cao tốc
Sáng 13/6, nguồn tin từ bệnh viện Chợ Rẫy cho biết vào rạng sáng, khoa cấp cứu bệnh viện có tiếp nhận 13 nạn nhân bị nạn trên đường cao tốc Trung Lương – TP.HCM nhập viện trong tình trạng hết sức nguy kịch.